Một ảnh được đăng trên Twitter của Lãnh sự quán Tonga cho thấy cây cối bị san phẳng và một tòa nhà bị hư hại nặng nề. Ảnh: Lãnh sự quán Tonga. |
Hôm 19/1, Lãnh sự quán Tonga đăng tải một loạt ảnh trên Twitter, cho thấy cây cối và các tòa nhà bị san phẳng và phủ đầy tro bụi sau thảm họa. Các mảnh vỡ chất đống ngoài đường và phương tiện giao thông bị hư hỏng nặng nề.
Các bức ảnh được chụp khi đường dây liên lạc giữa Tonga và phần còn lại của thế giới đã được khôi phục một phần, Guardian đưa tin.
Trong khi đó, việc thiếu nước sạch thực sự là một mối đe dọa đối với người dân Tonga.
“Mỗi nhà đều có bể cấp nước riêng nhưng giờ đây, hầu hết chúng đều chứa đầy bụi nên không an toàn để sử dụng”, nhà báo địa phương Marian Kupu nói với Reuters.
Người phát ngôn của Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric cũng cho biết: “Nước thực sự là vấn đề sống còn lớn nhất. Nguồn nước đã bị ô nhiễm, hệ thống dẫn nước cũng xuống cấp”.
Chuyến bay viện trợ quốc tế đầu tiên sẽ đến Tonga vào ngày 20/1.
Cây cối bị san phẳng sau "thảm họa kép" ở Tonga. Ảnh: Lãnh sự quán Tonga. |
Một máy bay của Lực lượng Phòng vệ New Zealand sẽ chở “thùng chứa nước, bộ dụng cụ làm nơi trú ẩn tạm thời, máy phát điện, bộ dụng cụ vệ sinh và thiết bị liên lạc” đến Tonga, theo Bộ Ngoại giao New Zealand.
Trước đó, máy bay vẫn ở chế độ chờ cho đến khi tro bụi được dọn sạch khỏi sân bay quốc tế ở nước này.
New Zealand cũng đã điều động hai tàu chở vật tư chứa 250.000 lít nước, dự kiến đến Tonga vào hôm 21/1.
Trong khi đó, Australia đã cử một tàu hải quân và cho biết hai máy bay của lực lượng không quân Hoàng gia Australia sẵn sàng khởi hành.
Hình ảnh chiếc xe bị tro bụi bao phủ bên ngoài một ngôi nhà ở Tonga. Ảnh: Lãnh sự quán Tonga. |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cho biết Bắc Kinh sẵn sàng hỗ trợ nhiều nhất trong khả năng cho phép, truyền thông nước này đưa tin.
Trước đó, báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết khoảng 84.000 người, chiếm hơn 80% dân số nước này, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi thảm họa.