Cuộc họp diễn ra trong phòng họp ở Cánh Tây của Nhà Trắng, có sự tham gia của 25 quan chức nội các và 18 nhân viên cao cấp khác, cùng một nhóm nhà báo, theo AP.
“Điểm mấu chốt là chúng ta đang thực hiện những lời hứa của mình. Chúng ta phải thực hiện tất cả cam kết, vì tôi cho rằng những nỗ lực của chúng ta đang nhận được sự đồng tình của phần lớn công chúng”, ông Biden nói trong cuộc họp.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh biến chủng Delta mới dễ lây lan đang gây nên các đợt bùng phát dịch bệnh tại nhiều khu vực trong đất nước, và trong bối cảnh kế hoạch cơ sở hạ tầng - ưu tiên chính của tổng thống - chưa thông suốt.
Cuộc họp không khẩu trang
Ngồi sát bên Tổng thống Biden là Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin. Phó tổng thống Kamala Harris ngồi đối diện trong khi một số phụ tá có ảnh hưởng nhất của tổng thống, bao gồm cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan và cố vấn chính sách trong nước Susan Rice, ngồi sát tường.
Áp sát họ là nhóm phóng viên đến để ghi lại sự kiện. Toàn bộ đều không đeo khẩu trang.
Cuộc họp nội các đánh dấu 6 tháng cầm quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden diễn ra trong phòng họp nhỏ, với trên 40 người tham dự, tất cả đều không đeo khẩu trang. Ảnh: AP. |
Khung cảnh trông khác xa so với cuộc họp nội các đầu tiên của ông Biden, được tổ chức vào ngày 1/4, diễn ra trong phòng họp rộng rãi hơn ở phía đông của Nhà Trắng nhằm đảm bảo giãn cách xã hội. Tất cả người tham dự ngày hôm đó, bao gồm cả tổng thống, đều đeo khẩu trang.
Kể từ tháng 3, đại dịch đã bắt đầu lắng xuống ở Mỹ. Tuy nhiên, nỗ lực tiêm chủng bắt đầu chững lại. Sự xuất hiện của biến chủng Delta dễ lây lan trong nhiều tuần nay đã gây nên sự gia tăng số ca mắc Covid-19 ở nhiều khu vực trên khắp đất nước, phần lớn ảnh hưởng đến những người chưa được tiêm chủng. Điều này đã khiến một số thành phố lớn phải áp đặt lại lệnh bắt buộc đeo khẩu trang.
Trước đó, Nhà Trắng thông báo rằng một số nhân viên đã tiêm chủng của họ vừa nhận kết quả dương tính với virus. Dẫu vậy, vẫn không có bóng dáng chiếc khẩu trang nào xuất hiện trong phòng họp.
Cuộc họp nội các đầu tiên diễn ra vào ngày 1/4 được tổ chức trong phòng họp rộng rãi hơn để đảm bảo khoảng cách an toàn. Ảnh: AP. |
Số phận mập mờ của gói cơ sở hạ tầng trị giá gần 1.000 tỷ USD
Trong cuộc họp, Tổng thống Biden nêu lên vấn đề thúc đẩy kế hoạch lập pháp hai chiều của mình, tin rằng đó là chìa khóa để bắt đầu “bùng nổ kinh tế trong thời gian tới”.
Tổng thống nói: “Người dân Mỹ ủng hộ nhiệt liệt kế hoạch của chúng ta”.
Nhà Trắng đã tổ chức một cuộc diễn tập cho cuộc họp cách đây vài tuần để đảm bảo rằng tất cả quan chức trong nội các có thể ngồi quanh bàn tròn và đều xuất hiện trong khung hình.
“Thời gian đang trôi đi nhanh chóng trong khi chúng ta mải vui chơi”, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki châm biếm trong cuộc họp báo trước cuộc họp.
Mặc dù ông Biden phần lớn nhận được phản hồi tích cực trong các cuộc thăm dò dư luận, vẫn có nhiều điều bất lợi có thể xảy ra.
Khi ông triệu tập nội các của mình, ba phụ tá hàng đầu đã đàm phán thỏa thuận lưỡng đảng về gói đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá gần 1.000 tỷ USD không có mặt ở đó. Họ đã vội vã đến Điện Capitol để cố gắng cứu vãn thỏa thuận đang trên bờ vực đổ vỡ, theo AP.
Tổng thống Biden phát biểu trong cuộc họp nội các ngày 20/7. Ảnh: AP. |
Cuộc họp nội các hồi đầu tháng 4 của ông Biden diễn ra chỉ vài ngày sau khi ông ký thành luật dự luật cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD. Kể từ đó, ông đã dồn sức vào kế hoạch cơ sở hạ tầng, bất chấp một số người trong đảng của tổng thống kêu gọi ông tập trung vào các vấn đề như quyền bầu cử và nhập cư.
Kế hoạch ban đầu mà Nhà Trắng đề xuất trị giá 1.700 tỷ USD. Ngoài vốn rót vào các công trình cầu, đường sá, Tổng thống Biden muốn chi 400 tỷ USD chăm sóc cho người già và người khuyết tật, cùng 200 tỷ USD cho chăm sóc trẻ em.
Hôm 8/6, các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Biden và các nghị sĩ Cộng hòa chủ chốt về dự luật cơ sở hạ tầng đã đổ vỡ, sau khi hai bên không đạt được nhượng bộ cần thiết.
Đến ngày 11/6, một nhóm 10 nghị sĩ lưỡng đảng tuyên bố đạt được một thỏa thuận về kế hoạch cơ sở hạ tầng. Kế hoạch này dự kiến trị giá 974 tỷ USD và kéo dài trong 5 năm, thấp hơn nhiều so với đề xuất 1.700 tỷ USD của Tổng thống Biden.
Tuy nhiên, không ít lãnh đạo phe Dân chủ đã tuyên bố sẽ không chấp nhận nhượng bộ, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer hay Hạ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez.
Để gói phát triển cơ sở hạ tầng được thông qua, phe Dân chủ cần có sự ủng hộ của ít nhất 60 thượng nghị sĩ.