Khi Donald Trump tuyên bố tranh cử tổng thống Mỹ, ông được cho là ứng cử viên cuối cùng cho chiếc ghế quyền lực ở Nhà Trắng. Nhưng cuối năm 2016, kết quả bầu cử là một bất ngờ lớn với cả thế giới.
Cuốn sách Đường đến Nhà Trắng 2016 - Cuộc cách mạng của Donald Trump kể lại hành trình trở thành tổng thống nước Mỹ của Donald Trump qua con mắt của chính trị gia kỳ cựu Roger Stone. Sách mới được xuất bản tại Việt Nam qua bản dịch của Nguyễn Thanh Châu.
Được sự đồng ý của đơn vị phát hành, Zing.vn trích đăng một phần cuốn sách. Nội dung bài trích đăng sách thể hiện quan điểm, góc nhìn, cách diễn đạt của tác giả Roger Stone.
Tựa đề các đoạn trích do Zing.vn đặt.
Donald Trump và Hillary đối đầu trong tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016. |
Tấn công Đại học Trump
Ngày 9/6/2016, hai ngày sau bầu cử sơ bộ California và “tuyên bố chiến thắng” của Clinton cho thấy bà sẽ được đảng đề cử, TNS Elizabeth Warren có bài phát biểu tại Hội Hiến Pháp Mỹ (ACS), trong đó bà ủng hộ Hillary và công kích Trump.
Warren lấy tâm điểm cụ thể để công kích Trump là vụ kiện tầm quốc gia của tập thể sinh viên chống lại Đại học Trump ở California. Trong cuộc nói chuyện ở San Diego tháng 5, Trump dành 12 phút thóa mạ Gonzalo Curiel, thẩm phán một quận ở San Diego, người xử lý vụ kiện. “Phiên tòa sẽ mở khoảng tháng 11” - Trump nói trong cuộc tiếp xúc cử tri tại San Diego hồi tháng 5.
“Lẽ ra sẽ không có phiên tòa nào hết. Lẽ ra, nó phải bị gạt phăng từ vòng sơ thẩm. Mọi người đều bảo thế, nhưng tôi đang có một thẩm phán căm ghét Donald Trump. Ông ta là kẻ ghen ăn tức ở. Tên ông ta là Gonzalo Curiel. Và ông ta không làm những việc đúng”.
Trump nói rõ Tổng thống Obama đã bổ nhiệm Curiel. “Nói thẳng ra, ông ta nên từ nhiệm. Ông ta đưa ra phán quyết hết lần này tới lần khác, toàn tiêu cực, tiêu cực và tiêu cực,” Trump nói, tiếp tục công kích Curiel. “Luật sư chính của tôi nói trước nay ông chưa bao giờ thấy những việc như thế này.”
Sau đó Trump công kích gốc gác của Curiel. “Vậy vị thẩm phán này là cái gì, là ai? Chúng ta tin ông ta là người Mexico. Tuyệt!” Trump nói tiếp, “Tôi nghĩ cái đó tốt thôi. Bạn biết không? Tôi nghĩ người Mexico cuối cùng sẽ yêu mến Donald Trump khi tôi cho họ việc làm. Tôi nghĩ họ sẽ thích điều đó. Tôi nghĩ họ sẽ yêu mến tôi...”
Việc này cho Warren đủ đạn để tấn công Trump trong bài phát biểu trước Đại hội ASC. “Gonzalo Curiel sinh ở Indiana, chứ không phải Mexico, cha mẹ ông là người nhập cư đã làm việc quần quật cả đời mà chẳng có gì,” Warren nhận xét, bình luận Trump đang “chọc ngoáy” một thẩm phán bị luật liên bang và đạo đức tư pháp ràng buộc nên không tự bảo vệ được.
Warren coi sự công kích của Trump là “đúng những gì người ta nghĩ từ một kẻ chuyên ăn hiếp, phân biệt chủng tộc, mặt dày mày dạn.” Bà phản đối việc Trump nói Curiel phải biết xấu hổ về bản thân mình. “Không, Donald. Chính ông mới là người phải biết xấu hổ. Xấu hổ vì đã dùng những từ đao to búa lớn của chiến dịch tranh cử để công kích tính cách và lòng chính trực của một thẩm phán, chỉ vì ông nghĩ ông có quyền trời cho để ăn cắp tiền của dân và thoát tội. Ông phải biết tự xấu hổ, ông đã làm đất nước vĩ đại này hổ thẹn.”
Warren phản đối việc Trump nói Curiel là nỗi ô nhục. “Không, Donald! Cái ông đang làm mới thật sự là nỗi ô nhục,” Warren nói tiếp. “Động chạm tới gốc gác một thẩm phán đã có nhiều năm bảo vệ nước Mỹ khỏi những vụ khủng bố của những kẻ giết người và buôn bán ma túy chỉ vì trước đây gia đình ông ấy từ đâu đó đến Mỹ. Ông, Donald Trump. Ông mới chính là nỗi ô nhục!” Warren kết luận, khẳng định Trump “chọn phân biệt chủng tộc làm vũ khí của mình” trong khi cho mục đích của Trump cũng như của những người Cộng hòa còn lại là “hoàn toàn giống nhau,” đó là “buộc tòa án phải khuất phục trước kẻ giàu và kẻ mạnh".
Sau khi đắc cử, Donalt Trump chấp nhận bồi thường 25 triệu USD cho vụ kiện Đại học Trump. |
Trump trả 25 triệu đô để giải quyết vụ kiện Đại học Trump
Ngày 1/6/2016, Jerome Corsi trên WND đã chứng minh những tài liệu công bố trong vụ kiện của sinh viên cáo buộc Đại học Trump gian lận đến từ một hãng luật đã trả Bill và Hillary Clinton tổng cộng 675.000 đô la cho các bài nói chuyện. LawNewZ.com đưa tin Hãng luật Robbins Geller Rudman & Dowd trả vợ chồng Clinton cao hơn bất cứ bài nói nào trong 104 bài họ đã trả. Hãng luật ở San Diego này trả Bill Clinton 250.00 đô la cho một bài nói chuyện năm 2009 (trước khi hãng được đổi tên) và trả Hillary Clinton 450.000 cho các bài nói năm 2013 và 2014.
LawNewZ.com đưa tin thêm Patrick Coughlin, một trong những luật sư của Robbins Geller nói rõ những lần đóng góp của ông cho chiến dịch tranh cử của Hillary Clinton. “Hồ sơ lưu trữ của Ủy ban Bầu cử liên bang cho thấy Coughlin là người ủng hộ tài chính từ lâu của cả DNC và Hillary Clinton,” bài trên LawNewZ.com viết. “Tháng Hai, ông ta đóng góp 5.400 đô la cho chiến dịch của bà ta.”
Theo hồ sơ đệ trình Tòa án cấp quận Nam California ngày 18/10/2013, trong số 12 luật sư đại diện cho bên nguyên, doanh nghiệp California Art Cohen trong vụ RICO Cohen kiện Trump được ghi là thành viên của Hãng Luật Robbins Geller Rudman & Dowd. Ngày 10/12/2014, thẩm phán quận Gonzalo P. Curiel ở San Diego chấp nhận đơn của Cohen là một vụ kiện cấp quốc gia, phiên tòa công khai đầu tiên sẽ được mở cùng ngày 18/7, ngày khai mạc của RNC.
Mấy ngày sau, vào ngày 6/6/2016, trên WND.com Corsi công bố tài liệu cho thấy thẩm phán Curiel và hãng luật Robbins Geller Rudman & Dowd là thành viên của Hội Luật sư La Raza tại San Diego, một nhóm không phải chi nhánh của Hội đồng La Raza toàn quốc mà lại có quan hệ với tổ chức gây tranh cãi này, dịch theo nghĩa đen là “Chủng tộc.”
Thẩm phán Gonzalo Curiel, người được Tổng thống Obama bổ nhiệm, bị Donald Trump chỉ trích là “kẻ ghen ăn tức ở” lẽ ra không nên xét xử vụ kiện đã ghi mình là hội viên Hội Luật sư La Raza của San Diego trong bản điều tra tư pháp ông điền khi được bầu làm thẩm phán liên bang. Trong giấy mời dự Tiệc tối của Quỹ Học bổng hằng năm năm 2014, tên ông được ghi là thành viên của Ủy ban Chuyên trách của Thượng viện. Trong khi đó, hãng luật có cơ sở ở San Diego đại diện cho bên nguyên trong vụ kiện Đại học Trump, Robbins Geller Rudman & Dowd được ghi là người tài trợ sự kiện này.
Trong khi Corsi thừa nhận Hội Luật gia La Raza San Diego và Hội đồng toàn quốc La Raza đúng là hai thực thể riêng biệt hợp tác hợp pháp, ông chỉ rõ hai nhóm này rõ ràng có vẻ có quan hệ liên ngành từ khi xuất hiện MEChA – Moviemento Estudiantil Chicanos de Atzlán, một phong trào sinh viên cấp tiến có tư tưởng biệt lập những năm 1960 ở California gắn với ý tưởng bí ẩn của thổ dân Aztec về một “quốc gia Atzlán gồm phần lớn miền trung tây nước Mỹ, kể cả California.”
David Horowitz cũng đưa ra các tài liệu trên trang mạng “Tìm hiểu các trang mạng” của ông ta. La Raza, tiếng Tây Ban Nha có nghĩa “chủng tộc,” cũng bắt nguồn từ một tổ chức có tên “mặt trận thống nhất” - Tổ chức Toàn quốc vì người Mỹ gốc Mexico viết tắt là NOMAS những năm 1960, lúc đầu được Quỹ Ford và sau này là Viện Xã hội Mở của George Soros và Quỹ John D. và Catherine T. MacAthur tài trợ.
Năm 1968, Hội đồng Tây Nam của La Raza được tổ chức với sự tài trợ của Quỹ Ford. Đến năm 1972, nhóm này đổi tên thành Hội đồng toàn quốc La Raza và mở văn phòng ở Washington DC.
Ngày 18/11/2016, sau khi được bầu là tổng thống, Trump đồng ý trả 25 triệu đô la để giải quyết vụ kiện Đại học Trump. Washington Post đưa tin cố vấn trưởng Alan Garten của Tổ chức Trump nói ông ta nghĩ Trump có thể thắng kiện, nhưng đồng ý giải quyết để có thể “chú tâm vào những vấn đề quan trọng mà đất nước đang đối mặt” trong kỳ chuyển giao nhiệm kỳ tổng thống. Tờ báo cũng đưa tin Tổng Chưởng lý New York Eric Schneiderman, người đâm đơn lần thứ hai kiện Đại học Trump nói 25 triệu đô la là “sự tráo trở đáng kinh ngạc của Trump, và một thắng lợi lớn cho hơn 6.000 nạn nhân bị trường đại học của ông ta lừa đảo.”