Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phan Cẩm Thượng: ‘Mọi người Việt đều có gốc gác nông dân’

Tác giả Phan Cẩm Thượng chứng minh quan điểm đó qua cuốn “Tập tục đời người” nghiên cứu phong tục tập quán người nông dân Việt thế kỷ 19 và 20.

Sách Tập tục đời người mới phát hành là kết quả của hơn 20 năm nghiên cứu, khảo cứu, điền dã của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng về văn hóa tập tục của người nông dân Việt Nam trong hai thế kỷ 19 và 20.

Tác phẩm tiếp nối cuốn Văn minh vật chất của người Việt, đưa ra góc nhìn đa dạng về cách người nông dân Việt Nam sống đời sống tinh thần của mình, cách họ tương tác với nhau. Sách trình bày những tập tục căn bản, những gì có liên quan đến sự phát triển của văn hóa dân tộc.

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng chia sẻ về cuốn sách, cũng như công việc nghiên cứu của ông.

Nong dan,  Tap tuc,  Van hoa anh 1
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng. Ảnh: Thu Hiền.

- Điều gì khiến ông thực hiện nghiên cứu về văn hóa, tập tục của người nông dân Việt Nam?

- Năm 2011, tôi đã xuất bản cuốn Văn minh vật chất của người Việt, văn hóa tập tục chỉ là phần tiếp theo của nó dưới góc độ tinh thần. Sau năm 2011, tôi có đăng rải rác nhiều bài văn hóa tập tục trên báo Thể thao & Văn hóa trong hai năm rưỡi. Đó là những ghi chép tản mạn, khi tôi làm cuốn sách trên.

Sau đó, một biên tập viên của công ty sách đã tập hợp các bài báo đó, đề nghị tôi in sách. Tôi đồng ý. Nhưng thấy nếu để những bài báo, ghi chép đó in thành sách thì không được. Bởi vậy, tôi viết lại hoàn toàn nên cuốn sách này.

- Việc chọn nghiên cứu tập tục của người nông dân có nói lên được tập tục của người Việt nói chung? Tại sao ông không nghiên cứu về người thành thị?

- Thực ra là tập tục của người Việt nói chung, mọi người Việt đều có nguồn gốc nông dân, đều xuất phát từ làng quê nào đó, kể cả người Hà Nội và các thành phố khác. Tôi đặt tiêu đề như vậy là nhấn mạnh cái gốc gác nông dân của người Việt.

- Tại sao ông lại chọn nghiên cứu về văn hóa tập tục trong hai thế kỷ 19 và 20 mà không mở rộng ra các thập kỷ khác, hoặc lựa chọn nghiên cứu vào một thời điểm nào khác?

- Thế kỷ 19, 20 gần chúng ta, có nhiều người đã viết về phong tục như Đoàn Triển, Phan Kế Bính, Nguyễn Văn Huyên cũng căn cứ vào đời sống đương thời. Phong tục tập quán cũng thay đổi theo thời gian, nên không thể ôm đồm quá khứ xa mà mình không rõ. Các nguồn tài liệu và thực chứng tôi có được đều thuộc về hai thế kỷ này.

- Rõ ràng trên mảnh đất hình chữ S có quá nhiều tập tục, vậy ông phải chọn lựa những tập tục nào, cách chọn lựa những tập tục đó ra sao để phản ánh được đời sống văn hóa của người nông dân Việt Nam?

- Cuốn sách của tôi không liệt kê các tập tục, cái này bạn đọc có thể đọc ở Phan Kế Bính, Toan Ánh, Nhất Thanh. Tôi nghiên cứu về đời sống, nguồn gốc các tập tục, so sánh tập tục qua từng sắc tộc khác nhau. Và nêu ra những tập tục chính thôi.

- Theo ông, tập tục người nông dân Việt thế kỷ 19 và 20 có ảnh hưởng như thế nào tới con người, xã hội Việt đương thời?

- Tập tục dường như không lệ thuộc vào thời cuộc, xã hội thể chế, mà tự nó có sức sống riêng cũng như biến đổi tùy theo hoàn cảnh. Trong tập tục có nhiều cái hay khi gắn bó với những truyền thống tinh thật tốt đẹp, cũng rất nhiều hủ tục mà rất khó khăn để gạt bỏ (ví dụ tục đốt vàng mã, ma chay cưới xin phiền toái). Tục biếu xén quan lại vẫn y nguyên từ thời phong kiến, trở thành nạn phong bì và tham nhũng bây giờ.

Nói chung tập tục rất kiên cố với tính cách của từng sắc tộc, cho dù hiện đã là thời đại toàn cầu và công nghệ.

- Để vẽ nên bức tranh văn hóa của người nông dân Việt, ông chọn phương pháp nghiên cứu nào, quá trình nghiên cứu ra sao?

- Cái này rất dài dòng, khó nói trên báo chí, có thể nói, tôi thường đặt vấn đề rất gần, như ăn ở, rồi mới nói về cái khác, rồi phân tích thật sâu một vài điểm.

- Quá trình nghiên cứu, ông gặp khó khăn gì, và giải quyết nó ra sao?

- Những phần viết liên quan đến âm nhạc thường rất khó khăn, vì tôi không thuộc ngành này. Còn khó nhất là có tiền để đi và ngồi viết nghiên cứu.

Nong dan,  Tap tuc,  Van hoa anh 2
Sách Tập tục đời người.

- Sách của ông nghiên cứu những nhóm nội dung chính trong văn hóa người nông dân như sinh hoạt thường ngày (ăn, ngủ), nơi ở, các trò lễ hội, tín ngưỡng, ẩm thực, ăn mặc… Các nhóm nội dung này liệu đã bao quát, nói hết được đời sống văn hóa người nông dân Việt?

- Tôi giải quyết hết vấn đề cuốn sách cần có, chứ không tham vọng khái quát, bao quát cái gì.

- Ngay từ tên chương 1 của sách đã có từ tục như “ăn, ngủ, đụ, ỉa”. Điều gì khiến ông đưa những từ tục như vậy vào cuốn sách?

- Nghiên cứu thì phải đúng sự thật, nói khác đi hoa mỹ làm gì, đây là bốn hành vi cơ bản của con người, mà người nông dân nói đúng bản chất nhất, không nên coi đó là tục. Mặt khác tôi dùng những khái niệm cổ của người Việt là như thế.

- Năm 2011, ông ra cuốn “Văn minh vật chất của người Việt”, tới cuốn này thì nghiên cứu văn minh tinh thần người Việt. Vậy hai cuốn sách này có nằm trong một dự án nghiên cứu nào lớn hơn của ông không?

- Đúng vậy, trong phần nghiên cứu về văn minh Việt Nam, tôi có bốn cuốn, có thể đọc trong giới thiệu của nhà văn Nguyên Ngọc in trong sách.

- Ông nhận xét thế nào về tình hình nghiên cứu văn hóa, xã hội học của giới nghiên cứu hiện nay? Những cá nhân lựa chọn phương pháp nhân học thực địa như ông có nhiều? Chất lượng các công trình nghiên cứu ra sao?

- Tôi không dám đánh giá người khác nữa là một giới có đến mấy vạn giáo sư, tiến sĩ như vậy.

'Lĩnh Nam chích quái' - huyền thoại, huyền sử kể bằng tranh

Với mong muốn thể hiện lịch sử theo một cách khác, Tạ Huy Long tạo nên một diện mạo hoàn toàn mới mẻ cho tác phẩm "Lĩnh Nam chích quái".

Thu Hiền (thực hiện)

Bạn có thể quan tâm