Khi Donald Trump tuyên bố tranh cử tổng thống Mỹ, ông được cho là ứng cử viên cuối cùng cho chiếc ghế quyền lực ở Nhà Trắng. Nhưng cuối năm 2016, kết quả bầu cử là một bất ngờ lớn với cả thế giới.
Cuốn sách Đường đến Nhà Trắng 2016 - Cuộc cách mạng của Donald Trump kể lại hành trình trở thành tổng thống nước Mỹ của Donald Trump qua con mắt của chính trị gia kỳ cựu Roger Stone. Sách mới được xuất bản tại Việt Nam qua bản dịch của Nguyễn Thanh Châu.
Được sự đồng ý của đơn vị phát hành, Zing.vn trích đăng một phần cuốn sách. Nội dung bài trích đăng sách thể hiện quan điểm, góc nhìn, cách diễn đạt của tác giả Roger Stone.
Tựa đề các đoạn trích do Zing.vn đặt.
Đối đầu giữa Trump (trái) và Cruz từng được coi là cơn ác mộng của đảng Cộng hòa. |
Người chưa bao giờ nắm giữ vị trí trong chính quyền
Một năm từ ngày tuyên bố tranh cử đã trôi qua, nhưng Trump - ứng cử viên tổng thống nhiều khả năng nhất sẽ thành công, người duy nhất chưa bao giờ nắm giữ vị trí trong chính quyền là ứng cử viên cuối cùng trong cái vốn là đấu trường đông đúc ứng cử viên của đảng Cộng hòa.
Nhìn chung, các ứng cử viên GOP trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa tham gia tổng cộng 12 phiên tranh biện bắt đầu từ 6/8/2016 ở Quicken Arena, Cleveland, Ohio và kết thúc sớm hơn một chút ở Đại học Miami, Miami, Florida sau một phiên tranh biện do CNN chủ trì ngày 10/3/2016.
Chỉ có một phiên bị hoãn. Ban đầu tranh biện cuối cùng dự định sẽ tổ chức vào thứ Hai 21/3/2016 ở Thành phố Salt Lake, bang Utah nhưng nó bị hoãn sau khi Trump và Kasich nói họ sẽ không dự.
Cuộc đua marathon 12 phiên tranh biện được chấm dứt với đấu trường ngày càng thu hẹp vì các ứng cử viên thay nhau bỏ cuộc khi các cuộc bầu cử sơ bộ, các cuộc họp kín của lãnh đạo và đại hội toàn bang đi qua toàn bộ 50 bang, mở đầu là Iowa ngày 1/2/2016 và kết thúc với hai trong số những bang đông dân nhất – California và New Jersey, và ba bang miền tây ít dân nhất - Montana, New Mexico và South Dakota ngày 7/6/2016.
Rick Perry là người đầu tiên bỏ cuộc ngày 11/8/2015, theo sau là Scott Walker ngày 21/9/2015. Cuối tháng 12/2015, thậm chí trước khi các cuộc bầu cử bắt đầu, Bobby Jindal, Lindsey Graham và George Pataki rút, chỉ còn lại 12 ứng cử viên GOP trên đấu trường.
Trong năm 2016, việc không thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ và vì vậy mất các nhà tài trợ là lý do chính khiến các ứng cử viên GOP bỏ cuộc. Tháng 2/2016 bảy người nữa rút khỏi cuộc đua, gồm Mike Huckabee, Rand Paul, Rick Santorum, Carly Fiorina, Chris Christie, Jim Gilmore và Jeb Bush.
Khi Jeb thừa nhận thất bại ở Columbia, Nam Carolina ngày 20/2/2016, cuộc đua vào Nhà Trắng của GOP đạt tới thời khắc phân định rõ ràng. Trước một phòng khiêu vũ trong khách sạn đông nhân viên, nhà tài trợ, người ủng hộ và bạn hữu lâu năm, Bush tự hào nói: “Trong chiến dịch này, tôi đã đứng vững trên lập trường của mình, không đổ rạp trước các cơn bão chính trị".
Cao hứng vì là một ứng cử viên nổi tiếng của chính quyền, bài tuyên bố thừa nhận thất bại của Bush càng cho thấy rõ ông đã trở thành nạn nhân của chính những tính toán sai lầm của mình.
Như Washington Post nhận xét, Bush, người chưa từng làm việc ở Washington hoặc có công việc tầm liên bang là người được giới tinh hoa của GOP ưu ái vì gia đình và những quan hệ gần gũi với nhiều nhà tài trợ hào phóng nhất và lãnh đạo cao cấp nhất của GOP.
Tờ báo nói thêm, vào lúc Bush thừa nhận thất bại, cái Super PAC “Quyền Nước Mỹ đứng dậy” đã quyên góp được 118 triệu đô la và tính đến tháng 2/2016 đã sử dụng 95,7 triệu, chủ yếu vào việc quảng cáo để công kích các ứng cử viên GOP khác.
Washington Post cũng chỉ rõ Jeb chưa bao giờ tìm được cách thoát khỏi tên tuổi gia đình, mặc dù ông liên tục khẳng định chiến dịch tranh cử tổng thống “không thể chỉ về quá khứ, không thể về bố mẹ tôi hoặc anh trai tôi, những người tôi yêu quý. Nó phải về những lý tưởng tôi tin để đưa nước Mỹ tiến về phía trước".
Vâng, Bush đã không thể thay đổi được chiến dịch thành cuộc trưng cầu dân ý về hồ sơ của ông khi còn là thống đốc Florida. Ngược lại, ông bị lún sâu vào các cuộc tranh cãi liệu ông có cho phép hành động quân sự chống Saddam Hussein như anh trai ông đã làm sau các cuộc tấn công khủng bố 11/9 không. Bị gặng hỏi nhiều lần, cuối cùng ông thừa nhận nếu “biết những gì ngày nay chúng ta biết,” ông sẽ không ra lệnh tiến hành chiến tranh ở Iraq.
Ba ứng viên đảng cộng hòa khi đó: Thống đốc John Kashich (trái), tỉ phú Donald Trump (giữa) và Thượng nghị sĩ Ted Cuz. |
Chiến binh hung hãn
Tới phiên tranh biện lần thứ 12 của GOP ngày 10/3/2016, đấu trường chỉ còn lại năm ứng cử viên: Donald Trump đối đầu Ben Carson, Marco Rubio, Ted Cruz và John Kasich. Trong năm người này, Ben Carson là ứng cử viên còn lại duy nhất không thắng cuộc bầu cử sơ bộ nào.
Trong khi Trump nổi lên là một chiến binh hung hãn, Carson tạo cảm giác về một vị bác sĩ phẫu thuật nhút nhát nhưng có tài, quan tâm phục vụ lợi ích của chính thể Cộng hòa thay vì xây dựng sự nghiệp chính trị cho mình.
Khi đấu trường các ứng cử viên của đảng Cộng hòa đã ổn định, Trump và Carson ở vị trí là những người ngoài cuộc trong một cuộc bầu cử mà cử tri GOP được tự do bày tỏ việc họ coi thường các ứng cử viên của thể chế GOP, điển hình là Jeb Bush.
Trong khi cả Rubio và Cruz là những người trong cuộc của Washington vì là TNS liên bang, mỗi người đều tin mình có lợi thế rõ ràng trước Donald Trump. Marco Rubio tiếp tục tin gốc gác Cuba của ông sẽ cho ông cơ hội tốt nhất để giành được các cử tri Hispanic cần thiết nếu ứng cử viên tổng thống của GOP muốn có cơ hội đánh bại Hillary.
Cruz, người cùng gốc Cuba như Rubio cũng cảm thấy ông có lợi thế rõ ràng thu hút được những người Evangelica Cộng hòa bảo thủ vì lòng tin mãnh liệt mà ông và người cha linh mục thường thể hiện. Cuối cùng Carson rút ngày 2/3/2016, theo sau là Rubio – người chỉ thắng các cuộc bầu cử sơ bộ ở DC, Minnesota và Puerto Rico. Rubio rút ngày 15/3/2016, sau Ben Carson vài ngày.
Khi các cuộc bầu cử sơ bộ kết thúc, chỉ còn John Kasich, người chỉ thắng ở Ohio và Ted Cruz thắng 11 bầu cử sơ bộ là hai ứng cử viên duy nhất còn lại trong cuộc đua tiếp tục chiến đấu với Donald Trump. Cuối cùng chiến thắng của Trump mang tính quyết định, thắng 41 cuộc bầu cử sơ bộ và giành thêm được gần 500 đại biểu, nhiều hơn số 1.237 ông cần để thắng trong vòng bầu cử đầu tiên.
Kasich là người rút sau cùng vì tin cuối cùng lãnh đạo GOP sẽ ngả về phía ông, một người Cộng hòa ôn hòa đã vượt xa Clinton trong các cuộc thăm dò dư luận để đoàn kết toàn đảng trong cái ông hình dung sẽ là một đại hội đổi chác phiếu đầy cạnh tranh mà ông biết trước sẽ có sau cuộc đấu đá nội bộ quyết liệt đầy ác ý.
Chưa bao giờ có gì giống như thế trong lịch sử chính trị Mỹ. Một nhà tỉ phú lòe loẹt và to mồm của thành phố New York, được đặc tả là “thằng hề” khi ông mới tuyên bố ra tranh cử, cuối cùng lại đánh bại được hàng loạt các ứng cử viên nổi tiếng không phải vì nghề chính trị chuyên nghiệp của họ, mà vì những biệt danh Trump đặt cho họ. Khi GOP chuẩn bị tới Cleveland vào tháng Bảy, “Jeb thiểu năng,” “Marco Còi” và “Ted Dối trá” đều đã trở thành khán giả, trong khi kỳ lạ là Donald J. Trump lại chuẩn bị đối đầu với “Hillary Lươn lẹo” trong cuộc chiến lớn nhất.