Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Donald Trump hay lựa chọn cuối cùng của vị trí tổng thống Mỹ

Từ ứng viên được đánh giá thấp nhất trong cuộc đua tới Nhà Trắng, ông Donald Trump trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Khi Donald Trump tuyên bố tranh cử tổng thống Mỹ, rất ít người đặt niềm tin vào ông. Ông được cho là ứng cử viên cuối cùng cho chiếc ghế quyền lực ở Nhà Trắng. Nhưng cuối năm 2016, kết quả bầu cử là một bất ngờ lớn.

Cuốn sách Đường đến Nhà Trắng 2016 - Cuộc cách mạng của Donald Trump kể lại hành trình trở thành tổng thống nước Mỹ của Donald Trump qua con mắt của chính trị gia kỳ cựu Roger Stone. Sách mới được xuất bản tại Việt Nam qua bản dịch của Nguyễn Thanh Châu.

Được sự đồng ý của đơn vị phát hành, Zing.vn trích đăng một phần cuốn sách. Nội dung bài trích đăng sách thể hiện quan điểm, góc nhìn, cách diễn đạt của tác giả Roger Stone.

Tựa đề các đoạn trích do Zing.vn đặt.

Với việc Hillary được coi là ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, khi năm 2015 sắp hết, cuộc đua tổng thống có vẻ như sẽ kết thúc bằng việc Hillary là “người phụ nữ đầu tiên” giành được ghế tổng thống Mỹ, hoặc Jeb trở thành “Bush thứ ba” trong Nhà Trắng. Người cuối cùng mà các chuyên gia chính trị trong giới truyền thông chính thống dự kiến sẽ chiến thắng là Donald Trump, cho dù ông giàu cỡ nào đi nữa. 

Donald Trump,  Tong thong My anh 1
Donald Trump (trái) và Jeb Bush - người một thời là niềm hy vọng cho Đảng Cộng hòa.

Trump Tower là sân khấu trung tâm

Ngày 15/6/2015, Jeb Bush - người thứ ba trong triều đại Bush tranh cử tổng thống - xuất hiện trên sân khấu khu Kendall của Cao đẳng Miami Dade ở Florida, nơi ông là thống đốc hai nhiệm kỳ đầu tiên của đảng Cộng hòa. Với vẻ thanh thản, thoải mái, ông xuất hiện trước 3.000 người ủng hộ tại nhà thể chất của trường cao đẳng cộng đồng mặc chiếc áo sơ mi xanh cài khuy và quần âu, có mẹ ông vỗ tay tán thưởng trong cánh gà.

Hôm sau, thứ Ba ngày 16/6, Donald Trump sử dụng hội trường sang trọng ốp đá hoa cương và nẹp vàng trong Trump Tower trên phố 57, Đại lộ 5, thành phố New York để tuyên bố ông sẽ ra tranh cử tổng thống.

Trái ngược hẳn với buổi tuyên bố của Jeb Bush, hội trường ba tầng chật kín những người ủng hộ Trump khi con gái ông là Ivanka trông như một người mẫu trong bộ đồ màu trắng thiết kế rất thanh nhã, lên giới thiệu cha mình.

Donald Trump,  Tong thong My anh 2
Trump Tower chính là sân khấu chính cho cuộc đua tới Nhà Trắng của ông Donald Trump.

Trong bộ com lê màu xanh dương may đo đặc trưng và cà vạt đỏ rực, Donald ra trước bục diễn giả bằng gỗ gụ, phía sau là phông nền xanh lam với các vạch đỏ tỉa tót thành dòng chữ “Trump - Khôi phục sự vĩ đại của nước Mỹ.” Chương trình được hàng chục hãng thông tấn tranh giành nhau phát trực tiếp trên truyền hình và Internet.

“Đất nước chúng ta đang gặp rắc rối nghiêm trọng,” Trump mở đầu. “Chúng ta không còn chiến thắng nào. Chúng ta thường chiến thắng, nhưng giờ thì không. Lần cuối cùng chúng ta đánh bại, Trung Quốc chẳng hạn, trong một hợp đồng thương mại là lúc nào? Họ giết chúng ta. Tôi luôn đánh bại Trung Quốc. Luôn luôn".

Nói chuyện không cần sử dụng màn hình nhắc chữ hay đọc từ diễn văn in sẵn, Trump tiếp tục các chủ đề ông muốn nói theo cách tưởng như đã được tập trước, nhưng phần lớn là ngẫu hứng.

“Chúng ta đã khi nào đánh bại được Nhật Bản về chuyện gì chưa?,” Trump nói tiếp. “Họ đưa hàng triệu chiếc xe vào Mỹ và chúng ta đã làm gì? Lần cuối cùng các bạn thấy một chiếc Chevrolet ở Tokyo là khi nào? Không hề có chuyện đó, các bạn ạ. Họ luôn đánh bại chúng ta".

Suy nghĩ này thôi thúc Trump bình luận về Mexico, một địch thủ khác mà ông muốn quy tội đã cướp việc làm của người Mỹ sau khi Tổng thống Bill Clinton ký Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA).

“Chúng ta đánh bại Mexico ở biên giới khi nào?” Trump đặt câu hỏi. “Họ đang cười vào sự ngu xuẩn của chúng ta. Và bây giờ họ đang đánh bại chúng ta về kinh tế. Họ không phải là bằng hữu, hãy tin tôi đi. Mà họ đang giết chúng ta về kinh tế.”

Điều này dẫn Trump tới kết luận. “Nước Mỹ đã trở thành bãi rác cho những vấn đề của nước khác".

Donald Trump,  Tong thong My anh 3
Ông Donald Trump trong buổi tuyên bố tranh cử.

'Đất nước cần một nhà lãnh đạo thực sự vĩ đại'

Sau hai mươi phút tuyên bố hùng hồn, bao gồm việc công kích chính quyền Obama về những thất bại ở Trung Đông, tỉ lệ dân số không nằm trong lực lượng lao động ngày càng tăng và việc Obamacare mở một trang chủ tốn kém nhưng thất bại, Trump nói tới thông điệp mấu chốt là tại sao ông phải là tổng thống.

“Các bạn thấy đó, tôi đã theo dõi các chính trị gia,” ông mở lời, bước vào phần trọng tâm.

“Suốt đời tôi đã đối phó với họ. Nếu bạn không thể đàm phán có lợi với một chính khách thì bạn có điều gì đó không ổn,” ông cao giọng nói tiếp. “Người như vậy chắc chắc không giỏi lắm. Mà nhìn những người đại diện chúng ta đang có xem. Họ sẽ không bao giờ khôi phục được sự vĩ đại của nước Mỹ. Họ thậm chí không có cơ hội. Họ hoàn toàn bị kiểm soát – hoàn toàn bị những người vận động hành lang, những người đóng góp tài chính và những nhóm lợi ích đặc biệt kiểm soát.” Nói xong những điều này, Trump đưa ra lập luận kết thúc.

“Lúc này đất nước chúng ta cần - đất nước cần một nhà lãnh đạo thực sự vĩ đại, và chúng ta cần một nhà lãnh đạo vĩ đại ngay lúc này,” Trump nhấn mạnh. “Chúng ta cần một nhà lãnh đạo đã viết cuốn Nghệ thuật thương lượng".

Trump đặt mình vào vị trí kẻ ngoài cuộc đối với Washington, một doanh nhân đã xây dựng khối tài sản của mình bằng việc là một nhà thương lượng có thể làm người khác phải thực hiện cam kết với mình. Trên tất cả, Trump nói rõ ông đủ giàu để tự tài trợ cho cuộc đua của mình vào ghế tổng thống, ngay cả phải đối đầu với Hillary Clinton lúc này được đồn thổi là sẽ quyên được hai tỉ đô la để tài trợ cho chiến dịch tranh cử tổng thống của bà.

“Tôi sẽ dùng tiền riêng của mình,” Trump huênh hoang, kiểu cách làm ông được kẻ yêu, người ghét, đặc biệt trở thành đối tượng hận thù của những người tự do trong đảng Dân chủ, những người hàng chục năm nay đã thắng cử bằng cách ve vãn lá phiếu của những người thuộc giới hạ lưu.

“Tôi không sử dụng người vận động hành lang. Tôi không sử dụng tiền quyên góp. Tôi không quan tâm. Tôi thực sự giàu có".

Donald Trump,  Tong thong My anh 4
“Tôi không sử dụng người vận động hành lang. Tôi không sử dụng tiền quyên góp. Tôi không quan tâm. Tôi thực sự giàu có"  -Donald Trump.

Trump tiếp tục vẽ ra bối cảnh mà ông mô tả thế này: “Sau khi ba mươi người bạn đã từng đóng góp cho các chiến dịch tranh cử khác nhau gọi cho tôi, sau khi tất cả những người có hứng thú, đặc biệt là những người đóng góp và vận động hành lang gọi điện cho tôi - họ hoàn toàn không có cơ hội thuyết phục tôi - họ chỉ nhận được con số không. Ngày mai, tôi sẽ nhận được cuộc điện thoại từ người đứng đầu hãng Ford. Ông ta sẽ bảo: ‘Ông hãy suy nghĩ lại đi'. Tôi sẽ nói không".

Trump kết thúc câu chuyện, tự đặt mình vào vị trí đã thắng cử.

“Ông ta sẽ nói ‘Thưa ngài Tổng thống. Chúng tôi đã quyết định sẽ rời nhà máy về lại nước Mỹ. Chúng tôi sẽ không xây nó ở Mexico'. thế đấy. Họ không có lựa chọn nào khác. Họ không còn lựa chọn nào khác".

Jeb Bush có thể xuất hiện ở nhà thi đấu của Cao đẳng cộng đồng, không cài khuy cổ áo, nói chuyện bằng tiếng Tây Ban Nha, nhưng so với Trump, Jeb có vẻ đã tập dượt trước, nói chuyện tựa như ông đã học thuộc lòng, nói tiếng Tây Ban Nha cứ như ông đã hình dung lời kêu gọi về sự đa dạng sẽ thu hút được mọi người.

Ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ có phải ý Chúa?

Tác giả Roger Stone xem hành trình đến chức tổng thống Mỹ của Donald Trump là cuộc “cách mạng”, giải thích quan điểm này trong sách “Đường đến Nhà Trắng".



Trích sách "Đường đến Nhà Trắng 2016"

Bạn có thể quan tâm