Hillary Clinton
Hành trình nửa thế kỷ của nữ quyền
Hillary Clinton là một biểu tượng nữ quyền khó có thể phủ nhận đối với cả những người ủng hộ lẫn những người phản đối bà.
Cho đến năm 2014, tức năm thứ 13 liên tiếp, bà Hillary Clinton được người dân Mỹ bình chọn là người phụ nữ đáng ngưỡng mộ nhất thế giới. Giờ đây, bà đang đứng trước cơ hội trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.
Ở cựu ngoại trưởng, người ta nhìn thấy sự kết hợp giữa tham vọng, lòng quyết tâm, sự nhạy bén về chính sách và cả thủ đoạn chính trị. Người mến mộ bà rất nhiều và người không thích bà cũng chẳng ít.
Để có thể hiểu chính xác hơn về con người bà, chúng ta cần nhìn lại hành trình gần nửa thế kỷ đưa bà từ một cô sinh viên bản lĩnh trở thành ứng viên tổng thống trong cuộc đua vào Nhà Trắng lần thứ hai.
Trước Hillary Clinton, nước Mỹ từng có một Hillary Rodham
Nếu so với một Donald Trump không hề có kinh nghiệm chính trường, bà Hillary Clinton đã thể hiện tư chất chính trị gia từ rất sớm. Cách đây gần nửa thế kỷ, công luận Mỹ đã một phen bất ngờ vì bài phát biểu của nữ sinh viên Hillary Rodham (tên trước khi kết hôn của bà Clinton) trong lễ ra trường của Đại học Wellesley.
Ngày 31/5/1969, Đại học Wellesley tiến hành trao bằng tốt nghiệp cho hơn 2.000 sinh viên. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Edward Brooke được mời đến dự và có bài phát biểu. Bà Clinton là người lên sân khấu ngay sau ông Brooke.
Hình ảnh bà Clinton trên tạp chí Life năm 1969. Ảnh: Getty. |
Vào thời điểm đó, phong trào biểu tình của sinh viên Mỹ diễn ra rất rầm rộ, thậm chí một số biến thành bạo lực. Sinh viên đòi công bằng trong chính sách nhà đất, phản đối phân biệt chủng tộc và phản đối chiến tranh Việt Nam.
Trong bài phát biểu của mình, ông Brooke chỉ trích các cuộc đấu tranh của sinh viên. Ông ám chỉ rằng đó là điều nguy hiểm, tạo ra căng thẳng xã hội và tình trạng chia rẽ cản trở sự tăng trưởng kinh tế.
Thực tế, bà Clinton không phải là lãnh đạo trong các hoạt động này. Bà lên sân khấu, quay sang nhìn ông Brooke và đáp trả: "Chúng tôi chưa được đứng ở vị trí lãnh đạo hay cầm quyền nhưng chúng tôi có quyền không thể bỏ qua là phê bình và phản đối mang tính xây dựng". Những lời lẽ này hoàn toàn do bà ứng biến, không hề có trong nội dung chuẩn bị trước.
Bà tiếp tục nhằm vào vị thượng nghị sĩ đang ngồi hàng ghế đầu: "Có nghĩa lý gì khi biết rằng 13,3% người dân nước ta đang sống dưới mức nghèo đói? Đó chỉ là một con số. Chúng tôi không quan tâm đến việc xây dựng lại xã hội, chúng tôi quan tâm đến tái thiết con người".
Kết thúc bài phát biểu, nữ sinh Rodham đã nhận được tràng pháo tay kéo dài hơn nửa phút. Sự kiện ngay lập tức được truyền thông chú ý, trong đó có tạp chí Life sau này đã đăng một phần bài phát biểu.
Chỉ sau một đêm, bà Clinton trở thành biểu tượng của phong trào sinh viên toàn nước Mỹ. Washington Post đánh giá bài phát biểu là minh chứng sớm cho bản lĩnh chính trị cũng như khả năng cảm nhận thời điểm tung ra "đòn tấn công" chiến lược của bà.
Hillary biết mình muốn đi đến đâu và làm sao để đi được đến đó.
Cố thượng nghị sĩ Edward Brooke viết trong hồi ký Bridging the Divide: My Life, xuất bản năm 2007.
Bài phát biểu đã mang lại cho cựu ngoại trưởng Mỹ không chỉ danh tiếng. Dù nó mang nặng tính lý thuyết hơn là thực tế, bà Clinton đã kết hợp khéo léo những ý tưởng cấp tiến với tư duy thực dụng sắc sảo. Đó là câu chuyện về sau được nhắc đến nhiều lần như là một dấu ấn khó phai trong sự nghiệp chính trị của bà.
Phu nhân thống đốc không chịu đổi họ theo chồng
Năm 1973, sau khi nhận bằng tiến sĩ luật, bà Clinton được mời làm việc trong ban thẩm tra luận tội Tổng thống Nixon liên quan đến bê bối Watergate. Thế nhưng chỉ sau một năm, bà quyết định từ bỏ mọi thứ và chuyển đến sống ở vùng đất xa lạ Arkansas - quê của người bà định lấy làm chồng, Bill Clinton.
Quyết định này đã khiến bà trở thành "người đứng sau" cựu tổng thống Mỹ trong suốt sự nghiệp chính trị hơn 2 thập kỷ của ông. "Cậu có mất trí không?", Sara Ehrman, chủ nhà và cũng là bạn, hỏi bà. "Tại sao lại khăng khăng vứt bỏ tương lai của mình như vậy?".
Vợ chồng Hillary Clinton trong đám cưới vào năm 1975. Ảnh: Bill Clinton/Twitter. |
Trong cuốn hồi ký Living History xuất bản năm 2003, cựu đệ nhất phu nhân viết rằng bà làm điều đó vì tình yêu. Đồng thời, bản thân bà khi ấy có niềm tin mãnh liệt rằng người bạn trai 27 tuổi của mình "sẽ làm nên chuyện lớn" trong tương lai.
Một thách thức mà bà phải đối mặt là việc thích nghi với văn hóa xa lạ và nặng tính bảo thủ tại bang Arkansas. Khi đó, dù đã cưới chồng, bà vẫn muốn giữ nguyên họ của mình. Tuy nhiên, khi ông Clinton thất bại trong lần tái tranh cử thống đốc Arkansas năm 1980, một số người bạn đã hối thúc bà đổi họ.
"Trong thông báo về sự chào đời của con gái Chelsea, tôi cũng chỉ đề đúng tên khai sinh của mình. Điều đó đã trở thành chủ đề nóng khắp bang", bà Clinton viết trong hồi ký. "Sau nhiều lần như vậy, tôi chấp nhận việc Bill tái đắc cử thống đốc quan trọng hơn việc tôi giữ được họ của mình".
Tôi chấp nhận việc Bill tái đắc cử thống đốc quan trọng hơn việc tôi giữ được họ của mình.
Hillary Clinton viết trong hồi ký Living History, xuất bản năm 2003.
Trong suốt thời gian là phu nhân thống đốc, bà Clinton giữ vai trò cố vấn trong nhiều chính sách quan trọng của bang Arkansas. Tuy nhiên, bà vẫn chưa thể thoát khỏi cái bóng của chồng. Người ta vẫn xem bà là "bà Clinton" chứ không phải "bà Hillary" và vì thế sự nghiệp cũng như vai trò của bà đối với chồng thường trở thành đề tài bàn tán.
Vấn đề đó được chú ý nhiều hơn khi ông Clinton ra tranh cử tổng thống vào năm 1992. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, bà Clinton đã thẳng thắn đáp trả: "Bạn biết đấy, tôi từng nghĩ tôi có thể chỉ cần quanh quẩn trong nhà, rồi nướng bánh, uống trà. Thế nhưng tôi đã quyết định phải có sự nghiệp của mình, điều mà tôi đã bắt đầu trước cả khi chồng tôi hiện diện trong đời sống công chúng".
Đệ nhất phu nhân: Vừa là tiền tuyến vừa là hậu phương
"Chẳng có cuốn sách hướng dẫn nào sẵn cho đệ nhất phu nhân", bà Clinton viết trong hồi ký. Khi ông Clinton trở thành tổng thống thứ 42 của Mỹ, bà muốn hoàn thành vai trò "vừa là tiền tuyến vừa là hậu phương" đối với chồng mà "không mất đi tiếng nói của mình".
Khó khăn đầu tiên bà Clinton phải đối mặt không phải trên cương vị đệ nhất phu nhân mà là trong vai trò lãnh đạo chương trình cải cách y tế do chồng khởi xướng bị những người phản đối gọi mỉa mai là "Hillarycare". Được xem là "đỉnh Everest của chính sách xã hội", kế hoạch này gây chia rẽ sâu sắc trong quốc hội Mỹ. Vai trò của bà Clinton cũng trở thành đề tài tranh cãi và cuối cùng kế hoạch không được thông qua.
Tuy nhiên, bà Clinton không ngừng đấu tranh cho những mục tiêu liên quan đến quyền phụ nữ và trẻ em không chỉ tại nước Mỹ mà trên phạm vi toàn cầu. Năm 1995, tại Hội nghị Thế giới về Phụ nữ lần thứ tư ở Bắc Kinh, Trung Quốc, bà đã có bài phát biểu gây chấn động với câu nói nổi tiếng "Nhân quyền chính là nữ quyền và nữ quyền cũng chính là nhân quyền".
Theo New York Times, bài phát biểu giúp tái xác lập hình ảnh toàn cầu của bà: từ một đệ nhất phu nhân trở thành một chính trị gia đúng nghĩa.
Thế nhưng, những nỗ lực xây dựng hình ảnh của bà suýt chút nữa đã đổ sụp khi vụ ngoại tình giữa Tổng thống Bill Clinton với Monica Lewinsky, nữ thực tập sinh tại Nhà Trắng, bị phanh phui vào năm 1998. Đệ nhất phu nhân kể lại khoảnh khắc chồng thú nhận với bà: "Tôi gần như không thở được... Tôi khóc và hét vào mặt Bill 'tại sao anh lại lừa dối tôi'. Tôi không biết cuộc hôn nhân của chúng tôi có thể hay có nên tiếp tục sau sự phản bội đau đớn đó hay không".
Mọi người đều có thể gặp trục trặc về chuyện gia đình. Họ phải xử lý nó. Nếu yêu ai đó, bạn không bỏ đi mà ở lại để giúp họ.
Hillary Clinton trả lời phỏng vấn trên Los Angeles Times năm 1999.
Cuối cùng, cuộc hôn nhân của bà vẫn tồn tại khi bà quyết định không ly hôn. Việc đó đã khiến bà nhận về nhiều "gạch đá" từ báo chí. "Bà ấy đã cởi bỏ mặt nạ và cho thấy mình là một nhà nữ quyền giả cầy sau khi để đàn ông chà đạp lên mọi thứ của mình", New York Times bình luận.
Tuy nhiên, số đông công chúng tỏ ra đồng cảm với bà và tỷ lệ ủng hộ bà cũng theo đó tăng vọt. Quan trọng hơn, chính vụ bê bối này đã thúc đẩy bà Clinton theo đuổi sự nghiệp chính trị của riêng mình. Cố vấn lâu năm của bà, Harold Ickes, nói đó là cuộc đua "chuộc tội" để có thể "cho phép những người ủng hộ bà nói rằng bà có nhiều thứ hơn những gì người ta nghĩ".
Thượng nghị sĩ New York: Một con ngựa chiến ôn hòa
Khi bà Clinton quyết định ứng cử vị trí thượng nghị sĩ đại diện New York vào năm 2000, Tổng thống Bill Clinton vẫn đang phải đối mặt với sự tẩy chay của công luận. Trước đó, bản thân bà cũng không chắc chắn về quyết định này. Trong một lần tham dự sự kiện, một cô bé 17 tuổi đã thì thầm vào tai bà "dare to compete" (không ngại đương đầu) và bà đã lấy đó làm động lực để bắt đầu sự nghiệp chính trị của riêng mình.
Những người am hiểu về Thượng viện Mỹ thường chia thành viên của cơ quan này thành 2 loại: một là "ngựa cảnh" - tức những người chỉ lo xuất hiện sao cho thật ấn tượng trên kênh C-SPAN (kênh truyền hình chuyên về các hoạt động nhà nước) và hai là "ngựa chiến" - chỉ những người thực sự tham gia vào quá trình thương thảo vốn không mấy thú vị ở các ủy ban thuộc Thượng viện. Bà Clinton thuộc nhóm thứ hai.
Khi gia nhập Thượng viện, bà không hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực lập pháp dù có thừa danh tiếng so với 99 thượng nghị sĩ còn lại. Nhiều người tin rằng bà buộc phải chấp nhận một vị trí thấp kém để học hỏi quy trình lập pháp cùng lúc với nỗ lực xây dựng mối quan hệ với các thượng nghị sĩ từ cả hai chính đảng.
Ngay từ đầu, bà đã quyết tâm trở thành một "ngựa chiến" và dần có chân trong 5 ủy ban. Dù vậy, bà không ra mặt ủng hộ bất cứ dự luật quan trọng nào, cũng không tham gia bất kỳ cuộc đấu đá nào tại Thượng viện. Lịch sử chính trị Mỹ có thể được viết mà không cần đề cập đến thượng nghị sĩ Hillary Clinton.
Bà Clinton tại hiện trường vụ khủng bố 11/9 ở New York năm 2001. Ảnh: Getty. |
Tuy nhiên, nếu phải viết về cuộc đời của bà, người ta không thể bỏ qua giai đoạn này. Ở đó, bà là một chính trị gia quyền lực thể hiện qua những việc không cần phải lên tiếng. Bà làm việc không mệt mỏi để tái thiết New York sau vụ khủng bố 11/9, bà khiêm nhường với những thượng nghị sĩ lớn tuổi, bà giao hảo với các thành viên đảng Cộng hòa và bà không cố giành lấy vị trí tốt khi chụp ảnh.
Atlantic từng có bài viết nói rằng bà Clinton là "người duy nhất thường xuyên lùi về phía sau để nhường chỗ cho đồng nghiệp của mình". Thực tế, bà thể hiện vai trò của một nhà lập pháp "chỉ biết đến công việc" tốt đến nỗi từng có những đồn đoán rằng bà sẽ ứng cử cho vị trí lãnh đạo đa số tại Thượng viện, thay vì tổng thống.
Dĩ nhiên, tham vọng của bà lớn hơn thế. Bà ra tranh cử tổng thống năm 2008 và thất bại trước Obama. Trong bài phát chấp nhận thua cuộc, bà nói: "Hãy luôn hướng thượng, làm việc cật lực và chú tâm vào những gì bạn tin tưởng. Khi vấp ngã, hãy giữ vững niềm tin. Khi đổ gục, hãy cố gắng gượng dậy. Và đừng bao giờ lắng nghe bất cứ ai nói rằng bạn không thể hoặc không nên bước tới".
Ngoại trưởng Mỹ và cuộc hôn phối chính trị với Obama
Thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2008 đã mở ra một chương mới trong sự nghiệp của bà Clinton khi Tổng thống Obama đề cử bà vào vị trí ngoại trưởng. Vox cho rằng đây là một nước cờ ít người ngờ tới của cựu đệ nhất phu nhân. Bà nhanh chóng bắt đầu cuộc hôn phối chính trị với ông Obama, dọn đường cho những tham vọng lớn hơn.
Trong suốt 4 năm, nữ ngoại trưởng cho thấy bà là tay chân trung thành của vị tổng thống da màu. Bà giúp đảm bảo đủ số phiếu cần thiết từ các thành viên đảng Cộng hòa để thông qua hiệp ước cắt giảm vũ khí với Nga. Bà thuyết phục các nhân vật cấp cao của đảng Dân chủ đồng ý với lệnh trừng phạt mới dành cho Iran.
Trong những thời khắc căng thẳng và quyết định nhất, bà Clinton luôn đứng về phía ông Obama. Bà là người ủng hộ ông Obama mạnh mẽ nhất trong chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden, bất chấp sự do dự của những người thân cận khác. Bà cũng là người ủng hộ ông Obama trong vụ lật đổ Tổng thống Gaddafi của Libya.
Tuy nhiên, bà Clinton đã quyết định đến lúc bà nhận về thành quả từ sự trung thành của mình. Trong chuyến đi đến Đông Nam Á sau khi ông Obama tái đắc cử, trên chiếc Không lực Một, ông đã cho gọi bà đến và đề nghị bà tiếp tục giữ chức ngoại trưởng. Bà từ chối, đúng theo ý định từ trước.
Bà muốn chuyển hướng cuộc hôn phối chính trị: bà từng hết lòng với ông và giờ là lúc ông thể hiện điều đó với bà. Cựu ngoại trưởng bắt đầu lôi kéo nhiều chiến lược gia và chuyên viên cố vấn hàng đầu từ đội ngũ của vị tổng thống da màu về phe mình. Họ đã cùng nhau lên kế hoạch cho chiến dịch trở lại Nhà Trắng lần thứ hai của bà Clinton.
Năm 2008, phe bà Clinton trong đảng Dân chủ đối đầu với phe ông Obama cùng đảng và để thua. Năm 2016, bà Clinton tranh cử với sự ủng hộ nhiệt tình của ông Obama. Hẳn nhiên, ngoài nhiều lý do khách quan, kết quả đó hẳn nhiên có sự đóng góp của cuộc hôn phối chính trị bắt đầu 8 năm về trước.
Giờ đây, cánh cổng dẫn vào Nhà Trắng đang rộng mở hơn bao giờ hết đối với Hillary Clinton. Nếu bà chiến thắng, có lẽ sẽ không nhiều người ngạc nhiên. Bởi vì, trong suốt hành trình trải dài nửa thế kỷ, bà chưa từng bỏ cuộc.