Người Mỹ không trực tiếp bầu ra tổng thống. Các đại cử tri sẽ thực hiện việc này. Họ là những người cam kết ủng hộ ứng viên tổng thống và phó tổng thống đã được người dân bầu chọn ở mỗi bang theo chu kỳ 4 năm. Mỗi tiểu bang, bao gồm cả hạt Columbia, được phân bổ ít nhất 3 trong số 538 phiếu đại cử tri dựa theo số nghị sĩ của mỗi khu vực trong quốc hội Mỹ.
Vào tháng 12, các đại cử tri sẽ tập hợp tại bang mình để bỏ phiếu bầu tổng thống và phó tổng thống. Đến tháng 1 năm sau, quốc hội mới sẽ kiểm phiếu để xác định người chiến thắng, tức ứng viên đã giành ít nhất 270 phiếu đại cử tri để đạt được đa số tín nhiệm.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu không ứng viên tổng thống nào giành được đủ 270 phiếu đại cử tri? Đây chính là kết quả mà cả cử tri và quốc hội Mỹ đều không mong muốn.
Ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton trong cuộc bầu cử bầu ra tổng thống thứ 45 của Mỹ. Ảnh: Getty. |
Theo Tu chính án thứ 12 của Mỹ, “nếu không ai giành được đa số phiếu đại cử tri, thì từ người có số phiếu bầu cao nhất đến không quá 3 người trong danh sách những người được bầu làm tổng thống, Hạ viện sẽ lựa chọn ngay lập tức, thông qua bỏ phiếu, vị trí tổng thống”.
Như vậy, nếu không có ứng cử viên nào nhận được đa số phiếu đại cử tri, Hạ viện sẽ bầu ra tổng thống từ 3 ứng viên tổng thống có số phiếu đại cử tri cao nhất. Ngoài ra, Tu chính án thứ 12 còn quy định việc bầu chọn này sẽ dựa vào lá phiếu của các bang trong Hạ viên. Theo đó, đại diện của mỗi bang sẽ có một phiếu bầu và cần có đa số các bang tham gia bầu chọn.
Nếu không có ứng viên phó tổng thống nào giành được đa số phiếu đại cử tri, Thượng viện sẽ bầu ra phó tổng thống mới từ 2 ứng viên phó tổng thống có số phiếu cao nhất. Tuy nhiên, các thành viên Thượng viện sẽ bầu chọn độc lập với quy trình bầu tổng thống của Hạ viện và bầu chọn riêng lẻ không theo từng bang. Theo đó, mỗi thượng nghị sĩ sẽ có một phiếu bầu.
Tình thế nan giải của bầu cử tổng thống Mỹ: Ứng viên đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ hòa nhau với số phiếu đại cử tri là 269-269. Ảnh: 270 to win. |
Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu cuộc bầu tổng thống lần 2 cũng có kết quả hòa? Mặc dù điều này rất hiếm xảy ra, Tu chính án thứ 12 của Mỹ cũng đã có quy định rõ ràng. Theo đó, nếu Hạ viện không bầu được tổng thống trước ngày 20/1 (ngày tân tổng thống và phó tổng thống tuyên thệ nhậm chức), phó tổng thống được bầu chọn sẽ đóng vai trò quyền tổng thống.
Nếu phó tổng thống cũng chưa được lựa chọn, chủ tịch Hạ viện đang tại vị sẽ có quyền tổng thống cho đến khi quốc hội giải quyết được vấn đề. Trong trường hợp tổng thống đã được lựa chọn nhưng phó tổng thống chưa được bầu, tổng thống mới sẽ chỉ định vị trí phó tổng thống trong khi chờ quốc hội phê duyệt.
Với hệ thống 2 đảng gần như cân bằng thống trị nền chính trị Mỹ, đảng Cộng hòa hoặc đảng Dân chủ hầu như luôn giành chiến thắng rõ rệt ở từng bang và trách nhiệm bầu tổng thống mới hiếm khi thuộc về Hạ viện. Điều này thường chỉ xảy ra khi có một đảng khác đủ khả năng xen vào cuộc đua hoặc khi khoảng cách giữa ứng viên 2 đảng quá sít sao.
Hạ viên bầu tổng thống, ác mộng của người Mỹ?
Vì không có ứng viên nào giành đa số phiếu đại cử tri trong cuộc bầu cử năm 1824, Hạ viện Mỹ đã bầu John Quincy Adams làm tổng thống thứ 6 của Mỹ.
Trong các ứng viên tổng thống, Andrew Jackson giành 99 phiếu đại cử tri; John Quincy Adams nhận được 84 phiếu; Ngoại trưởng William H. Crawford, người đã bị đột quỵ trước cuộc bầu cử, nhận được 41 phiếu.
Ở vị trí thứ 4, Chủ tịch Hạ viện khi đó là Henry Clay Kentucky với 37 phiếu đại cử tri đã bị loại khỏi cuộc bầu chọn. Tuy nhiên, giữa Henry Clay và John Quincy Adams đã có một thỏa thuận ngầm.
Nhờ sự hậu thuẫn của Clay, ngày 9/2/1825, Adams được Hạ viện bầu làm tổng thống. 3 ngày sau, Adams đã bổ nhiệm Clay làm ngoại trưởng Mỹ.
Jackson, người giành số phiếu phổ thông cao hơn, gọi đây là một “thỏa thuận mờ ám” và tuyên bố sẽ tái tranh cử vào năm 1828. Jackson đã đánh bại Adams trong cuộc bầu cử sau đó để trở thành tổng thống thứ 7 của Mỹ.