Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Donald Trump: Ứng viên tổng thống tai tiếng nhất lịch sử Mỹ

Bị coi là một kẻ ngoại đạo khi mới tuyên bố tranh cử, Trump dần dần khiến nước Mỹ và cả thế giới ngạc nhiên và lo lắng khi ông tiến thẳng vào cuộc đối đầu cuối cùng với bà Clinton.

ung vien tong thong Donald Trump anh 1

Donald Trump
ứng viên tổng thống tai tiếng nhất lịch sử Mỹ

Bị coi là một kẻ ngoại đạo khi mới tuyên bố tranh cử, Trump dần dần khiến nước Mỹ và cả thế giới ngạc nhiên và lo lắng khi ông tiến thẳng vào cuộc đối đầu cuối cùng với bà Clinton.

ung vien tong thong Donald Trump anh 2

Ngày 14/6 vừa qua, ông Donald Trump đã ăn mừng sinh nhật lần thứ 70. Nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11, tỷ phú này sẽ trở thành tổng thống già nhất trong lịch sử Mỹ, vượt qua kỷ lục trước đó của cựu Tổng thống Ronald Reagan (nhậm chức khi 69 tuổi).

Nếu đắc cử, Trump cũng trở thành người đầu tiên trở thành tổng tư lệnh Mỹ chưa từng có kinh nghiệm nào trong chính trường, dù ở nhánh hành pháp hay lập pháp. Ngay bên trong nước Mỹ, ở cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa, nhiều người gọi nhiệm kỳ tổng thống của Trump là một cơn ác mộng kinh hoàng có thể khiến nước Mỹ sụp đổ.

Chặng đường tranh cử gây kinh ngạc

Ngày 16/6/2015, Trump cùng người vợ Melania bước xuống thang cuốn và tiến vào phòng họp báo ở Tháp Trump để tuyên bố tranh cử tổng thống Mỹ. "Tôi chính thức chạy đua vào chức tổng thống Mỹ và chúng ta sẽ khiến đất nước vĩ đại trở lại".

ung vien tong thong Donald Trump anh 3

Trong tuyên bố mở đầu, Trump khẳng định: "Đáng buồn thay, Giấc mơ Mỹ đã chết. Nếu tôi đắc cử, tôi sẽ khôi phục nó mạnh mẽ hơn bao giờ hết".

Trong hơn một năm tranh cử, Trump phải cạnh tranh với 16 ứng viên khác, bao gồm nhiều nhân vật danh giá của đảng Cộng hòa. Cựu thống đốc Jeb Bush (em trai Tổng thống Bush "con"), Thượng nghị sĩ đang lên Ted Cruz, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham... đều đã tuyên bố tranh cử trước Trump.

Tuy nhiên, Trump lần lượt đánh gục từng đối thủ qua các kỳ bầu cử sơ bộ. Tuy về nhì trong cuộc bỏ phiếu ở bang Iowa ngày 1/2 (nơi đầu tiên trên cả nước tổ chức bầu cử sơ bộ), Trump chiến thắng áp đảo ở bang quan trọng hơn là New Hampshire.

Sau cuộc bầu cử ngày 20/2, ông Jeb Bush tuyên bố rời cuộc đua, kết thúc tham vọng thành viên thứ 3 trong gia tộc Bush trở thành ông chủ Nhà Trắng. Vào ngày này, tỷ lệ ủng hộ dành cho Trump hơn gấp 4 lần so với ông Bush (32,5% so với 7,8%).

Vào Ngày Siêu thứ 3 lần một (ngày 1/3), Trump giành chiến thắng ở 7/11 bang. Đến ngày Siêu thứ 3 lần hai (ngày 15/3), Trump gần như càn quét tất cả điểm bầu cử khi thắng áp đảo ở 4/5 bang.

Giai đoạn giữa tháng 3 cho đến đầu tháng 5 chứng kiến cuộc đua chỉ còn diễn ra ở ba ứng viên là ông Trump, nghị sĩ Cruz và thống đốc Kasich.

Cho đến đêm ngày 3/5, khi nhận thấy không còn triển vọng thay đổi tình thế, ông Cruz tuyên bố kết thúc chiến dịch. Ngay trong đêm đó, chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa Reince Priebus tuyên bố Trump gần như trở thành ứng viên tổng thống chính thức của đảng.

Sau quá trình chọn ra người đại diện đảng, một ứng viên tay ngang như Trump đã lập nên kỷ lục là người nhận được nhiều phiếu bầu nhất nhất trong giai đoạn bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa: 13 triệu phiếu. Ông đã phá vỡ kỷ lục do Tổng thống George W. Bush từng lập được vào năm 2000.

Một trong những nội dung đáng chú ý từ phát biểu của Trump là khi vị tỷ phú khẳng định sẽ dùng tiền túi để trang trải cho chiến dịch tranh cử. Do vậy, Trump nói ông sẽ không bị ảnh hưởng từ bất kỳ nhóm vận động hành lang hay nhà tài trợ nào.

ung vien tong thong Donald Trump anh 4
Nghị sĩ đang lên của đảng Cộng hòa Ted Cruz chấp nhận thất bại trước tay ngang như Trump. Ảnh: AFP.

Trên thực tế, Trump vẫn vận động gây quỹ và trở thành một trong những ứng viên "ít tiền nhất" trong lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ. Tính đến cuối tháng 9, Trump gây quỹ được tổng cộng 163 triệu USD, thấp hơn rất nhiều so với 449 triệu USD của bà Clinton.

Đối với các đảng viên cao cấp của đảng Cộng hòa, điều họ lo lắng từ lâu nay đã trở thành hiện thực, khi một ứng viên ngoại đạo như Trump lại trở thành người dẫn dắt toàn đảng bước vào cuộc đua giành ghế tổng thống.

Họ thậm chí đã từng tính đến chuyện đồng lòng dồn sức cho một ứng viên khác để đánh bại Trump, nhưng kế hoạch bất thành.

Ngày 19/7/2016, Trump chính thức trở thành ứng viên đại diện đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống Mỹ.

Sau hành trình hơn một năm, Trump đã vượt qua 16 đối thủ với một hành trình tranh cử ồn ào chưa từng có để được một chính đảng đề cử. "Tôi sẽ nỗ lực hết mình và sẽ không để các bạn phải thất vọng. Nước Mỹ là trên hết", Trump nói.

Các chính sách của Trump

  • Chính sách thắt chặt nhập cư là điểm nhấn quan trọng nhất của Trump. Dù bị nhiều chỉ trích là phi thực tế và tốn kém, Trump khăng khăng đòi xây bức tường dài hàng nghìn cây số giữa biên giới Mỹ-Mexico để chống nhập cư trái phép. Trump cũng đề xuất hạn chế số lượng nhập cư hợp pháp, đồng thời đẩy mạnh trục xuất những người nhập cư không có giấy tờ.

    Điều này được giải thích dựa trên phân tích nhóm cử tri nòng cốt của Trump: những người đàn ông da trắng ít học và bị tụt lại về mặt kinh tế những năm gần đây. Họ đổ lỗi cho người nhập cư đã chiếm công việc của họ.

    Trong vấn đề về người tị nạn, Trump chỉ trích việc Nhà Trắng tiếp nhận người tị nạn từ Trung Đông hoặc các quốc gia Hồi giáo "dấy lên mối đe dọa quan trọng đối với an ninh quốc gia". Trump cũng thường tấn công đối thủ của đảng Dân chủ về kế hoạch gia tăng hạn ngạch để tiếp nhận người tị nạn chạy trốn nội chiến Syria. "Ai mà biết trong số này bao nhiêu kẻ là phiến quân IS", Trump nói.

  • Về chính sách thuế, Trump chủ trương việc giảm thuế để kích thích tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Trump nói sẽ giảm thuế liên bang cho doanh nghiệp từ 35% còn 15%, giảm thuế thu nhập liên bang từ 39,6% còn 33%. Ông trùm bất động sản tin rằng kế hoạch này sẽ giúp tăng tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ từ 2% lên 3,5% và tạo ra khoảng 25 triệu việc làm.

    Trong khi đó, Công ty nghiên cứu kinh tế Oxford Economics dự đoán nếu Trump trở thành tổng thống Mỹ thì nước này sẽ thất thoát 1.000 tỷ USD trong nhiệm kỳ của ông.

    Cụ thể, tăng trưởng sẽ giảm dần và chạm 0 vào năm 2019, làm giảm chung GDP còn 17.500 tỷ trong năm 2021 (so với con số 18.500 tỷ USD nếu bà Clinton thắng). Còn Tax Foundation cũng tính toán top 1% giới siêu giàu của Mỹ sẽ có thu nhập tăng ở mức 2 con số nhờ vào chính sách của Trump.

  • Trong các thỏa thuận thương mại, Trump nói tất cả đều phải nhằm bảo vệ nền kinh tế Mỹ. Trump kiên quyết chống lại Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP); đồng thời tuyên bố đàm phán lại về các hiệp ước đã ký kết như Thỏa thuận Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Trump nhiều lần gọi NAFTA là một "thảm họa", đe dọa sẽ rút khỏi nếu các yêu cầu của Mỹ không được đáp ứng.

    Trump cũng nhiều lần chỉ trích những đối tác thương mại của Mỹ như Mexico và Trung Quốc là giao thương không công bằng, thao túng tiền tệ, vi phạm sở hữu trí tuệ... Vị tỷ phú đe dọa áp đặt trừng phạt đơn phương bằng thuế quan và nhiều biện pháp khác nếu những nước này không chấn chỉnh.

  • Về chính sách đối ngoại, Trump tỏ ra là một người hâm mộ của Tổng thống Putin và nhiều lần ca ngợi nhà lãnh đạo Nga. Ông ủng hộ một mối quan hệ gắn bó hơn giữa Mỹ và Nga.

    Trong khi đó, ông trùm bất động sản thường chỉ trích các đồng minh truyền thống của Mỹ như NATO, các đồng minh ở châu Âu và châu Á. Ông cho rằng nước Mỹ quá tốn kém và không công bằng khi phải gánh chịu nhiều phần chi phí hơn trong các kế hoạch quốc phòng. Do vậy, Trump đề nghị các đồng minh phải chịu chia sẻ chi phí nhiều hơn.

    Trump tỏ ra cứng rắn đối với một số điểm nóng quốc tế như cuộc chiến chống IS ở Trung Đông. Ông nhiều lần khẳng định Mỹ nên gửi hàng vạn lính bộ binh đến Iraq để chiến đấu, cho rằng NATO cần nỗ lực nhiều hơn trong cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông.

ung vien tong thong Donald Trump anh 5

Ứng viên chia rẽ nhất của đảng cộng hòa

Giới truyền thông Mỹ nhận định kỳ đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa để đề cử Trump năm nay là đại hội chia rẽ và hỗn loạn nhất kể từ 1976. Diễn biến kịch tính xảy ra ngay vào ngày ngày đầu tiên của đại hội với màn khẩu chiến giữa phe phản đối và ủng hộ Trump. Đây là lần hiếm hoi sự bất đồng giữa các nhóm xảy ra ngay tại trung tâm hội nghị tổ chức đại hội của một đảng.

Thậm chí, trước ngày Trump được đề cử chính thức, 721 đại biểu trong một cuộc bỏ phiếu điểm danh đã thể hiện ủng hộ với những ứng viên khác chứ không phải là vị tỷ phú. Đây là dấu hiệu bất đồng nghiêm trọng nhất của đảng Cộng hòa kể từ năm 1976.

ung vien tong thong Donald Trump anh 6
Trên Twitter, Trump không ngại "đấu khẩu" quyết liệt với Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan. Ảnh: CBS.

 

Trở thành ứng viên tổng thống Mỹ, Trump tuyên bố muốn mang lại sự thống nhất cho đảng Cộng hòa nhưng đảng này thực tế đang chia rẽ hơn bao giờ hết. Ông không ngần ngại công kích những nhân vật được nể trọng trong đảng như Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Hạ viện Ryan Paul, ứng viên tổng thống năm 2012 Mitt Romney...

Trong một sự "nổi loạn" chưa từng có tiền lệ, hơn 150 nghị sĩ và thống đốc của đảng Cộng hòa đương chức đã lên án Trump hồi đầu tháng 10 và kêu gọi ông rời cuộc đua. Một số nghị sĩ thậm chí còn phá vỡ luật bất thành văn khi họ tuyên bố sẽ bỏ phiếu cho bà Clinton.

Trước áp lực này, Trump khẳng định sẽ không bỏ cuộc và tuyên bố được "giải phóng". "Thật là dễ chịu khi những xiềng xích đã được tháo bỏ. Bây giờ tôi có thể chiến đấu cho nước Mỹ theo cách mà tôi muốn", Trump viết trên Twitter ngày 11/10.

ung vien tong thong Donald Trump anh 7

Như đã bất lực với vị ứng viên bất trị, phe Cộng hòa buộc phải chuyển hướng sang mục tiêu mới. Giờ đây, chức tổng thống Mỹ không còn là mục tiêu quan trọng nhất đối với họ. Khi thất bại của Trump là điều không tránh khỏi, đảng Cộng hòa hướng đến duy trì thế đa số ở quốc hội sau cuộc bỏ phiếu ngày 8/11 (bầu mới hoặc bầu lại các nhà lập pháp song song với bầu tổng thống), qua đó kiểm soát bà Hillary Clinton tại Nhà Trắng.

Hiện nay, đảng Cộng hòa là phe đa số ở thượng viện nhưng điều này có thể dễ dàng xoay chuyển nếu bà Clinton chiến thắng và đảng Dân chủ giành được thêm chỉ 4 ghế. Tình hình của phe Cộng hòa ở hạ viện "dễ thở" hơn, vì đảng Dân chủ cần phải đoạt thêm 30 ghế mới có thể chiếm lại quyền kiểm soát.

Cơ hội nào cho Trump?

Tuy bị xem là người ngoại đạo ngay từ đầu, Trump khiến toàn nước Mỹ ngỡ ngàng khi ung dung giành lấy đề cử chính thức của đảng Cộng hòa để bước thẳng vào cuộc đua cuối cùng.

Những kỳ vọng của cử tri nếu Trump đắc cử tổng thống

Các cử tri đánh giá Trump sẽ thể hiện như thế nào về một số chủ đề nhất định

Rất tốt Tốt hơn trước Không khác nhiều Tệ hơn trước Tệ hơn nhiều

  • Người nhập cư

    58% 28% 9% 3% 2%

  • Tăng cường an ninh chống khủng bố

    53% 30% 12% 2% 2%

  • Cải thiện nền kinh tế

    47% 36% 12% 2% 2%

  • Chống thâm hụt ngân sách

    37% 41% 16% 3% 2%

  • Chăm sóc y tế

    33% 37% 23% 4% 2%

  • Cải thiện nền kinh tế

    29% 36% 21% 9% 4%

Khảo sát lấy ý kiến hơn 4.600 người, bao gồm hơn 3.800 cử tri đã đăng ký bỏ phiếu, được thực hiện tháng 6-7/2016. Nguồn: Trung tâm nghiên cứu Pew. Việt hóa bởi Zing.vn.

Kết thúc giai đoạn bầu cử sơ bộ, sau khi vị tỷ phú trở thành ứng viên chính thức của đảng Cộng hòa, nhiều người kỳ vọng ông sẽ tỏ ra nghiêm túc hơn, phát ngôn chín chắn và cẩn trọng hơn, hoặc ít nhất sẽ kiềm chế và thay đổi để chứng tỏ với cử tri rằng ông có phong thái của một nhà lãnh đạo.

ung vien tong thong Donald Trump anh 8
Tỷ lệ ủng hộ dành cho bà Clinton và ông Trump qua các giai đoạn. Đồ họa: BBC.

Tuy nhiên, kỳ vọng nhiều thì thất vọng nhiều. Trump không những không thay đổi mà còn quyết liệt và hung hãn hơn. Ông không ngại chỉ trích bất kỳ ai, dù là đối thủ hay người cùng đảng.

Trump còn công khai xúc phạm gia đình một người lính hy sinh trên chiến trường Iraq; bình phẩm tục tĩu về phụ nữ; châm chọc người khuyết tật; chỉ trích một thẩm phán vì có tổ tiên là người Mexico; mời gọi các nhóm tin tặc Nga tấn công vào nước Mỹ...

Vào giai đoạn nước rút của cuộc đua, New York TimesWashington Post, hai tờ báo uy tín và ảnh hưởng lớn ở Mỹ, lần lượt phanh phui ra các bê bối nghiêm trọng nhất của Trump.

Đó là thông tin Trump báo lỗ gần 1 tỷ USD để tránh phải đóng thuế thu nhập gần 20 năm, và đoạn video ghi lại những lời nói tục tĩu của Trump đối với phụ nữ. Hai sự cố này khiến chiến dịch của Trump như xuống dốc không phanh.

Các cuộc tranh luận trực tiếp giữa các ứng viên tổng thống Mỹ thường là cơ hội để mỗi người phân tích ưu điểm trong những chính sách của họ so với đối thủ. Tuy nhiên, ba vòng tranh luận vừa qua đều trở thành những đêm khẩu chiến vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Mỹ, mà xuất phát từ hàng loạt trò bẩn và chiêu tấn công cá nhân do Trump mang lại.

Sau mỗi vòng tranh luận, Trump thể hiện bản thân là một người không thể kiềm chế, dễ mất bình tĩnh khi bị kích động, sự thiếu kinh nghiệm về các vấn đề chung nên chỉ loay hoay công kích bê bối của đối thủ.

ung vien tong thong Donald Trump anh 9

Dù liên tục hứng đòn từ Trump và bị vị tỷ phú ngắt lời, các tỷ lệ ủng hộ dành cho bà Clinton theo đà tăng dần sau mỗi phiên tranh luận. Một số thăm dò công bố cuối tuần qua cho thấy tỷ lệ cách biệt giữa các ứng viên đã gia tăng đến hai con số, như ABC News ngày 22/10 cho biết bà Clinton dẫn trước Trump 12 điểm.

Trong đêm tranh luận cuối cùng, Trump khiến nhiều người lo sợ về một nguy cơ xung đột bạo lực và đe dọa quá trình chuyển tiếp hậu bầu cử do ứng viên đảng Cộng hòa từ chối khẳng định công nhận kết quả bỏ phiếu. Trên thực tế, đây là điều được lường trước sau một thời gian dài vị tỷ phú nỗ lực cáo buộc cuộc bầu cử được dàn xếp và có gian lận.

Chiêu này của Trump được tung ra vì có thể ông cũng tiên đoán được thất bại trong cuộc đối đầu cuối cùng ngày 8/11. Do vậy, tố cáo gian lận là cách để lôi kéo cử tri, đồng thời phủ nhận giá trị từ chiến thắng của bà Clinton.

Khi phát biểu trước cử tri ngày 21/10 tại North Carolina, Trump vẫn tỏ ra tự tin khẳng định "chúng ta sẽ chiến thắng". Nhưng ông cũng lần đầu đề cập khả năng "nếu tôi thất bại" một cách ngập ngừng, cho rằng một thất bại sẽ khiến chiến dịch ròng rã hơn cả năm qua trở thành "trò lãng phí thời gian" và tiền túi.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 được kỳ vọng mang đến sự thay đổi cho nước Mỹ và ông Trump phần nào đại diện cho những thay đổi đó. Đây chính là lý do giúp ông Trump giành thắng lợi trước các ứng cử viên xứng đáng khác của đảng Cộng hòa và có hàng chục triệu cử tri trung thành.

Với một ứng viên kỳ lạ như Trump, lẽ ra bà Clinton có thể ung dung dẫn trước một cách dễ dàng. Nhưng các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ ủng hộ giữa ông Trump và bà Clinton xấp xỉ nhau, còn cử tri mỗi bên đều rất kiên định.

Do vậy, dù ai chiến thắng thì việc lãnh đạo đất nước chia rẽ như vậy vẫn là nhiệm vụ rất khó khăn. Nhưng những điều mà Trump đã thể hiện khiến cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 trở thành một mùa bầu cử lạ thường và nhiều tranh cãi, tai tiếng nhất trong lịch sử Mỹ.

ung vien tong thong Donald Trump anh 10
Chiến dịch của ông Trump ngày càng bị tụt lại so với bà Clinton. Ảnh: The Atlantic.

Cảnh Toàn

Dựng trang: Tiên Trần - Đồ họa: Phượng Nguyễn - Video: Lê Phát

Bạn có thể quan tâm