Mùa bầu cử tổng thống Mỹ năm nay đã mang đến một cục diện rất khác trong cách nhìn nhận chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. Giáo sư Minxin Pei thuộc Đại học Claremont McKenna, Mỹ, bình luận trên Nikkei Asian Review rằng dường như đã có một sự đảo ngược hoàn toàn mà nguyên nhân chủ yếu là do tỷ phú Donald Trump.
Clinton là lựa chọn an toàn
Trước khi ông Trump xuất hiện, việc dự báo về chính sách Trung Quốc của Mỹ không quá phức tạp. Như một quy luật, đảng Cộng hòa muốn tự do thương mại nhưng vẫn cứng rắn về quân sự với Bắc Kinh.
Ngược lại, đảng Dân chủ kêu gọi bảo hộ thị trường nội địa, gay gắt trong vấn đề nhân quyền với Trung Quốc nhưng lại không đặt nặng việc đối xử với Trung Quốc như là đối thủ địa chính trị. Dù thế nào, chính sách của hai bên đều không "được lòng" Bắc Kinh.
Nhiều người theo dõi cuộc bầu cử đang trong giai đoạn nước rút tại Mỹ cho rằng đây là việc chọn giữa hai loại "thuốc độc": một mới (chỉ ông Trump) và một cũ (tức bà Clinton), hay là chọn kẻ "ít xấu" hơn trong hai "kẻ xấu".
Donald Trump và Hillary Clinton trong cuộc tranh luận trên truyền hình lần hai hôm 9/10. Ảnh: AP. |
Với Bắc Kinh, việc đánh giá chính sách Trung Quốc của Trump và Clinton cũng tương tự như vậy. Tuy nhiên, gần như không còn nghi ngờ gì về việc Chủ tịch Tập Cận Bình thích làm việc với Clinton hơn là Trump.
Lý do đơn giản nhất giải thích cho nhận định trên là các lãnh đạo ở Trung Nam Hải (nơi đặt trụ sở cơ quan đảng và nhà nước Trung Quốc), vốn là những người thực dụng không muốn liều lĩnh, từ trước đến nay luôn thích "kẻ xấu" mà họ đã biết rõ hơn.
Chiếu theo "tiêu chuẩn" này, bà Clinton là lựa chọn an toàn vì cựu ngoại trưởng là người mà Bắc Kinh đã "nhẵn mặt" trong hơn 2 thập kỷ. Quan trọng hơn, chính sách đối ngoại của bà Clinton sẽ là sự tiếp tục hiện trạng đang được duy trì.
Tuy nhiên, vẫn có một vài yếu tố trong chính sách Trung Quốc của ứng viên đảng Dân chủ mà Bắc Kinh không thích. Bà Clinton có thể sẽ có thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc trong vấn đề an ninh. Điều đó đồng nghĩa với việc chính sách "xoay trục" về châu Á mà bà từng góp phần thảo ra sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.
Nữ cựu ngoại trưởng cũng được cho là sẽ tăng cường sự can dự chiến lược của Mỹ tại những nước khác ở châu Á vốn e ngại sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Ở lĩnh vực thương mại, Bắc Kinh cũng không nên mong đợi việc "buông lỏng" từ chính quyền Clinton nếu bà thành tổng thống. Mặc dù có thể không áp dụng các biện pháp bảo hộ nguy hiểm, bà Clinton có thể sẽ thực thi các hoạt động cưỡng chế nếu Trung Quốc vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay luật thương mại của Mỹ.
Trong vấn đề nhân quyền, Clinton cũng có thể sẽ cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Kể cả khi không có đòn bẩy thực sự, một Nhà Trắng do Clinton làm chủ vẫn có thể khiến Bắc Kinh xấu hổ trên mặt trận ngoại giao.
Những nhận định kể trên nghe có vẻ không mấy hấp dẫn. Tuy nhiên, ít nhất Bắc Kinh có thể cảm thấy an ủi bởi thực tế rằng dù bà Clinton nhiều khả năng cứng rắn với Trung Quốc hơn Obama, bà ấy thực chất vẫn là một người hành động dựa trên lợi ích.
Trump là cơn ác mộng
Điều đó không thể áp dụng cho ông Donald Trump. Không may cho Bắc Kinh, Trump dường như là một "ca" hoàn toàn khác. Hai lập trường mà ông đã công khai thể hiện - chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa cô lập - có thể sẽ gây nguy hại cho lợi ích kinh tế và an ninh của Trung Quốc nếu chúng được Trump cụ thể hóa thành chính sách.
Nếu Trump đơn phương áp đặt các lệnh trừng phạt về thương mại với Trung Quốc khi nước này vi phạm quy định của WTO như ông ta nói, Bắc Kinh chắc chắn sẽ trả đũa. Tuy nhiên, nếu cuộc chiến này khiến Mỹ thiệt hại thì Trung Quốc còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.
Trump được cho là "cơn ác mộng" với Trung Quốc bởi sự bốc đồng và khó lường của vị tỷ phú. Ảnh: Reuters. |
Nguyên nhân là nền kinh tế Trung Quốc "mong manh" hơn rất nhiều so với Mỹ. Bị đè nặng bởi gánh nặng nợ, sự suy giảm tốc độ tăng trưởng ở Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Chiến tranh thương mại với Mỹ có thể sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng toàn diện và sự thất thoát dòng vốn mới ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
Tuy vậy, theo một số nhà quan sát, việc Trump thành tổng thống có thể sẽ không hoàn toàn chỉ mang đến tin xấu cho Trung Quốc. Họ viện dẫn việc Trump tuyên bố sẽ rút lực lượng quân đội Mỹ tại châu Á về nước, để Nhật Bản và Hàn Quốc "tự lo" chương trình quốc phòng của mình. Trong bối cảnh đó, chính sách xoay trục về châu Á của Mỹ sẽ biến mất và Trung Quốc sẽ có thể tự tung tự tác tại khu vực.
Thế nhưng những người nghĩ Trung Quốc sẽ thống trị châu Á sẽ phải cân nhắc lại. Trong trường hợp Mỹ "vắng bóng" tại khu vực này, Nhật và Hàn nhiều khả năng sẽ theo đuổi chương trình hạt nhân và nâng cấp kho vũ khí của họ. Các nước khác trong khu vực cũng sẽ không ngồi yên. Do đó, chẳng những không thành bá chủ châu Á, Trung Quốc có thể sẽ phải sống giữa những "hàng xóm" nguy hiểm.
Đối với Bắc Kinh, điều tệ nhất nếu Trump thành tổng thống không phải mối nguy từ những dự định chính sách mà ông ta đã tuyên bố (mặc dù chúng cũng đủ tệ) mà là sự bốc đồng và khó lường của vị tỷ phú này. Nếu Trump có thể thức đến 3h sáng để lên Twitter nhục mạ một hoa hậu thì thật khó nói chính xác được Trump sẽ làm gì nếu ông ta cảm thấy cần phải "ăn miếng trả miếng" với Trung Quốc.
Nếu ông Tập Cận Bình đã xem qua hai cuộc tranh luận trên truyền hình vừa qua của hai ứng viên tổng thống Mỹ, ông ấy có thể sẽ muốn gọi cho ông Putin đề nghị tổng thống Nga nghĩ lại về sự thích thú của Moscow đối với Trump. Trump có thể là món quà đối với Điện Kremlin nhưng lại là cơn ác mộng đối với Trung Nam Hải.