Vu Lan là lễ có ý nghĩa lớn trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Vào mùa lễ Vu Lan, phật tử khắp nơi cài lên áo một bông hồng. Tục lệ này từ đâu mà ra? Hình ảnh bông hồng cài áo có ý nghĩa gì?
Trên số tháng 7/2019 tạp chí Nghiên cứu Phật học, Thượng tọa Thích Thiện Hạnh từng viết: "Bông hồng cài áo trong lễ Vu Lan xuất phát từ ý tưởng và đề xuất của Thiền sư Thích Nhất Hạnh những năm 1960”.
Tác phẩm Bông hồng cài áo của Thích Nhất Hạnh. Ảnh: Dân Trí. |
Theo tùy bút Bông hồng cài áo, Thích Nhất Hạnh trong một lần đi với thầy Thiên Ân tới nhà sách ở Đông Kinh, Nhật Bản đã bắt gặp một nhóm sinh viên, bạn của thầy Thiên Ân. Trong nhóm sinh viên Nhật ấy, có một cô hỏi nhỏ thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy một bông cẩm chướng trắng ra cài lên khuy áo choàng cho Thích Nhất Hạnh. Vị Thiền sư khi ấy chưa hiểu gì, chỉ nghĩ là một tục lệ nào đó. Sau được thầy Thiên Ân giảng giải, ông mới hay biết đấy là một tục lệ của phương Tây vào Ngày của mẹ.
Theo thầy Thiên Ân, “Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng”.
Nghe vậy, Thiền sư bỗng cảm thấy tủi thân nghĩ đến phận mồ côi của mình. Nhưng ông thấy tục cài hoa này thật đẹp khi nó gợi nhắc những người được cài hoa nhớ rằng mình còn mẹ và phải cố gắng báo hiếu mẹ. Thiền sư “nghĩ rằng mình có thể bắt chước, áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan”.
Cài bông hồng lên áo trong mùa Vu Lan. Ảnh: Truyền hình Nghệ An. |
Theo quan niệm của Phật giáo, hoa hồng vốn biểu trưng cho lòng hiếu thảo, tri ân và biết ơn của người con đối với đấng sinh thành của mình.
Ai còn cha mẹ sẽ được cài hoa hồng đỏ lên ngực áo như một lời nhắc nhở rằng mình vẫn còn cả cha và mẹ, phải luôn biết cố gắng để làm vui lòng cha mẹ.
Ai mất cha hoặc mẹ thì cài hoa hồng nhạt lên ngực mình. Còn ai đã không còn cả hai đấng sinh thành thì cài hoa trắng. Loại hoa này như nhắc nhở con người ta sống tốt và ý nghĩa để người đã khuất được an yên, thanh thản.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ảnh: langmai. |
Năm 2008, Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng chia sẻ trên nguyệt san Giác Ngộ về quá trình cho ra ra đời Bông hồng cài áo: “Ban ngày tôi nói chuyện với thanh thiếu niên về văn hóa của Việt Nam, sau đó đi chèo thuyền trên hồ. Đêm đến, tôi ngồi viết văn. Tôi đã sáng tác Bông hồng cài áo khi đang ở trong căn lều gỗ. Viết xong, tôi gửi tác phẩm của mình cho các vị đệ tử”.
Các đệ tử đọc xong, xúc động nên đã lan truyền cho mọi người, đồng thời chép lại hàng trăm bản tặng cho người khác.
Từ đó, các Phật tử trong nước mới áp dụng nghi thức này hàng năm mỗi khi tháng 7 âm lịch về, tạo nên một nghi thức đẹp..
“Ngày Vu Lan ta nghe giảng và đọc sách nói về ngài Mục Liên và về sự hiếu để. Công cha, nghĩa mẹ. Bổn phận làm con. Ta lạy Phật cầu cho mẹ sống lâu. Hoặc lạy mười phương tăng chú nguyện cho mẹ được tiêu diêu nơi cực lạc, nếu mẹ đã mất. Con mà không có hiếu là con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương, hiếu chỉ là giả tạo, khó khăn, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ hết rồi. Cần chi nói đến bổn phận”, trích Bông hồng cài áo.
Câu chuyện của vị thiền sư còn truyền cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật, điển hình là bài hát Bông hồng cài áo (1967) của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ.