Filter này thay đổi cấu trúc khuôn mặt, đặc điểm đặc trưng của mình. Ảnh: hollycockerillmua. |
Gần đây, TikTok đang rộ lên filter (bộ lọc hình ảnh) có tên Bold Glamour, vẽ mặt người dùng, gọt cằm, xương gò má và tô màu mắt, vẽ chân mày, giúp thay đổi hoàn toàn ngoại hình của người dùng. Hiệu ứng vẽ mặt này được hưởng ứng vì trông thật hơn rất nhiều so với các hiệu ứng khác, đến mức người khác còn không nhận ra bạn đang sử dụng filter.
Filter TikTok thiết lập tiêu chuẩn cái đẹp vô thực
Tuy nhiên, nhiều người lại tỏ ra phản đối với filter ảo này. Họ cho rằng sự chỉnh sửa quá đà sẽ dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như sức khỏe tinh thần kém, suy giảm sự tự tin và khiến họ mặc cảm ngoại hình.
Nhiều người nói rằng hiệu ứng Bold Glamour rất nguy hiểm và đáng được lên án hơn những hiệu ứng trước đó bởi nó vẫn sẽ không biến mất dù người dùng dùng tay che mặt hay biến mất khỏi khung hình.
Bold Glamour không chỉ trang điểm cho khuôn mặt người dùng mà còn thay đổi cấu trúc khuôn mặt, làm mịn da, làm dày môi, trắng răng để họ trông “đẹp” hơn. Điểm thông minh của filter này là nó không chỉnh sửa quá đà đường nét khuôn mặt người dùng mà vẫn để lại một số đặc điểm không hoàn hảo để giống thật hơn.
Bold Glamour biến đổi ngoại hình của TikToker một cách ngoạn mục. Ảnh: Kelly Strack. |
“Lần đầu thấy hiệu ứng này, tôi đã bất ngờ với sự thay đổi không tưởng mà nó tạo ra so với những hiệu ứng khác”, Lindsay Borow (28 tuổi) chia sẻ. Cô đã sử dụng Bold Glamour trong một video. Trong video đó, cô nói mình nhìn như “cá trê và không thể nào xấu hơn được nữa”.
Borow và những TikToker khác bày tỏ sự lo ngại trước ảnh hưởng của filter này lên sức khỏe tinh thần của người trẻ và khiến họ theo đuổi những tiêu chuẩn về cái đẹp không thực.
“Thử tưởng tượng mọi cô gái trẻ trên TikTok đều sử dụng hiệu ứng Bold Glamour và họ đều giữ suy nghĩ rằng mình phải đẹp được như tiêu chuẩn này mà xem. Điều này không tốt cho tâm lý của họ một chút nào”, một người dùng chia sẻ.
Một người khác lại nói rằng filter này nên bị xem là hành vi trái pháp luật vì nó xóa chân mày, thay đổi đường nét và vẫn dính khư khư vào khuôn mặt người dùng dù họ chuyển động. “Người làm ra nó thật đáng sợ”, người này để lại bình luận.
Nữ ca sĩ nổi tiếng Charli XCX cũng thử dùng bộ lọc này trong một video so sánh khuôn mặt mình trước và sau khi sử dụng. Cô ví mình khi sử dụng hiệu ứng Bold Glamour như chị em nhà Kardashian, gọi mình là “Kharli Kardashian”.
Sự nở rộ của các hiệu ứng làm đẹp độc hại
Theo NBC News, một trong những vấn đề lớn nhất của Bold Glamour là nó trông quá sát với ngoại hình thật của người dùng, đến mức khiến họ nghĩ rằng họ cũng có thể giống vậy ngoài đời. Nhưng trên thực tế, để có được đường nét khuôn mặt như vậy không hề dễ dàng.
Borow nói rằng cô dường như không thể makeup để bắt chước khuôn mặt sau khi sử dụng filter. “Tôi nhận ra dù có cố trang điểm để trông giống thì khi sử dụng Bold Glamour nó lại càng làm tôi đẹp hơn nữa. Điều này giống như bạn sẽ chẳng bao giờ đạt đến tiêu chuẩn cái đẹp mà nó tạo ra”, cô gái chia sẻ.
Trên thực tế, hiệu ứng vẽ mặt này là những lớp mặt nạ ảo, có khả năng tương tác trực tiếp được lập trình bởi AI. Sử dụng camera trước của điện thoại, bộ lọc hình ảnh dễ dàng biến đổi các chi tiết khuôn mặt của một người chỉ với vài thao tác.
Filter makeup TikTok đã áp đặt một tiêu chuẩn thẩm mỹ cho nữ giới. Ảnh: Mashable. |
Những hiệu ứng vẽ mặt xuất hiện từ năm 2015 và dần phổ biến với các bộ lọc có tai thú, mô phỏng nhân vật hoạt hình. Kể từ khi ra mắt đến nay, filter đã dần phát triển và trở nên chính xác bằng cách tích hợp các công nghệ máy tính để xác định khuôn mặt người dùng ngay lập tức.
Một nghiên cứu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh đã chỉ ra có đến 57% cô gái trẻ được khảo sát thường xuyên có cảm giác buồn bã và tuyệt vọng. Trong đó, một nguyên nhân phổ biến đến từ việc so sánh ngoại hình trên mạng xã hội.
Chia sẻ với NBC News, Hira Mustafa (26 tuổi) cho biết các filter trên TikTok đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần của cô bởi khả năng thay đổi khuôn mặt khủng khiếp của nó.
“Tôi nghĩ việc người tiếng đắp hàng lớp filter chỉnh sửa đã khiến chúng ngày càng phổ biến và dễ tiếp cận. Nhưng hậu quả là những người thấy các khuôn mặt này bắt đầu tự trách bản thân và chạy theo những hình ảnh không thực này”, Mustafa chia sẻ.
Cô gái cho rằng những hiệu ứng này đang áp đặt tiêu chuẩn cái đẹp phương Tây lên mọi người. “Nhiều người da màu bị làm sáng da hay đổi màu mắt. Họ cứ phải tuân theo một quy chuẩn ngoại hình nhất định”, Mustafa nói.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.