Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VOICES

Hiệp sĩ đường phố - ngông cuồng gây bất ổn hay chỗ dựa cho dân?

Không phải hành động trượng nghĩa nào của "hiệp sĩ" cũng đem lại kết quả tích cực. Điều chính quyền cần làm là đảm bảo không người dân nào bị đẩy vào hoàn cảnh tự mình ra tay.

hiep si duong pho anh 1

Hiệp sĩ đường phố - ngông cuồng gây bất ổn hay chỗ dựa cho dân?

Không phải hành động trượng nghĩa nào của "hiệp sĩ" cũng đem lại kết quả tích cực. Điều chính quyền cần làm là đảm bảo không người dân nào bị đẩy vào hoàn cảnh tự mình ra tay.

hiep si duong pho anh 2

hiep si duong pho anh 3

Paul Robinson

Chuyên gia luật

Giáo sư Paul Robinson giảng dạy Luật Hình sự tại Đại học Luật Pennsylvania (Mỹ). Ông từng là công tố viên liên bang và cố vấn cho Tiểu ban Thượng viện Mỹ về Luật và Thủ tục Hình sự. GS Robinson là tác giả của gần 20 đầu sách luật và tham gia giảng dạy tại 27 quốc gia. Các bài báo, nghiên cứu của ông xuất hiện trên các tạp chí luật uy tín hàng đầu thế giới và được dịch ra 15 thứ tiếng. Đây là bài viết riêng của ông cho Zing.vn.

Những kẻ ngông cuồng, không coi trọng pháp luật, hành xử theo ý thích. Người hành hiệp trượng nghĩa, tự đứng ra bảo vệ cho công bằng và trật tự xã hội.

Tưởng chừng đây là hai nhóm người thuộc hai chiến tuyến hoàn toàn khác nhau. Thế nhưng, có những nhóm người lại hội đủ cả hai thái cực đó. Và một trong những ví dụ kinh điển nhất là cuộc tranh luận từ nhiều thập kỷ qua ở Mỹ về lằn ranh mong manh trong vai trò thiện - ác của nhóm hiệp sĩ đường phố.

Vào thập niên 1970, vấn đề đồng tính vẫn là chuyện nhạy cảm. Năm 1973, 300 trường hợp quấy rối người đồng tính được ghi nhận tại thành phố San Francisco. Con số trên thực tế lớn hơn khi nhiều khi vào thời điểm đó, lực lượng cảnh sát vẫn mang nặng thái độ kỳ thị và không có ý định giúp đỡ nhóm này.

Mục sư Ray Broshears từng bị đánh đập dã man vì quan điểm bảo vệ người đồng tính. Khi chứng kiến cảnh một nhóm nam thanh niên liên tục quấy rối những người đồng tính bước ra từ một trung tâm hỗ trợ cộng đồng, Broshears đã gọi điện báo cảnh sát. Tuy nhiên, điều duy nhất cảnh sát làm là chỉ điểm ông cho nhóm người trên. Kết cục, vị mục sư này hứng chịu đòn trả đũa.

Sau khi bị hành hung, nhận thấy sự bất lực của hệ thống pháp luật hiện hành, mục sư Broshears quyết định thành lập một hội nhóm cùng đứng ra bảo vệ quyền lợi và công lý cho họ.

Nhiều lần, hành động của họ được ca ngợi, ngưỡng mộ và cũng không ít lần, cách thức các nhóm này hành xử để lại nhiều dấu hỏi lớn.

Tháng 7/1973, ông thành lập một nhóm lấy tên gọi là Lavender Panthers. Dù không trang bị súng, các thành viên được đào tạo bài bản những kỹ năng tự vệ cần thiết và đi tuần tra thường xuyên tại các khu vực nhạy cảm, nơi người đồng tính dễ bị tấn công.

Thông thường, những kẻ quấy rối sẽ đứng đợi sẵn bên ngoài quán bar cho người đồng tính, chờ đợi họ ra về và kiếm cớ gây hấn, đánh hội đồng. Tuy nhiên, với sự ra đời của nhóm Lavender Panthers, nhóm người đồng tính này thường xuyên được ứng cứu kịp thời.

Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh về những nhóm người bảo vệ tự phát này. Có người cho rằng họ là những kẻ khinh thường pháp luật, cho mình quyền hành xử theo ý thích, bản năng. Người trong cuộc thì coi mình đang thay cơ quan chức năng bảo vệ lẽ phải cho những nhóm yếu thế.

Những quan điểm đối lập này xuất phát từ việc các nhóm hiệp sĩ đường phố có hành động gây tranh cãi. Nhiều lần, hành động của họ được ca ngợi, ngưỡng mộ và cũng không ít lần, cách thức các nhóm này hành xử để lại nhiều dấu hỏi lớn.

Lằn ranh phân định mong manh

Trong bối cảnh hệ thống pháp luật còn ít nhiều bất công, đâu là lằn ranh phân định hành vi của nhóm hiệp sĩ đường phố?

Về lý thuyết, các nhóm hiệp sĩ này không mang tính chính danh, hợp pháp. Tuy nhiên, việc hoạt động có quy củ, nguyên tắc sẽ được chấp thuận hơn về mặt đạo đức.

Qua thực tiễn nghiên cứu nhiều năm, tôi và đồng nghiệp đã đúc rút ra những yếu tố nhóm hiệp sĩ đường phố cần cân nhắc đến:

- Chỉ hành động khi thực sự cần thiết, có những vấn đề thuộc thẩm quyền của cảnh sát thì dứt khoát phải để họ thực thi nhiệm vụ. Ngay cả khi lực lượng này miễn cưỡng không chịu giải quyết những vấn đề nhỏ nhặt như trộm cắp vặt ngoài chợ, đó cũng không phải lý do chính đáng để nhóm hiệp sĩ xông vào trấn áp thay.

- Không hành động một mình. Đánh giá kỹ tình hình trước khi hành động. Hiệp sĩ là những người làm việc vì cộng đồng, không phải vì động cơ cá nhân. Các nhóm hiệp sĩ cũng cần có những nguyên tắc hoạt động riêng để thống nhất trong cách hành động.

- Không gây ra thiệt hại nhiều hơn mức cần thiết và tránh việc những người vô tội xung quanh bị vạ lây. Một phần của việc thực thi công lý là giảm thiểu mức độ thiệt hại xuống thấp nhất có thể, ngay cả đối với kẻ xấu.

Công lý cho người bị hại là điều ai cũng muốn nhưng các hành động bộc phát, dưới lớp vỏ “thay trời hành đạo” có thể dẫn đến nhiều tác hại cho cả cộng đồng và lẽ phải.

- Có thái độ kiềm chế, ôn hòa, không giải quyết vụ việc bằng sự tức giận, thù hằn. Lực lượng hiệp sĩ không thể tự coi mình là người có quyền định đoạt tất cả và thực thi công lý bằng mọi giá.

- Đưa ra cảnh báo trước cho chính quyền, dù không mấy tác dụng. Lý tưởng nhất, các thông điệp này giúp chính quyền nhận ra thất bại và sửa chữa các sai lầm.

- Minh bạch, công khai những gì nhóm đã thực hiện và lý do làm. Cộng đồng không thể có cái nhìn khách quan về hành động của các hiệp sĩ nếu không hiểu và nắm rõ những gì họ đã làm.

- Nếu cảm thấy vượt quá khả năng, hãy để các cơ quan có thẩm quyền cao hơn giải quyết. Nỗ lực của các hiệp sĩ chỉ là phương án tạm thời, không thể thay thế cho luật pháp.

Nếu các nhóm hiệp sĩ không thể tuân thủ các quy tắc này, tốt nhất họ không nên hành động. Công lý cho người bị hại là điều ai cũng muốn nhưng các hành động bộc phát, dưới lớp vỏ “thay trời hành đạo” có thể dẫn đến nhiều tác hại cho cả cộng đồng và lẽ phải.

Trượng nghĩa có khi chỉ tạo thêm bất ổn

Năm 1964, Crown Height (New York) nổi tiếng là nơi tội phạm hoành hành và bạo lực tràn lan. Cộng đồng người Do Thái sinh sống ở đây gần như bị mắc kẹt trong hai khu vực lân cận có tỷ lệ tội phạm cao.

Cảnh tấn công, cướp bóc trở thành chuyện hàng ngày. Mọi người đi bộ trên đường phố cũng phải đề cao cảnh giác. Các cửa hàng buộc phải mở cửa muộn hơn và nghỉ trước khi trời tối.

Giáo sĩ Samuel Schrage, cũng là một cư dân địa phương, đã cầu cứu nhiều lần cảnh sát tuần tra lẫn thị trưởng thành phố khi đó nhưng vô vọng. Ông Schrage sau đó thành lập Crown Heights Maccabees, một đội theo dõi khu dân cư, với bốn xe ôtô, đài radio và các thiết bị khác. Tất cả đều do cộng đồng tài trợ.

Các cuộc tuần tra được thiết lập sao cho mọi khu phố đều được giám sát 2 phút/lần. Khi có đối tượng lạ xuất hiện, nhóm này ngay lập tức tiến đến tra hỏi. Mục tiêu của Maccabees là trở thành một lực lượng răn đe và dần chứng minh hiệu quả.

Thế nhưng, có những trường hợp vì thay luật pháp hành động, hiệp sĩ đường phố đã phải đối diện với sự trừng phạt của chính luật pháp.

Trong 2 năm 1963-1964, tình trạng tội phạm trong khu vực giảm đến 90%. Tội phạm dần trở nên cảnh giác và ít dám bén mảng đến địa bàn nhóm Maccabees canh gác.

Thế nhưng, có những trường hợp vì thay luật pháp hành động, hiệp sĩ đường phố đã phải đối diện với sự trừng phạt của chính luật pháp.

Trước kia, khi chính quyền bang Baltimore rất miễn cưỡng trấn áp tệ nạn buôn bán ma túy, một bức vẽ graffiti xuất hiện trong thành phố với dòng chữ “Xử tử những kẻ buôn ma tuý là cách duy nhất đẩy lùi nó ra khỏi cộng đồng”.

Không lâu sau đó, vào tháng 7/1973, một nhóm người tự xưng tên Black October đánh tiếng cho một tờ báo địa phương rằng họ đã kết liễu Turk Scott, một tên buôn ma túy khét tiếng trong vùng đang bị truy tố 8 tội danh liên quan với số tiền phạm tội lên đến hàng triệu USD.

Thi thể Scott được tìm thấy ở bãi đỗ xe trong tòa nhà, với hơn 7 lỗ đạn trên người. Xung quanh xác Scott, cảnh sát còn phát hiện nhiều lời nhắn cảnh cáo đến những kẻ buôn thuốc khác ở địa phương: “Buôn thuốc là phản quốc và hình phạt là cái chết”.

Sáu ngày sau, Geogre Evans, một kẻ buôn ma túy khác tiếp tục bị bắn chết. Black October đứng ra nhận trách nhiệm và tuyên bố công khai nhóm sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để dẹp loạn nạn ma túy.

Đồng thời, nhóm này bày tỏ sự thất vọng với lực lượng cảnh sát, chỉ trích sự vô dụng của chính quyền và lần nữa nhấn mạnh thông điệp “giết hết những kẻ buôn thuốc” đến cộng đồng.

Tiến hành điều tra, chỉ một thành viên của Black October bị phát hiện danh tính: Sherman Dobson, một sinh viên đại học. Hồ sơ người này hoàn toàn trong sạch. Trước đó, anh ta còn tham gia phong trào dân quyền và các hoạt động cộng đồng khác.

Trên danh nghĩa, Dobson là kẻ sát nhân và phải đền tội trước pháp luật. Tuy nhiên, trong thời gian chờ xét xử, cộng đồng lại thể hiện sự ủng hộ dành cho Dobson và nhóm Black October.

Một người thậm chí còn ca ngợi hành động của nhóm tự phát này đem lại lợi ích cho cộng đồng. Kết quả, cuối năm 1973, Dobson không bị kết tội giết người và chỉ chịu trách nhiệm về vụ cướp taxi trên đường đi sát hại Scott.

Khi các nhóm này tự cho mình quyền quyết định, đặc biệt với sự chấp nhận và cổ súy của cộng đồng, nó tạo ra một tiền lệ nguy hiểm.

Rõ ràng, trong trường hợp này, luật pháp đã cho thấy sự linh động tùy hoàn cảnh. Trong đó, việc luận tội, kết án vẫn có sự khoan hồng hoặc cân nhắc đến các yếu tố biện minh cho hành vi phạm tội.

Tuy nhiên, khi các hiệp sĩ đường phố hành động, điều họ nhìn thấy chủ yếu là hành vi phạm tội và chỉ ứng biến theo những gì chứng kiến, không tính đến các yếu tố khách quan khác. Khi các nhóm này tự cho mình quyền quyết định, đặc biệt với sự chấp nhận và cổ súy của cộng đồng, nó tạo ra một tiền lệ nguy hiểm.

Tiền lệ này càng khiến nảy sinh những hành vi phá luật. Sự chấp nhận công khai hành vi phá luật dễ truyền cảm hứng cho những người khác với quan điểm cực đoan gia nhập các nhóm này, vô hình trung phá huỷ tôn chỉ hoạt động ban đầu - có thể là tốt đẹp - của nhóm.

Ngoài ra, các cá nhân tham gia vào nhóm hiệp sĩ đường phố này không được đào tạo bài bản như cảnh sát. Các quyết định, hành động chắc chắn bị tác động ít nhiều bởi cảm xúc cá nhân và thiếu tính chuyên nghiệp.

Khi những lực lượng này nắm quyền chủ yếu trong việc ổn định vấn đề an ninh xã hội tại cộng đồng, vai trò của cảnh sát trong mắt người dân bị suy yếu và khiến họ dần mất tin tưởng vào lực lượng chức năng.

Suy cho cùng, mặc dù hợp đạo đức và có thể mang hiệu quả, các nhóm hiệp sĩ đường phố vẫn không thể thay thế toàn bộ cơ quan chức năng. Dù không phải lúc nào pháp luật và công lý cũng đứng về phía người dân và buộc họ phải tự đứng lên bảo vệ bảo thân, vẫn tiềm ẩn rủi ro do các hành vi tự phát này gây ra.

Suy cho cùng, mặc dù hợp đạo đức và có thể mang hiệu quả, các nhóm hiệp sĩ đường phố vẫn không thể thay thế toàn bộ cơ quan chức năng.

Việc dùng luật pháp để trừng phạt các hiệp sĩ là hoàn toàn có thể, song điều này chỉ gieo thêm hồ nghi cho cộng đồng. Người dân sẽ hình thành ác cảm: Chính quyền sẵn sàng khoan hồng cho những kẻ mắc tội lỗi trầm trọng nhưng lại can tâm bỏ tù những người ra tay nghĩa hiệp, giúp ổn định tình hình an ninh xã hội.

Hành động này chắc chắn sẽ dẫn đến lối nghĩ: Hệ thống pháp luật không chỉ đơn giản là làm ngơ mà còn có có thái độ thù địch công khai với việc giải quyết các vấn đề người dân đối mặt.

Dù xuất phát từ mục đích tốt, việc tự ứng biến này nhiều khi gây ra sự bất ổn trong xã hội. Điều chính quyền cần thực hiện là đảm bảo công lý thuộc về người dân, đồng thời ngăn chặn tình trạng tội phạm để không người dân nào bị đẩy vào hoàn cảnh tự mình ra tay.

Paul Robinson

Illustration: Hà My - Phượng Nguyễn
Biên dịch: Lân Y

Bạn có thể quan tâm