Ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - phát biểu dẫn đề tại hội thảo sáng 16/1. Ảnh: TTXVN. |
Phát biểu khai mạc và dẫn đề tại hội thảo sáng 16/1, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - khẳng định sự kiện Hiệp định Paris được ký kết vào hôm 27/1/1973 đã “mở ra bước ngoặt trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, tạo thuận lợi cho cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên giành những thắng lợi mới mà đỉnh cao là đại thắng mùa xuân năm 1975”.
“Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm ‘Dĩ bất biến, ứng vạn biến’ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho chủ trương ‘thêm bạn’, 'bớt thù', dự báo và nắm đúng thời cơ để đi đến thắng lợi quyết định của Đảng ta”, ông Thắng khẳng định.
Phát biểu của ông Thắng nằm trong khuôn khổ hội thảo khoa học với chủ đề “50 năm Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam: Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Quốc phòng đồng tổ chức.
Hội thảo là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, nhân chứng lịch sử trao đổi sâu về Hiệp định Paris năm 1973, làm rõ giá trị bước ngoặt của sự kiện này trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, đồng thời nhìn lại các bài học lớn của ngoại giao Việt Nam.
“Cuộc đọ sức không cân sức”
Trong phiên khai mạc, ông Thắng nhấn mạnh Hiệp định Paris vẫn vẹn nguyên giá trị với những bài học kinh nghiệm quý giá.
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu ra 4 bài học lớn, trong đó có phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc, phối hợp chặt chẽ giữa đấu tranh ngoại giao với đấu tranh quân sự, chính trị, lấy thắng lợi quân sự và chính trị là cơ sở để tiến công ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, cô lập kẻ thù.
Ngoài ra, ông cũng đề cập tới bài học về quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo tư tưởng “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại và giữ vững - tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong toàn bộ quá trình đấu tranh trên mặt trận ngoại giao.
Ông Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - trong hội thảo sáng 16/1. Ảnh: An Bình. |
Trình bày tham luận tại phiên khai mạc, ông Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - khẳng định thực tiễn chứng minh trong gần 5 năm đàm phán, sự phối hợp tài tình khéo léo giữa 3 mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao đã tạo ra sức mạnh tổng hợp to lớn để chúng ta toàn thắng trên bàn đàm phán Paris.
“Đây là cuộc đọ sức không cân sức giữa một nền ngoại giao non trẻ và một nền ngoại giao sừng sỏ trên thế giới vào lúc đó”, ông nhận định.
Ông Bình cho rằng công tác tuyên truyền trong nước và tuyên truyền đối ngoại là nhân tố quan trọng góp phần tạo nên thắng lợi của Hiệp định Paris khi hiệu triệu tinh thần dân tộc ở cả miền Nam tiền tuyến thành đồng và miền Bắc hậu phương xã hội chủ nghĩa.
Về công tác tuyên truyền trong nước, điều này góp phần khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần, ý chí quyết tâm chiến thắng kẻ thù xâm lược và niềm tin sắt đá vào thắng lợi hoàn toàn của cách mạng, tạo thế cho đàm phán ngoại giao. Trong khi đó, công tác tuyên truyền đối ngoại có vai trò rất quan trọng trong quá trình đấu tranh ngoại giao và đàm phán ký kết Hiệp định Paris.
“Công tác tuyên truyền đối ngoại tại Hội nghị Paris tập trung vào những nhiệm vụ chính: Làm sáng tỏ tính chính nghĩa cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ta; Tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ; Nêu cao ý chí sắt đá, quyết tâm giành độc lập và khát vọng hòa bình của nhân dân ta để thế giới hiểu rõ điều đó; Đập tan những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, phản động của Mỹ Ngụy”, phó trưởng Ban tuyên giáo Trung ương cho hay.
Ông Bình cũng chỉ ra công tác tuyên truyền đối ngoại được triển khai trên 3 mặt trận chủ yếu, gồm tiền tuyến, ngay tại Paris - nơi diễn ra đàm phán cũng là nơi diễn ra cuộc đấu tranh trực diện về ngoại giao với Mỹ; hậu phương ở trong nước và đặc biệt tại Hà Nội; cùng mặt trận ở các nước khác - nơi có cơ quan đại diện và bạn bè quốc tế.
Quang cảnh hội thảo sáng 16/1. Ảnh: An Bình. |
Bài học lớn từ Hiệp định Paris
Hội thảo sáng 16/1 còn diễn ra hai phiên với chủ đề "Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm từ quá trình đàm phán, ký kết, thi hành, Hiệp định Paris" và "Vận dụng những bài học của Hiệp định Paris trong triển khai đường lối Đại hội XIII".
Tham dự hội thảo có khoảng 350 đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương và Hà Nội; các nhân chứng lịch sử, đại diện thành viên hai đoàn đàm phán, cán bộ lão thành; nhà khoa học, chuyên gia đến từ các cơ quan nghiên cứu và trường đại học.
Phát biểu với phóng viên bên lề hội thảo, ông Vũ Dương Huân - nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu Lịch sử Ngoại giao, Bộ Ngoại giao - cho biết bài học lớn nhất mà Việt Nam rút ra từ quá trình đàm phán Hiệp định Paris chính là việc duy trì độc lập, tự chủ và đoàn kết quốc tế.
“Chúng ta đã tự hoạch định đường lối kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như tự xây dựng chiến lược, sách lược ngoại giao đúng đắn, đặc biệt là trong quá trình đàm phán Hiệp định Paris. Dù có tham khảo ý kiến của các nước đồng minh, chúng ta vẫn tự quyết định vận mệnh của mình”, ông bổ sung.