Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hiện tượng lạ của USD và vàng

Giá vàng thường biến động ngược chiều USD, nhưng sau khi Mỹ công bố báo cáo CPI tháng 5, cả kim loại quý lẫn đồng bạc xanh đều suy yếu.

Giá vàng thường biến động ngược chiều USD, bởi triển vọng lãi suất tăng cao sẽ thúc đẩy đồng bạc xanh và triệt tiêu sức hấp dẫn của kim loại quý. Sức mua của USD tăng lên cũng đồng nghĩa với việc cần ít USD hơn để mua vàng.

Nhưng theo dữ liệu của Trading Economics ngày 14/6, cả giá vàng lẫn USD Index đều đang lao dốc.

USD Index lao dốc

USD Index - chỉ số đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ lớn khác - đã giảm xuống vùng 103,2 điểm vào thứ tư, sau khi mất 0,3% trong phiên trước đó.

Trong khi đó, trong vòng 24 giờ qua, giá vàng có lúc vọt lên 1.970 USD/ounce rồi nhanh chóng rơi xuống sát ngưỡng 1.940 USD/ounce, và hiện đã bật tăng phần nào về 1.950,6 USD/ounce.

Kim loại quý vẫn không thể đảo ngược đà giảm do các nhà đầu tư thận trọng trước cuộc họp chính sách tháng 6 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Quyết định lãi suất của cơ quan này sẽ được công bố vào đêm nay (giờ Việt Nam).

USD và vàng cùng bị đè nặng sau báo cáo lạm phát tháng 5 của Mỹ. Theo dữ liệu chính thức, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ chỉ tăng 0,1% trong tháng 5. So với một năm trước đó, chỉ số này ghi nhận mức tăng 4%, thấp nhất kể từ tháng 3/2021.

Nhưng nếu loại trừ giá thực phẩm và năng lượng biến động mạnh, tình hình lạm phát tại Mỹ không mấy lạc quan. CPI lõi vẫn tăng 0,4% trong tháng 5 và cao hơn 5,3% so với một năm trước đó.

Không khó để lý giải việc USD sụt giảm. Lạm phát hạ nhiệt sẽ cho phép Fed bỏ quãng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng này. Việc ngân hàng trung ương Mỹ tạm dừng nâng lãi suất sẽ triệt tiêu động lực tăng trưởng của đồng bạc xanh.

Hồi năm ngoái, các đợt tăng lãi suất dồn dập của Fed đã đẩy USD Index lên mức cao nhất 20 năm.

Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch của CME Group, các thị trường đang định giá khả năng Fed giữ nguyên lãi suất lên tới 95,3%, tăng từ 79,1% một ngày trước đó và 38,1% hồi cuối tháng 5. Trong khi đó, khả năng Fed tiếp tục nâng 0,25 điểm phần trăm chỉ được định giá là 4,7%, giảm từ 61,9% cách đây nửa tháng.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Nhật Bản cũng sắp có cuộc họp chính sách quan trọng. ECB được dự báo tiếp tục tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong tuần này, và thêm một lần nữa vào tháng 7 nhằm đối phó với lạm phát dai dẳng.

Giá vàng không thể bật tăng

Câu hỏi đặt ra là nếu Fed đã có thể tạm dừng tăng lãi suất, vì sao thị trường kim loại quý vẫn chưa thể khởi sắc.

Theo ông Edward Moya - chuyên gia tài chính tại hãng tư vấn Oanda - giá vàng ban đầu được thúc đẩy bởi mức lạm phát thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Nhưng ông cho rằng để thị trường kim loại quý thực sự phục hồi, Phố Wall cần phải tin tưởng vào việc Fed đã hoàn thành chu kỳ tăng lãi suất.

"Báo cáo lạm phát tháng 5 sát với dự báo của giới quan sát. Nhưng một số quan chức của ngân hàng trung ương có thể lo ngại về CPI lõi, vốn vẫn tăng cao so với một năm trước đó", ông Moya giải thích.

USD Index anh 2

Biến động của giá vàng thế giới trong 24 giờ qua. Ảnh: Trading Economics.

"Fed khó có thể tăng lãi suất thêm một lần nữa nếu lạm phát hạ nhiệt nhanh chóng, nhưng chúng ta không nên loại trừ một đợt tăng lãi suất nữa diễn ra vào tháng 7", chuyên gia kinh tế trưởng Ian Shepherdson tại Pantheon Macroeconomics bình luận.

Hơn nữa, theo chuyên gia Moya, ngay cả khi Fed đã sắp hoàn thành chu kỳ thắt chặt tiền tệ, thị trường vàng vẫn sẽ đứng trước lực cản lớn nếu chứng khoán tiếp tục đi lên và tranh giành dòng vốn đổ vào kim loại quý, vốn là tài sản trú ẩn an toàn.

"Khẩu vị rủi ro đối với cổ phiếu đang gia tăng quá mức. Do đó, kim loại quý có thể hưởng lợi nếu chứng khoán Mỹ đảo chiều sụt giảm", ông nhận định.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/6 tại Mỹ, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones có thêm 145,79 điểm, đạt 34.212,12 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng tăng lần lượt 0,69% và 0,83%.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Hàng nghìn triệu phú đang rời Trung Quốc

Ngày càng nhiều triệu phú đang tìm cách rời khỏi Trung Quốc. Trong khi đó, Ấn Độ đứng thứ hai về số lượng triệu phú di cư.

Các triệu phú đang để tiền vào đâu

Lạm phát, lãi suất tăng cao và những biến động trên thị trường chứng khoán đang ảnh hưởng đến cách đầu tư và chi tiêu của các triệu phú Mỹ.

Thảo My

Bạn có thể quan tâm