Ngày 15/11, UBND tỉnh Đồng Nai đã làm việc với Công ty Cổ phần Fecon và đối tác là Công ty Shanghai Tunnel Engineering Co.STEC về việc hợp tác triển khai các dự án hạ tầng giao thông ngầm trên địa bàn tỉnh. |
Vị trí dự kiến xây dựng công trình hầm chui Cát Lái. Đồ họa: Quỳnh Danh. |
Tại buổi làm việc, Fecon và đơn vị đối tác đã đề xuất ý tưởng xây dựng hầm vượt sông Đồng Nai thay thế cho việc xây dựng cầu Cát Lái trên sông nối Đồng Nai với TP.HCM. |
Theo nghiên cứu ban đầu, công ty xác định việc xây hầm vượt sông sẽ hạn chế được các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Từ đó, giảm tối đa tác động xã hội đến địa bàn dân cư đang sinh sống trong khu vực quy hoạch. Trong ảnh là khu vực bến phà Cát Lái hiện tập trung nhiều nhà dân sinh sống thuộc địa phận TP Thủ Đức (TP.HCM). |
Tuyến đường Nguyễn Thị Định dẫn tới phà Cát Lái hiện đi qua các khu vực đông đúc với hàng loạt xí nghiệp, cơ sở kinh doanh cùng hàng nghìn căn nhà phố nằm san sát nhau. Tuyến đường này cũng thường xuyên ùn ứ kẹt xe kéo dài vào giờ cao điểm do phải gánh hàng nghìn container ra vào cảng Cát Lái. |
Cảng Cát Lái hiện là cảng container quốc tế lớn và hiện đại nhất Việt Nam tại TP Thủ Đức, cảng này lọt top 25 cảng hàng đầu thế giới với thị phần container xuất nhập khẩu chiếm trên 90% khu vực phía Nam và gần 50% thị phần cả nước. |
Tại buổi làm việc với Thủ tướng vào chiều 3/12, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng vị trí dự kiến làm cầu Cát Lái gần các cụm cảng Cát Lái, Đồng Nai, Bình Dương nên cầu Cát Lái cần xây dựng tĩnh không cầu cao, đảm bảo lưu thông của các tàu hàng lớn ra vào các cảng. |
Khi thiết kế tĩnh không cao, cầu Cát Lái cần đường dẫn cầu dài, từ đó diện tích thu hồi, giải phóng mặt bằng cả 2 phía TP.HCM và Đồng Nai khá lớn, tăng kinh phí đầu tư lên cao. Việc đề xuất xây hầm vượt sông nối Đồng Nai và TP.HCM thay phương án cầu nhằm hạn chế giải phóng mặt bằng, đồng nghĩa việc tiết kiệm được chi phí đầu tư cho dự án. |
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cũng cho rằng phương án làm hầm vượt sông sẽ đảm bảo tính mỹ quan hai bờ sông Đồng Nai, không ảnh hưởng hoạt động cảng Cát Lái. |
Hiện tại, có 2 phương án đã được cơ quan chức năng đưa ra thảo luận tại buổi làm việc. Trong đó, phương án 1 là xây hầm dài hơn 2,3 km, với 8 làn đường (4 làn đường mỗi hầm), vận tốc thiết kế 80 km/h. |
Phương án 2, Công ty Cổ phần Fecon đề xuất quy mô 6 làn đường với 3 làn đường mỗi hầm, chiều dài tuyến hơn 1,7 km. |
Đại diện Fecon cho biết phương án đầu tiên phần hầm kín, hầm hở và 2 hố shaft (giếng phục vụ thi công ngầm) được bố trí tại các vị trí đất trống, giảm thiểu diện tích giải phóng mặt bằng và không ảnh hưởng lưu thông các tuyến đường hiện hữu. |
Tương tự, với phương án 2, phần hầm kín, hầm hở và 2 hố shaft được bố trí tại các vị trí trên mặt đường hiện hữu (đường Lý Thái Tổ và đường Nguyễn Thị Định) nên không cần giải phóng mặt bằng trong lúc thi công hầm. |
Qua nghiên cứu, phương án tiết kiệm nhất và nhanh nhất để thi công hầm thay cho xây dựng cầu Cát Lái có chi phí 9.000-10.000 tỷ đồng, thời gian thi công dưới 2 năm. |
Sau khi nghe đề xuất của UBND tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đồng ý chủ trương cho Đồng Nai nghiên cứu xây hầm vượt sông thay cầu Cái Lái kết nối TP.HCM để đồng bộ giao thông khi sân bay Long Thành vào hoạt động. |
Hầm vượt sông Cát Lái hoàn thành sẽ giúp TP.HCM và Đồng Nai có thêm tuyến giao thông kết nối thuận lợi. Đặc biệt, khi sân bay Long Thành hoạt động, tuyến đường này sẽ gánh một lượng xe từ TP.HCM đến sân bay Long Thành và ngược lại, giúp tăng tính đồng bộ, hiệu quả của sân bay Long Thành. |
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.