HIỆN TRẠNG 4 PHÂN KHU CHƯA BÀN GIAO CHO PHÚ MỸ HƯNG SAU 30 NĂM
Suốt 30 năm qua, người dân khu Nam TP.HCM sống tạm bợ ở những vùng quy hoạch treo này. UBND TP.HCM khẳng định sẽ sớm bàn giao đất để Công ty Phú Mỹ Hưng phát triển đúng quy hoạch.
Cách đây hơn 30 năm, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng được cấp giấy phép đầu tư với trách nhiệm xây dựng 5 khu chức năng A, B, C, D, E ở khu đô thị mới Nam TP.HCM.
Tuy nhiên đến nay, Phú Mỹ Hưng chỉ mới triển khai khu A, còn 4 phân khu chức năng khác chưa được lập quy hoạch. Ông Đặng Quốc Toàn, Chánh văn phòng UBND TP.HCM, lý giải do vướng pháp nhân thu hồi đất, sắp tới TP sẽ báo cáo và trình Thủ tướng phương án xử lý.
Trong lúc này, những nơi đáng lẽ phải là nhà máy công nghệ cao hay trung tâm phân phối hàng hóa cho cả khu vực lại vẫn chỉ là đầm lầy và những mái nhà cấp bốn xập xệ. Người dân lao động nghèo sống tạm bợ gần những tòa nhà cao tầng hạng sang của thành phố.
Khu E - Trung tâm Lưu thông Hàng hóa vẫn là đầm lầy sau 30 năm quy hoạch
Khu E - Trung tâm Lưu thông Hàng hóa I (115 ha) nằm tại giao lộ Quốc lộ 1 và Đại lộ Nguyễn Văn Linh. Đây là những tuyến giao thông huyết mạch trung chuyển hàng hóa từ TP.HCM đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại.
Tuy nhiên, sau hơn 30 năm, kỳ vọng về một trung tâm lưu thông hàng hóa của khu vực vẫn chỉ nằm "trên giấy". Theo ghi nhận của Tri Thức - Znews, mật độ dân cư tại đây khá thưa thớt, đa phần là đất trống, đầm lầy được người dân tận dụng làm nơi trồng trọt hoặc buôn bán.
Trong tương lai, khu E sẽ được quy hoạch bao gồm khu thương mại quốc tế, khu thương mại Đại lộ Nguyễn Văn Linh, khu kho bãi công nghiệp, khu cảng và trung chuyển hàng hóa và khu dân cư hỗn hợp.
Về vị trí địa lý, khu E khá thuận lợi để lưu thông hàng hoá từ mọi hướng bằng đường thủy (gần 2 con sông lớn là Chợ Đệm - Cần Giuộc) và đường bộ (giáp Nguyễn Văn Linh - Quốc lộ 1).
Nằm ven đại lộ Nguyễn Văn Linh là những căn nhà xập xệ, được người dân dựng tạm bợ để bán nước ven đường, kinh doanh dịch vụ câu cá. |
Đi sâu vào khu vực dự án, không khó để nhìn thấy hình ảnh nhà tranh, vách lá cùng nhiều vườn dừa rộng hàng nghìn m2 của người dân. |
Đa số những người đang sống tại đây là dân lao động nghèo kiếm sống bằng nghề buôn bán nhỏ và làm thuê. |
Khu D - Trung tâm Lưu thông Hàng hóa II hiện có hàng trăm ngôi nhà cấp 4 xập xệ
Nằm tại ngã ba sông Chợ Đệm và sông Cần Giuộc là khu D - Trung tâm Lưu thông Hàng hóa II với diện tích 85 ha cũng chưa thể triển khai xây dựng. Trong khu vực dự án là hàng trăm ngôi nhà cấp bốn nằm lọt thỏm trong khu đất rộng mênh mông.
Có vị trí gần 2 con sông lớn nên khu vực này được quy hoạch thành nơi phân phối và lưu thông hàng hóa, là nơi tồn trữ lương thực, kho hàng công nghiệp liên quan. Ngoài ra, đây cũng sẽ khu chức năng hỗn hợp thương mại và dân cư, với 5 ha cho các công trình công cộng.
Dù vậy, trong phạm vi dự án hiện tại vẫn còn hàng trăm hộ dân sinh sống trong tình trạng quy hoạch treo hàng thập kỷ. Những ngôi nhà tại đây chủ yếu là nhà cấp bốn xập xệ, nhỏ hẹp nằm xen lẫn giữa các hồ nước, đầm lầy. Người dân đa số là lao động từ nơi khác đến đây thuê nhà do giá rẻ so với mặt bằng giá thuê hiện tại của khu vực.
Vợ chồng bà Trần Thị Hương (52 tuổi) sống trong căn phòng ọp ẹp, tối tăm đã hơn chục năm nay. "Gia đình tôi đã nhận được tiền đền bù nhưng do đông anh em nên mỗi người không được bao nhiêu. Không đủ tiền mua đất nơi khác, tôi phải chấp nhận chịu cảnh tạm bợ ở đây", bà Hương nói.
Để đi lại, người dân trong khu vực này phải đi nhờ đường của khu dân cư Bến Lức hoặc chạy qua chợ đầu mối Bình Điền. Con đường chính Rạch Lồng Đèn dẫn vào khu dân cư đã được thảm bê tông nhưng khá nhỏ hẹp, chỉ vừa đủ hai xe máy tránh nhau.
Vợ chồng bà Trần Thị Hương là một trong nhiều hộ dân sống tạm bợ ở vùng được quy hoạch trở thành Trung tâm Lưu thông hàng hóa II. Đôi vợ chồng chỉnh tần số đài để nghe radio mỗi buổi chiều. |
Khu vực này nằm sát bên chợ đầu mối Bình Điền. Đây là một trong những chợ đầu mối có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay, với tổng diện tích 65 ha, gồm 7 nhà lồng, 2 nhà kho, các bãi đậu xe và các công trình phụ trợ khác. Chợ kinh doanh chủ yếu mặt hàng thủy hải sản, thịt heo và rau củ với số lượng lớn.
Với lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi và ngay cạnh chợ đầu mối Bình Điền, khu D - Trung tâm Lưu thông Hàng hóa II nếu được quy hoạch đúng chức năng trong tương lai sẽ hỗ trợ rất lớn cho hoạt động giao thương, buôn bán tại khu vực cửa ngõ Tây Nam TP.HCM, thuận lợi kết nối với các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Khu C - Khu Trung tâm Kỹ thuật cao đang là nơi người dân sống bằng nghề nuôi tôm cá
Cách khu D khoảng 5 km hướng về quận 7 là khu C - Khu Trung tâm Kỹ thuật cao có diện tích 46 ha. Khu vực này nằm tại giao lộ Nguyễn Văn Linh và Hương lộ 7 thuộc phường 7, quận 8, TP.HCM.
Trong tương lai, đây sẽ là nơi tập trung các nhà máy liên quan đến công nghiệp kỹ thuật cao, bao quanh bởi một khu vực có chức năng đa hợp tạo điều kiện đầy đủ cho những người sinh sống và làm việc ở đây.
Nhưng tương tự hai khu D và E, đa số đất tại khu vực này hiện vẫn là ao hồ, đầm lầy, người dân nơi đây sinh sống bằng nghề nuôi cá, tôm, kinh doanh dịch vụ câu cá, buôn bán nhỏ lẻ...
Khu B - Khu Làng đại học đã dần thành hình
Mặc dù chưa được quy hoạch chi tiết để phát triển nhưng nếu nhìn vào hiện trạng khu B ngày nay, có thể thấy khu vực này cũng đã dần thành hình là một khu làng đại học với sự xuất hiện của 2 ngôi trường quốc tế là RMIT của Australia và VFIS của Phần Lan.
Cùng với đó là hàng trăm căn biệt thự nằm ven sông được quy hoạch khang trang nằm cạnh rạch Ông Lớn và rạch Đĩa.
Phân hiệu của Đại học RMIT được thành lập vào năm 2001, nằm ngay mặt tiền Đại lộ Nguyễn Văn Linh. Đa phần học phí 4 năm học các ngành tại đây rơi vào khoảng gần 42.000 USD (tương đương hơn 1 tỷ đồng), đồng nghĩa sinh viên phải đóng gần 335 triệu đồng mỗi năm.
Đến năm 2016, Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan (VFIS) cũng được thành lập. Nhìn từ trên cao có thể thấy trường gồm 10 tòa nhà chụm lại thành hình con rùa. Đại diện nhà trường cho biết khi xây dựng, các kiến trúc sư Phần Lan rất chú trọng không gian chung, mang nhiều tiện ích.
Để con có thể học tập tại môi trường như Phần Lan tại Việt Nam, phụ huynh phải đóng khoản học phí gần 436 triệu đồng/năm đối với hệ quốc tế và hơn 235 triệu đồng/năm đối với hệ song ngữ. Đây chỉ là mức học phí cấp tiểu học. Lớp học tiêu chuẩn của trường có sỉ số không vượt quá 25 em.
Khu B - Khu Làng đại học với diện tích 95 ha được bao bọc bởi rạch Ông Lớn và rạch Đĩa. Đây là khu ứng dụng mô phỏng đầu tiên tại Việt Nam lấy ý tưởng và kinh nghiệm từ công trình hình thành cộng đồng quanh thung lũng Silicon tại San Jose, California, Mỹ và các công viên công nghiệp khoa học tại Đài Loan. |
Phân hiệu của Đại học RMIT (Australia) thành lập tại TP.HCM năm 2001. |
Học phí cấp tiểu học tại Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan (VFIS) lên đến gần 436 triệu đồng/năm đối với hệ quốc tế và hơn 235 triệu đồng/năm đối với hệ song ngữ. |
Khu A - Trung tâm đô thị mới được xem là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của Việt Nam
Hiện tại, khu A đã dần hoàn thiện diện mạo là một khu phức hợp nhà ở, cao ốc văn phòng và tổ hợp thương mại. Đây là nơi nhiều tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở và văn phòng tại Việt Nam như Unilever, Manulife, Porsche, BMW, Toyota... tạo nên một khu thương mại tài chính sầm uất của TP.HCM.
Trong quy hoạch khu A, Phú Mỹ Hưng dành khoảng 46 ha cho khu thương mại tài chính quốc tế. Ước tính, hiện nay có hơn 20 cao ốc đã được đưa vào sử dụng, thu hút hơn 100 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm... Bên cạnh đó, khu đô thị này cũng được phát triển đồng bộ với các dịch vụ giải trí, du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp.
Một trong những công trình đáng chú ý của khu A là Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) đi vào hoạt động từ năm 2008, đến nay vẫn là địa điểm tổ chức của rất nhiều hội nghị, hội thảo, triển lãm lớn ở TP.HCM.
Khu A cũng là nơi tập trung các bệnh viện quốc tế như FV, Việt Mỹ, hay Bệnh viện Tim Tâm Đức...
Hiện nay, Phú Mỹ Hưng cũng là đô thị có tỷ lệ phủ xanh cao nhất tại TP.HCM với mật độ cây xanh bình quân 8,9 m2/người.
Cạnh đó là khu The Crescent nối liền với khu Kênh Đào thông qua cầu Ánh Sao - một trong những cây cầu bộ hành đầu tiên ở Việt Nam. Trục đường chính của hồ Bán Nguyệt có hành lang xây dựng dành riêng cho các hoạt động ngoài trời.
Với sự phát triển đồng bộ về thương mại, tài chính và cơ sở hạ tầng, đây cũng là nơi tọa lạc của những công trình nhà ở có giá trị cao nhất nhì tại TP.HCM. Các căn hộ đang được mở bán có giá sơ cấp quanh mức 100 triệu đồng/m2 và rao bán chuyển nhượng lên đến 130 triệu đồng/m2. Trong khi đó, những căn biệt thự tại đây cũng có giá từ vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng mỗi căn.
Tính đến năm 2023, khu A đã cung cấp cho thị trường hơn 110 dự án nhà ở, với hơn 20.000 sản phẩm. Hiện dân số toàn khu vực vào khoảng 60.000 cư dân, trong đó gần 50% là người nước ngoài.
Đến nay, Phú Mỹ Hưng đã khai thác gần hết quỹ đất tại khu A. Hiện, công ty còn khoảng 10% quỹ đất để phát triển các dự án bất động sản nhà ở và thương mại.
Sau nhiều thập kỉ phát triển, Khu A - Trung tâm đô thị Phú Mỹ Hưng cùng Đại lộ Nguyễn Văn Linh không chỉ tạo sức bật cho khu Nam mà còn là yếu tố quan trọng cho sự phát triển toàn diện của Khu tam giác kinh tế trọng điểm miền Nam gồm TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trong tương lai nếu quá trình triển khai 4 phân khu còn lại được tiến hành, nơi đây sẽ phát triển đồng bộ hơn và đáp ứng đúng tầm nhìn ban đầu của những người khai sinh, thực sự trở thành một trục tăng trưởng mới của trung tâm tài chính - thương mại - công nghệ cao TP.HCM.