Dù nằm cạnh các khu công nghiệp lớn của Đồng Nai và Bình Dương, tuy nhiên vận tải đường thủy nội địa trên tuyến sông Đồng Nai vẫn còn gặp nhiều khó khăn do độ tĩnh không an toàn của các cây cầu thấp, năng lực vận tải chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.
Trong buổi họp giữa Bộ GTVT với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai mới đây, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, hiện nay trên tuyến đường thủy nội địa sông Đồng Nai và sông Sài Gòn có 21 cây cầu bắc qua sông. Các cây cầu này có độ tĩnh không khá thấp, không đồng đều dẫn đến việc hạn chế về năng lực vận tải của các phương tiện.
Một xà lan chở cát đi qua khu vực đang xây mới cầu Ghềnh, đây là khu vực được xác định có bãi đá ngầm rất nguy hiểm khi thủy triều rút. Ảnh: Phước Tuần. |
Theo báo cáo của Cục đường thủy nội địa, sông Đồng Nai đoạn từ cầu Đồng Nai đến ngã ba sông Bé đang có 7 cây cầu gồm cầu Đồng Nai 1, 2, 3; cầu Ghềnh; Hóa An 1, 2; và cầu Thủ Biên. Trên 7 cầu này, tại các khoang thông thuyền, độ tĩnh không thấp nhất là 4 m và cao nhất là 7 m.
Một nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến tai nạn đường thủy trên tuyến sông Đồng Nai chính là những bãi đá ngầm dưới lòng sông. Ông Hoàng Hồng Giang cho biết: “Đoạn sông Đồng Nai qua cầu Ghềnh chỉ 3,5 km mà có tới 7 bãi đá ngầm, dài từ 150 – 800 m tạo ra dòng chảy không ổn định gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông".
Các bãi đá ngầm tập trung ở TP Biên Hòa như tại Cù lao phố (phường Tân Vạn, Biên Hòa), Bửu Hòa (xã Hiệp Hòa, Biên Hoà), ông Nghê (xã Tân Mỹ, huyện Vĩnh Cửu), rạch Bà Đằng (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu), Tân Định (xã Thiện Tân) và bãi đá ngầm Hiếu Liêm (xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu). Với những bãi đá ngầm, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu như người điều khiển phương tiện thủy thiếu quan sát.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết nhằm khai tác tốt hơn tuyến đường thủy nội địa trên sông Đồng Nai, lãnh đạo mong rằng Bộ GTVT sớm có phương án rà soát, thanh thải những bãi đá ngầm nguy hiểm trên tuyến, trước giờ Bộ GTVT chỉ nạo vét cát là chủ yếu chứ không giải tỏa các bãi đá ngầm.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng phấn khởi với thông tin sau khi cầu Ghềnh hoàn thành, các tàu trọng tải lớn có thể lưu thông qua khu vực này, như thế năng lực vận tải của các tàu sẽ tăng lên.
Cảng Cát Lái nằm trên sông Đồng Nai là một trong 3 cảng lớn của ba tỉnh, thành Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM. Việc thanh thải các bãi đá ngầm, nâng tĩnh không các cầu lên sẽ lả cơ hội phát triển vận tải đường thủy nội địa trên tuyến sông này rất lớn. Ảnh: Phước Tuần. |
Trả lời thắc mắc của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về vấn đề này, ông Hoàng Hồng Giang cho biết sẽ sớm thực hiện các phương án nạo vét, phá đá, thanh thải các bãi đá ngầm để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy trên tuyến sông Đồng Nai, nhằm nâng cao năng lực vận tải hàng hóa và tránh những tai nạn đường thủy xảy ra.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, sau khi nâng tĩnh không cầu Ghềnh lên, Cục đường thủy nội địa cần nghiên cứu kết nối giữa các cảng sông tại Bình Dương, Đồng Nai với cảng biển Cát Lái, Thị Vải bằng tuyến đường thủy nội địa để tăng khả năng vận tải hàng hóa, đặc biệt là hàng container các khu công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai và Bình Dương đến các cảng nước sâu.
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh, việc nâng độ tĩnh không an toàn của cầu Ghềnh mới từ 4 m lên 7 m sẽ là cơ hội, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện tàu, thuyền nâng cao năng lực vận tải. Các tàu trọng tải lớn có thể lưu thông qua cầu, tăng năng suất vận chuyển hàng hóa ở phía thượng nguồn sông Đồng Nai.
Ông Nghĩa chỉ đạo thêm Cục đường thủy nội địa cần sớm thanh thản lòng sông, đảm bảo an toàn cho các phương tiện tàu, thuyền lưu thông qua lại khu vực sông Đồng Nai. Đặc biệt là phân luồng, tạo điều kiện cho các tàu, thuyền có trọng tải lớn lưu thông vận tải hàng hòa qua khu vực này, vực dậy kinh tế các địa phương khu vực Đông Nam Bộ.