Năm ngoái, Trung Quốc và Mỹ - hai quốc gia phát thải carbon lớn nhất thế giới - bất ngờ công bố hiệp ước khí hậu chung tại Hội nghị thượng đỉnh COP26 ở Glasgow.
Giờ đây, thành công này đang trong thế bấp bênh khi Trung Quốc tuyên bố ngừng đàm phán vì chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, theo AP.
Các chuyên gia cho rằng động thái này làm tiến trình cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu lệch đà bao xa còn phụ thuộc vào mối quan hệ giữa 2 bên rạn nứt trong khoảng thời gian bao lâu.
“Việc Trung Quốc thông báo ngừng các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng động thái này chắc chắn gây ảnh hưởng”, Joanna Lewis - chuyên gia về Trung Quốc, năng lượng và khí hậu tại Đại học Georgetown - cho biết. “Tôi hy vọng đây chỉ là khoảng thời gian tạm ngưng”.
Không đối thoại nhưng vẫn hành động
Hôm 5/8, đặc phái viên về khí hậu của tổng thống Mỹ John Kerry cho rằng việc ngừng hợp tác trong lĩnh vực khí hậu không chỉ “trừng phạt Mỹ mà còn trừng phạt cả thế giới”, đặc biệt là các nước đang phát triển.
Ông cho rằng chi phí về con người lẫn tài chính sẽ “rất thảm khốc” nếu các quốc gia không thể đặt những khác biệt sang một bên để cùng giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Ông Lewis cho rằng việc Mỹ và Trung Quốc dừng các cuộc đàm phán về khí hậu sẽ đẩy tiến trình tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu toàn cầu vào tháng 11 vào thế bế tắc, đặc biệt là hợp tác trực tiếp trong các vấn đề kỹ thuật hóc búa liên quan đến giảm phát thải khí metan.
Giới phân tích cho rằng trong khi hội nghị thượng đỉnh quan trọng về khí hậu sắp diễn ra, còn các quốc gia trì hoãn cam kết đưa ra tại Glasgow, thì việc thiếu đi sự gắn kết giữa 2 siêu cường có thể ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán và làm giảm tham vọng về khí hậu của các quốc gia khác, theo Reuters.
"Nhiều người lo ngại căng thẳng Mỹ - Trung sẽ là cái cớ để những quốc gia khác không tiến lên", Bernice Lee - Giám đốc điều hành Trung tâm Kinh tế Tài nguyên Bền vững tại Viện chính sách Chatham House (Anh) - cho biết. "Điều quan trọng là cộng đồng quốc tế - đặc biệt là các nước đang phát triển dễ bị tổn thương - tiếp tục đảm bảo những quốc gia có phát thải lớn làm theo những gì họ đã hứa".
Công trình lắp đặt tấm năng lượng mặt trời tại tỉnh Sơn Tây, miền Trung Trung Quốc. Ảnh: AP. |
Trong khi đó, một số chuyên gia khác cho rằng việc hai quốc gia không đối thoại với nhau không có nghĩa là họ không hành động.
“Những gì Mỹ và Trung Quốc thực sự cần làm để hạn chế khí thải là thực hiện các hành động mạnh mẽ trong nước. Tôi cho rằng động lực để 2 nước hành động không đến từ áp lực đàm phán quốc tế”, Deborah Seligsohn - chuyên gia về chính trị và năng lượng Trung Quốc tại Đại học Villanova - nhận định.
Alden Meyer - nhà phân tích về đàm phán về khí hậu của tổ chức tư vấn độc lập E3G - cho rằng khả năng cao là Mỹ, và sau đó là Trung Quốc, sẽ mạnh tay hạn chế phát thải khí độc hại, ngay cả khi hai bên không đối thoại với nhau.
Ngày 7/8, Thượng viện Mỹ đã thông qua "Đạo luật Giảm lạm phát", với 51 phiếu thuận và 50 phiếu chống. Dự luật này liên quan đến việc chống biến đổi khí hậu, giảm giá thuốc kê đơn và tăng một số loại thuế doanh nghiệp.
Gọi đây là “dự luật khí hậu quan trọng nhất từ trước đến nay” của Mỹ, Nigel Purvis - Giám đốc điều hành Climate Advisers - nói rằng việc thông qua dự luật mang ý nghĩa lớn lao hơn cả các cuộc đàm phán song phương.
"Trung Quốc sẽ cần phải có hành động phù hợp với dự luật biến đổi khí hậu mới mà Quốc hội Mỹ đưa ra, ngay cả khi các cuộc đàm phán về khí hậu bị tạm ngừng", ông nói.
Các chuyên gia cho rằng các cam kết đầu tư công vào phát triển và thương mại hóa công nghệ sạch, tiên tiến sẽ thu hút được sự chú ý của Trung Quốc. Họ đưa ra nhận định trên bởi Trung Quốc hy vọng nước này sẽ thống trị thị trường năng lượng sạch toàn cầu.
Áp lực trong nước có thể buộc Trung Quốc tiếp tục giải quyết vấn đề khí thải. Các nhà phân tích cho biết Trung Quốc có thể tiến hành kế hoạch cắt giảm khí metan.
"Hiện giới hoạch định chính sách ở Trung Quốc nỗ lực rất lớn để đưa ra kế hoạch nội địa hạn chế phát thải khí metan. Ngay cả khi sự can dự quốc tế tạm dừng, cuộc chiến trong nước này vẫn sẽ không dừng lại vì đây là phần rất lớn trong kế hoạch chiến lược của Trung Quốc nhằm kiểm soát khí thải", ông Lewis nói trong cuộc phỏng vấn với Reuters.
Lĩnh vực đồng thuận hiếm có
Trong khi Thượng viện Mỹ thông qua đạo luật khí hậu quan trọng nhất trong năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060 tại cuộc họp của Liên Hợp Quốc vào tháng 9/2020. Năm 2021, ông Tập cũng cam kết Trung Quốc sẽ ngừng xây dựng dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài.
Do thể chế khác nhau, điều quan trọng với Trung Quốc là đưa ra các mục tiêu ở cấp cao nhất, trong khi với Mỹ, trọng tâm là thông qua dự luật, theo chuyên gia Seligsohn.
"Một điểm đáng chú ý là cả Mỹ và Trung Quốc thực hiện các hành động chống biến đổi mạnh tay ngay vào thời điểm cả hai không ngừng gia tăng cạnh tranh", Scott Moore, Giám đốc Chương trình Trung Quốc và Sáng kiến Chiến lược tại Đại học Pennsylvania, nói.
Ông Meyer cho biết chưa rõ tuyên bố cắt đứt đàm phán khí hậu của Trung Quốc sẽ chỉ áp dụng cho cấp cao, hay sẽ liên quan tới nghiên cứu và hợp tác ở mọi cấp. Ông cho rằng nếu các cuộc đàm phán đa phương vẫn tiếp tục - như ở G20 - thì đây sẽ là dấu hiệu khả quan.
Ông John Kerry và ông Giải Chấn Hoa - hai quan chức về vấn đề khí hậu lần lượt của Mỹ và Trung Quốc - tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ hôm 24/5. Ảnh: AP. |
Trong lịch sử, các thỏa thuận về khí hậu thường được thử nghiệm bởi Bắc Kinh và Washington. “Khi Mỹ và Trung Quốc tìm thấy điểm chung, họ có xu hướng cung cấp mô hình này cho phần còn lại của thế giới”, ông Purvis nói.
Theo ông Meyer, thỏa thuận chung chống lại biến đổi khí hậu giữa Mỹ và Trung Quốc năm 2014 “thực sự giúp đặt nền tảng” cho Thỏa thuận Paris năm 2015. Thỏa thuận Paris 2015 là nơi gần như mọi quốc gia cam kết hạn chế phát thải, ông Meyer nói.
7 năm sau đó, Mỹ và Trung Quốc đã cố gắng gạt bất đồng và đưa ra một thỏa thuận khí hậu quốc tế khác tại COP26.
Cho đến nay, ngoại giao khí hậu vẫn là lĩnh vực đối thoại hiếm có, thậm chí là mang tính xây dựng và hợp tác, của ông Biden và ông Tập, giữa một loạt những bất đồng trên nhiều lĩnh vực giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ông John Kerry và ông Giải Chấn Hoa - hai lãnh đạo cấp cao trong hai chính phủ - thường xuyên điện đàm và xuất hiện cạnh nhau trong các sự kiện toàn cầu.
Tuột mất lĩnh vực hợp tác này là tín hiệu mạnh mẽ từ Trung Quốc, theo ông Moore.
“Khí hậu là vấn đề mà cả hai bên đều nỗ lực cố gắng tách biệt hoàn toàn với những căng thẳng trong mối quan hệ giữa 2 bên”, chuyên gia từ Đại học Pennsylvania cho biết. “Nhưng hiện giờ, điều này có vẻ không còn khả thi nữa”.
Một số người lại cho rằng ngừng đàm phán có thể chỉ là vấn đề trong ngắn hạn, bởi Mỹ và Trung Quốc vẫn hợp lực ngay cả khi quan hệ lên xuống trong nhiều năm qua.
"Mối quan hệ này luôn có lúc thăng lúc trầm", ông Meyer nói. "Tôi nghĩ điều khó đoán ở đây là liệu động thái đó là chiến thuật ngắn hạn của Bắc Kinh nhằm thu hút sự chú ý của Washington, hay là một phần điều chỉnh chiến lược lớn hơn, dài hạn hơn của Trung Quốc?".