Chuyến đi của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi được thông báo nhằm thể hiện sự ủng hộ của Mỹ dành cho Đài Loan (Trung Quốc) trong bối cảnh Bắc Kinh gia tăng sức ép chính trị, quân sự lên hòn đảo.
Nhưng ngay tại Washington, nhiều ý kiến cho rằng chuyến thăm đã phản tác dụng, trao cho Bắc Kinh cơ hội phô diễn sức mạnh quân sự, khiến Đài Loan trở nên mong manh hơn trong cuộc đối đầu giữa hai siêu cường, theo Financial Times.
Đài Loan giữa căng thẳng
Ngay sau khi bà Pelosi rời Đài Loan, quân đội Trung Quốc đã đưa ra khuyến cáo không đi lại ở vùng trời, vùng biển 6 khu vực quanh hòn đảo và tổ chức tập trận bắn đạn thật. Đây là những tuyến hàng hải, hàng không cực kỳ đông đúc, có ý nghĩa quan trọng với giao thương khu vực và thế giới.
Hành động của Bắc Kinh là điều chưa từng có tiền lệ, bởi trước đây Trung Quốc luôn tránh làm gián đoạn hoạt động thương mại ở khu vực. Phía Đài Bắc bất bình với động thái này.
Máy bay chiến đấu Trung Quốc hoạt động tại khu vực gần Đài Loan hôm 4/8. Ảnh: Reuters. |
Giới chuyên gia cho rằng Bắc Kinh muốn sử dụng các cuộc tập trận nhằm làm lung lay ý chí kháng cự của Đài Loan vốn dựa trên sức mạnh về vai trò kinh tế của hòn đảo. Động thái của Bắc Kinh sẽ đe dọa vai trò trung tâm của Đài Loan trong chuỗi cung ứng sản phẩm công nghệ cao toàn cầu.
Bắc Kinh cũng muốn gây sức ép và tạo ra những nghi vấn đối với ý chí và khả năng hỗ trợ Đài Loan của Washington nếu xung đột quân sự thực sự nổ ra.
Gary Roughead, cựu Đô đốc Hải quân Mỹ, cho biết các cuộc tập trận mà Trung Quốc thực hiện ngày 4-7/8 sẽ làm thay đổi căn bản bối cảnh quân sự khu vực.
"Trung Quốc đã có sẵn kế hoạch, phản ứng của họ ở quy mô lớn hơn bất cứ tình huống nào trước đây", ông Roughead nói.
Kỷ nguyên mới tại eo biển Đài Loan?
John Culver, cựu quan chức CIA chuyên nghiên cứu về Trung Quốc, nhận định quan hệ Mỹ - Trung đã bước vào một "kỷ nguyên mới", sau khi Bắc Kinh lần đầu thử nghiệm tên lửa bay qua không phận Đài Loan, cũng như cho thấy khả năng điều khiển hữu hiệu các vùng biển ở khu vực.
"Những gì chúng ta đang nhìn thấy là một nguyên trạng mới. Tôi không biết khi nào tình trạng này sẽ chấm dứt, có thể một hoặc ba ngày tập trận quanh Đài Loan, nhưng rõ ràng một thời kỳ mới đã bắt đầu. Những cuộc tập trận như vậy có thể trở thành một tiêu chuẩn mới mà Trung Quốc thường xuyên tiến hành", ông Culver nói.
Đến nay, gián đoạn đáng chú ý nhất do các cuộc tập trận của Trung Quốc chỉ là một số chuyến bay và tàu bè đến Đài Loan phải điều chỉnh lộ trình.
Các chuyên gia cho rằng quân đội Trung Quốc vẫn chưa đạt đến khả năng gây sức ép quá lâu cho Đài Loan, nhưng đồng thời cảnh báo những hoạt động tương tự có thể lặp lại.
Đường bay của tên lửa Trung Quốc trong cuộc diễn tập ngày 4/8. Đồ họa: New York Times. |
"Nếu Trung Quốc tuyên bố đợt tập trận thứ hai, thậm chí thứ ba, tình thế sẽ khác. Vận chuyển tàu biển qua khu vực xung đột sẽ tăng chi phí bảo hiểm, có thể dẫn tới chậm trễ, thậm chí gián đoạn", Christopher Twomey, chuyên gia Học viện Hải quân Mỹ, nhận định.
Các cuộc tập trận lúc này được Trung Quốc miêu tả là đòn trả đũa chuyến đi của bà Pelosi. Nhưng có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đã lên kế hoạch các hoạt động quân sự nhằm phô trương thanh thế từ nhiều tháng trước.
Theo cơ quan tình báo Đài Loan, Bắc Kinh đã đưa ra những đe dọa quyết liệt ngay khi xuất hiện thông tin bà Pelosi có ý định thăm hòn đảo vào tháng 4.
"Đây là cơ hội để họ (Trung Quốc) làm những gì họ coi là cần thiết trong đào tạo quân đội, điều vốn là bất khả thi về mặt chính trị. Bình thường, việc bắn một tên lửa qua bầu trời hòn đảo nếu không bị khiêu khích có thể dẫn tới phản ứng dữ dội", một quan chức Đài Loan nói.
Bất chấp các động thái quyết liệt hiện nay, các chuyên gia nhận định khả năng nổ ra xung đột thực sự là thấp, dù rằng vẫn có nguy cơ tính toán sai lầm từ các bên.
Tuy vậy, điều khiến giới chức Đài Loan cũng như phương Tây lo ngại là Bắc Kinh sử dụng lực lượng để thiết lập một nguyên trạng mới quanh hòn đảo. Trong những tháng gần đây, giới chức quân sự Trung Quốc đã hơn một lần tuyên bố eo biển Đài Loan - tuyến vận chuyển hàng hóa tối quan trọng của thế giới - không phải là vùng biển quốc tế.
"Chuyến đi của bà Pelosi có thể bị lấy làm cái cớ để họ (Trung Quốc) thay đổi nguyên trạng như từng xảy ra ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư", một quan chức phương Tây cảnh báo.
Tên lửa Đông Phong được Trung Quốc sử dụng trong cuộc tập trận tuần qua. Ảnh: Reuters. |
Những lựa chọn của Mỹ
Ngay từ trước khi bà Pelosi lên đường đến châu Á, đã có những tiếng nói trong nội bộ Trung Quốc cho rằng Mỹ đang dần phớt lờ nguyên tắc Một Trung Quốc.
Kể từ khi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan năm 1979, chính phủ Mỹ đã chính thức thừa nhận chính sách Một Trung Quốc và cam kết tôn trọng.
Nhưng từ thời cựu Tổng thống Donald Trump đến nay, cách tiếp cận của Washington với Đài Bắc bắt đầu thay đổi, như nới lỏng việc hạn chế quan chức Mỹ gặp gỡ quan chức Đài Loan.
Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tiếp bà Nancy Pelosi. Ảnh: Reuters. |
Dù Nhà Trắng tiếp tục khẳng định không ủng hộ Đài Loan độc lập, Tổng thống Biden đã cảnh báo Mỹ sẽ can thiệp nếu Trung Quốc định dùng vũ lực thu hồi hòn đảo.
Theo ông Roughead, những diễn biến tuần qua tô đậm nhu cầu cấp thiết tăng cường lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương. Nhưng ông Roughead đồng thời cảnh báo Washington có nguy cơ mất tập trung với Đài Loan bởi các vấn đề chính trị nội bộ.
Việc quân đội Trung Quốc nhanh chóng hiện đại hóa, thể hiện rõ nhất trong các hoạt động vừa qua, đã thu hẹp đáng kể khả năng phản ứng nhanh của quân đội Mỹ.
"Bởi sự thay đổi trong cán cân quân sự, Mỹ đối mặt thách thức lớn khi tìm cách gửi thông điệp răn đe phù hợp tới Trung Quốc hay trấn an các đồng minh", Christopher Twomey, chuyên gia Học viện Hải quân Mỹ, nhận định.
Các chuyên gia cho rằng Washington cần khẩn trương viện trợ quân sự, phối hợp với Tokyo, nhằm củng cố khả năng phòng vệ của Đài Loan.