Từ những ngày đầu chính quyền Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch rút khỏi đại lục, chuyển về Đài Loan vào cuối năm 1949, hai bờ eo biển Đài Loan đã liên tục là điểm nóng địa chính trị của thế giới.
Tại điểm hẹp nhất của eo biển, hai bờ giữa Đài Loan và đại lục chỉ cách nhau 130 km. Eo biển Đài Loan là tuyến vận chuyển quốc tế lớn của châu Á nói riêng và thế giới nói chung. Những tháng qua, căng thẳng chính trị, quân sự giữa hai bên ngày một tăng cao.
Hôm 2/8, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới thăm chính thức Đài Loan. Từ khi thông tin chuyến đi chỉ mới manh nha, Trung Quốc đã liên tiếp đưa ra những tuyên bố với mức độ ngày một gay gắt.
Khi bà Pelosi đặt chân tới sân bay Tùng Sơn tối 2/8, Bắc Kinh thông báo hàng loạt cuộc tập trận bắn đạn thật trên vùng trời và vùng biển Đài Loan.
Nhưng chuyến đi tới Đài Bắc lần này của bà Pelosi không phải lần đầu tiên khủng hoảng xảy ra giữa hai bờ eo biển. Trong quá khứ, đã có ít nhất 3 lần căng thẳng giữa Đài Loan và Trung Quốc sục sôi, theo AFP.
Khủng hoảng Đài Loan lần thứ nhất
Vào cuối nội chiến 1949, quân giải phóng nhân dân Trung Quốc do Chủ tịch Mao Trạch Đông lãnh đạo đã đẩy lui hoàn toàn lực lượng Quốc Dân đảng khỏi đại lục.
Ở đại lục, đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, hay nước Trung Quốc ngày nay.
Trong khi đó, Quốc Dân đảng rút về Đài Loan, lập chính quyền, quản trị hòn đảo cho đến hiện tại. Đài Loan đến nay được đa phần cộng đồng quốc tế công nhận là một phần lãnh thổ hợp pháp của Trung Quốc đại lục.
Cuộc khủng hoảng đầu tiên giữa hai bờ eo biển Đài Loan nổ ra tháng 8/1954. Thời điểm đó, lực lượng Quốc Dân đảng triển khai hàng nghìn binh sĩ tại hai đảo Kim Môn và Mã Tổ, nơi chỉ cách bờ biển đại lục vài km.
Lực lượng Đài Loan trên đảo Kim Môn trong cuộc khủng hoảng năm 1954. Ảnh: Getty. |
Quân đội Trung Quốc phản ứng bằng cách pháo kích hai 2 hòn đảo Kim Môn và Mã Tổ, đồng thời triển khai lực lượng tiến đánh quần đảo Nhất Giang San, cách Đài Bắc 400 km về phía bắc.
Cuộc khủng hoảng lần thứ nhất đã đẩy Trung Quốc và Mỹ tiến sát một cuộc xung đột quân sự trực tiếp, trước khi được các bên tháo ngòi căng thẳng tháng 1/1955.
Kết quả, Trung Quốc giành quyền kiểm soát quần đảo Nhất Giang San và Đại Trần từ tay lực lượng Quốc Dân đảng.
Khủng hoảng Đài Loan lần hai
Giao tranh giữa quân đội Trung Quốc và lực lượng Đài Loan nổ ra một lần nữa năm 1958. Trong nỗ lực đánh bật lực lượng Đài Loan tại Kim Môn và Mã Tổ, quân đội Trung Quốc đã pháo kích vào hai đảo này.
Lo ngại việc mất Kim Môn và Mã Tổ có thể tạo ra phản ứng dây chuyền, dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền tại Đài Loan, Tổng thống Dwight Eisenhower ra lệnh cho quân đội Mỹ ở khu vực chi viện và tiếp tế hậu cần cho lực lượng Đài Loan.
Lãnh đạo Quốc Dân đảng Tưởng Giới Thạch và Ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles. Ảnh: Getty. |
Thậm chí, đã có thời điểm Washington cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân nhắm vào Trung Quốc, tuy nhiên vũ khí này đã không bao giờ được triển khai.
Thất bại trong việc kiểm soát hai đảo Kim Môn và Mã Tổ, cũng như việc pháo kích không thể khuất phục lực lượng Đài Loan, Bắc Kinh sau đó tuyên bố ngừng bắn.
Dù vậy, các vụ pháo kích lẻ tẻ nhắm vào Kim Môn vẫn tiếp tục diễn ra cho tới năm 1979.
Khủng hoảng Đài Loan lần ba
Sau cuộc khủng hoảng lần thứ hai, cả Đài Loan và Trung Quốc đều trải qua những thay đổi to lớn.
Năm 1971, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết 2758, theo đó công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính quyền đại diện hợp pháp duy nhất của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc. Trước đó, tư cách này thuộc về chính quyền Đài Loan.
Tại đại lục, dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình, Bắc Kinh bình thường hóa quan hệ với Mỹ và phương Tây. Từ đó, Trung Quốc mở cửa nền kinh tế, trải qua thời kỳ cải cách và phát triển mạnh mẽ.
Trong khi đó, sau khi Tưởng Giới Thạch qua đời năm 1975, nền chính trị Đài Loan dần chuyển sang mô hình dân chủ hơn. Năm 1996, cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên được tổ chức tại Đài Loan.
Năm 1995, căng thẳng giữa hai bờ eo biển một lần nữa nổ ra khi Trung Quốc phóng hàng loạt tên lửa vào vùng biển quanh Đài Loan. Đây là động thái nhằm phản đối nhà lãnh đạo Đài Loan khi đó, ông Lý Đăng Huy, thăm Đại học Cornell ở Mỹ - nơi ông Lý từng theo học.
Cố lãnh đạo Đài Loan Lý Đăng Huy. Ảnh: AP. |
Lý Đăng Huy là nhân vật đặc biệt không được lòng Bắc Kinh. Ông Lý là người ủng hộ tư tưởng độc lập, đồng thời cũng là nhà lãnh đạo đã thúc đẩy hàng loạt cải cách trong hệ thống chính trị của hòn đảo.
Năm 1996, khi Đài Loan lần đầu tổ chức bầu cử trực tiếp chức danh lãnh đạo, Trung Quốc tiến hành thêm nhiều vụ phóng tên lửa khác.
Màn răn đe của Bắc Kinh cuối cùng dẫn đến phản ứng của Mỹ. Tổng thống Bill Clinton khi đó ra lệnh điều động 2 nhóm tác chiến tàu sân bay tới eo biển Đài Loan, buộc Bắc Kinh dừng các động thái gây sức ép.
Ông Lý Đăng Huy sau đó chiến thắng trong bầu cử năm 1996 với tỷ lệ ủng hộ áp đảo đối thủ của đảng Dân Tiến. Một năm sau đó, Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich trở thành lãnh đạo Hạ viện Mỹ đầu tiên thăm Đài Loan.