Trái ngược với 9 tháng đầu năm 2017, quý cuối cùng của năm ghi nhận lợi nhuận ròng của SASCO giảm tới 23% so cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, SASCO thu về 668 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý IV, tăng 17% so với cùng kỳ, nhưng lãi ròng sau thuế lại giảm 23%, chỉ đạt 81 tỷ đồng.
Lợi nhuận giảm mạnh chủ yếu đến từ việc doanh nghiệp không còn nhận được lợi nhuận từ chuyển nhượng vốn trong kỳ. Các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng so với cùng kỳ khiến lợi nhuận trong quý sụt giảm. Cùng với đó, cổ tức, lợi nhuận được chia cũng giảm hơn.
Tuy nhiên, trong kỳ SASCO cũng được hoàn nhập giảm giá chứng khoán kinh doanh và tổn thất đầu tư, chi phí khấu hao tài sản cố định... giúp chi phí tài chính giảm hơn 90 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu của SASCO, nguồn thu chính vẫn đến từ mảng bán hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, đóng góp 352 tỷ đồng, tương đương hơn 52% tổng doanh thu thuần. Hoạt động phòng khách mang về 94 tỷ đồng quý IV và doanh thu từ hàng hóa tại trung tâm thương mại và các chi nhánh khác đạt 92 tỷ đồng.
Hiện tại, SASCO có vốn tại hàng loạt công ty liên kết với giá trị nắm giữ dưới 50%, như Công ty TNHH Phú Quốc – SASCO, CTCP Thương mại Xăng dầu Tân Sơn Nhất, CTCP Nhà Việt (Viethaus), Công ty TNHH SASCO Land…
Trong cơ cấu cổ đông hiện nay của SASCO, ông Jonathan Hạnh Nguyễn đang nắm giữ tới 44% cổ phần, thông qua một số DN gia đình như: Tập đoàn Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP Group), Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) và Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu (ACFC).
Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vẫn là cổ đông lớn nhất, sở hữu 49,07% cổ phần.
Ông Hạnh Nguyễn được bầu vào HĐQT SASCO từ giữa năm 2016 sau thời gian dài thâu tóm cổ phần tại đây. Vợ ông Hạnh Nguyễn là bà Lê Hồng Thủy Tiên hiện cũng là thành viên HĐQT SASCO.
SASCO hiện là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại tại sân bay lớn nhất cả nước, với các nguồn thu chính gồm: kinh doanh hàng miễn thuế, dịch vụ phòng khách sân bay, bán lẻ tại trung tâm thương mại.