Thanh tra Chính phủ mới đây đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hoá, thoái vốn và tái cơ cấu Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trong giai đoạn 2012-2015.
Giao đất quốc phòng mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất không đúng
Trong kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra tại Công ty mẹ ACV, công ty đã sử dụng không đúng nguồn vốn để xây dựng Dự án đường lăn E6 ở sân bay Đà Nẵng với giá trị 297 tỷ đồng giai đoạn 2012-2015. Việc dùng sai nguồn vốn này khiến phần chi phí dùng để đầu tư đã không được tính là chi phí hợp lý để tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Vì vậy, ACV phải nộp bổ sung gần 63 tỷ đồng thuế TNDN.
Cùng với đó, đến ngày 31/3/2016, ACV mới ghi tăng tài sản Dự án đường lăn E6 với giá trị 297 tỷ đồng nên giá trị các tài sản của Nhà nước được loại ra khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa không đúng. “Trách nhiệm thuộc về ACV”, kết luận nêu rõ.
Trong việc quản lý, sử dụng đất, đến thời điểm ACV chuyển sang công ty cổ phần, cảng vụ chưa hoàn thành thủ tục giao hơn 2.888 ha đất và chưa ký hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm với trên 197 ha. Điều này dẫn đến ACV thiếu cơ sở để nộp tiền thuê đất vào NSNN với số tiền 330 tỷ đồng. Ngoài ra, 11 cảng hàng không chưa được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với hơn 7.225 ha.
Sân bay Tân Sơn Nhất, nằm ngay cạnh là một sân golf. Ảnh minh họa: Lê Quân. |
Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện ACV và một số chi nhánh cảng hàng không cho thuê lại đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất sai mục đích, không đúng quy định của Nhà nước với tổng diện tích 2.931 ha.
Đặc biệt khi thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng 7,63 ha đất quốc phòng để mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Quốc phòng thực hiện việc thu hồi và giao đất không đúng chức năng, thẩm quyền theo quy định, thực hiện tính tiền đền bù của Bộ Xây dựng làm tăng sai quy định giá trị thực tế công trình thêm 61,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số vị trí đất do ACV, SASCO đang quản lý, sử dụng nhưng chưa hoàn thiện thủ tục giao, thuê đất...
Thu tiền ôtô đưa đón khách không đúng quy định
Về việc quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, theo Thanh tra Chính phủ, ACV đã ghi tăng giá trị tài sản khi chưa đủ điều kiện và thực hiện trích khấu hao tài sản cố định không đúng quy định hơn 70 tỷ đồng. Do đó, ACV phải nộp bổ sung hơn 15,5 tỷ đồng thuế TNDN.
Bên cạnh đó, ACV đã không thực hiện đấu thầu mà thay vào đó là chỉ định thầu cho thuê hầu hết mặt bằng để kinh doanh dịch vụ tại các cảng hàng không từ năm 2010. Chỉ tính riêng giai đoạn 2014-2015, công ty đã ký 803 hợp đồng với số tiền lên tới 701 tỷ đồng qua hoạt động này.
Xe taxi xếp hàng dài đón, trả khách tại đường vào nhà ga hàng không Nội Bài. Ảnh minh họa: Quang Thắng. |
Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra việc thu tiền sử dụng sân đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với ôtô đưa đón trả khách tại 21 chi nhánh cảng hàng không là không đúng quy định của pháp luật về đất đai do không phải nộp tiền sử dụng đất.
Cụ thể, từ 1/1/2012 đến 31/12/2015, 19/21 cảng hàng không đã thu số tiền dịch vụ sân đường lên tới 551 tỷ đồng.
Hàng loạt vi phạm cổ phần hóa, thoái vốn
Kết luận cũng chỉ ra từ 1/7/2014 đến 31/12/2015, ACV đã vi phạm một số quy định với giá trị lên tới 903 tỷ đồng. Do đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị truy thu 692 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp tại đây.
Trong quá trình lập phương án giá thuê tài sản khu bay trình Bộ GTVT, ACV còn đưa thiếu giá trị tài sản cố định đã đầu tư mới từ 30/6/2014 đến 31/3/2016, trong đó có Dự án đường lăn E6 trị giá 297 tỷ đồng. Điều này dẫn đến chi phí thuê hàng năm được đề xuất là 31 tỷ đồng chỉ bằng 1/10 chi phí khấu hao tài sản. Đến nay, ACV mới khắc phục một phần bằng việc ghi tăng tài sản cố định thêm 297 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra công tác quyết toán cổ phần hóa tại ACV vẫn còn chậm, chưa xử lý kịp thời những tồn tại về tài chính, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược…
Trong một số dự án, ACV và các đơn vị liên quan còn một số vi phạm làm tăng chi phí dự án, tổng mức đầu tư dự án vượt nguồn vốn theo kế hoạch được phê duyệt hơn 73,6 tỷ đồng.
Đặc biệt, tại gói thầu số 10A và 10B thuộc Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (sử dụng vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản). Chủ đầu tư là ACV miền Bắc đã đấu thầu nhưng không có tính cạnh tranh về kỹ thuật, năng lực và giá gói thầu làm tăng giá gói thầu cao hơn giá dự toán 2 gói thầu là 5,7 tỷ JPY, tương đương hơn 1.450 tỷ đồng.
Trên cơ sở phát hiện các sai phạm, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý số tiền là 3.652 tỷ đồng và 7.225,1 ha đất. Đến nay, ACV đã thực hiện xử lý vi phạm về tài chính tổng cộng 1.158 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng loạt vi phạm tại công ty SASCO cũng được chỉ ra với số tiền hàng chục tỷ đồng.