Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Henry Ford thay đổi lối sống Mỹ với ôtô

Henry Ford sử dụng dây chuyền lắp ráp để sản xuất hàng loạt chiếc xe thành công nhất thế giới.

Ford đã thành công với sứ mệnh đưa xe hơi đến với mọi người, và từ đó thay đổi lối sống của người Mỹ. Tranh trong sách.

Năm 1891, khi chiếc xe hơi hiện đại đầu tiên được chế tạo, Henry Ford đang là một kỹ sư trẻ làm việc tại Detroit, Mỹ, không xa trang trại nơi ông sinh ra. Hầu hết mọi người vẫn làm nông. Ford là một trong những người góp phần thay đổi điều này, biến Mỹ thành một quốc gia công nghiệp.

Đến năm 1896, Ford đã chế tạo chiếc ôtô đầu tiên của mình. Năm 1903, ông thành lập Ford Motor Company. Vào thời điểm đó, xe hơi được chế tạo từng chiếc và rất đắt đỏ, vì vậy, chúng chỉ dành cho người giàu. Ford nhận thấy ông có thể giảm chi phí bằng cách sản xuất chỉ một loại ôtô.

Năm 1908, ông cho ra mắt “một chiếc xe hơi dành cho quần chúng vĩ đại” - chiếc Model T. Nhu cầu đối với “Tin Lizzie”, biệt danh của chiếc xe, đã sớm vượt quá nguồn cung và Ford phải chuyển sang một nhà máy tại Highland Park, ngay bên ngoài Detroit. Ngay cả ở đây, mọi người vẫn phải di chuyển từ xe này sang xe khác để lắp ráp từng bộ phận. Và thời gian đi lại là thời gian họ không làm việc.

Ford muốn tìm một phương pháp sản xuất nhanh hơn, ít tốn kém hơn. Trong ngành công nghiệp sản xuất thịt ở Mỹ, công nhân đứng yên trong khi thịt được di chuyển chậm rãi qua họ. Năm 1913, Ford đã thử nghiệm ý tưởng “dây chuyền lắp ráp” này để sản xuất một số bộ phận của Model T. Sản lượng của bộ phận này tăng 300%, vì vậy, ông quyết định sản xuất toàn bộ chiếc xe trên một dây chuyền lắp ráp.

Henry Ford anh 1

Chiếc Model T Tourer năm 1916. Ảnh trong sách.

Thay vì mất thời gian đi lại trong nhà máy, các công nhân dành toàn bộ thời gian để lắp ráp các bộ phận vào xe hơi. Mỗi công nhân chỉ thực hiện một thao tác và tốc độ của họ tùy thuộc vào tốc độ của dây chuyền.

Đến tháng 4 năm 1914, Ford đã cắt giảm thời gian sản xuất một chiếc xe hơi từ 12 giờ lao động xuống còn 1 giờ rưỡi. Chẳng bao lâu sau, cứ 24 giây thì một chiếc xe hơi ra đời. Model T trở thành chiếc xe thành công nhất thế giới, với tổng số lượng đạt hơn 15 triệu chiếc.

Tuy nhiên, dây chuyền lắp ráp cũng có những nhược điểm. Làm việc theo cách này rất căng thẳng nên công nhân thường bỏ việc. Ford giải quyết vấn đề này bằng cách tăng gấp đôi lương cho công nhân và giảm số giờ lao động. Nghe có vẻ điên rồ nhưng đó lại là một sự trao đổi hợp tình hợp lý. Ford nhận ra nhân viên của mình cũng có cuộc sống riêng. Nhờ các giải pháp mới của ông, họ cũng sớm mua được xe.

Henry Ford đã hướng tới một tương lai trong đó các phương thức sản xuất hiệu quả sẽ làm cho mọi người trở nên giàu có. Cuối cùng thì nhà máy của ông nhập nguyên liệu thô ở đầu này và cho ra những chiếc xe thành phẩm ở đầu kia.

Từ năm 1908 đến năm 1927, cứ hai chiếc xe được sản xuất trên thế giới thì có một chiếc là Model T. Với kết cấu chắc chắn và giá thành rẻ, đây là mẫu xe lý tưởng cho vùng nông thôn ở Mỹ.

Tất nhiên, câu chuyện của Ford không kết thúc với Model T. Các thiết kế sau này bao gồm Edsel thon gọn, Mustang thể thao và GT40, được thiết kế ở Anh và dùng cho các cuộc đua tầm cỡ.

Những chiếc xe hơi đầu tiên có thân xe được bắt vít vào một khung gầm riêng biệt, nhưng thân xe ngày nay chỉ gồm một khung thép tự chịu lực duy nhất. Suốt nhiều năm, khung xe được các công nhân lành nghề hàn lại với nhau bằng tay, nhưng ngày nay những công việc nặng nhọc lặp đi lặp lại như vậy do robot đảm nhận, như tại nhà máy của Ford ở Ontario, Canada.

Roger Bridgman / Zenbooks và NXB Dân trí

SÁCH HAY