Isak Dinesen là tên của nữ nhà văn được Ernest Hemingway nhắc đến trong một cuộc phỏng vấn sau sự kiện công bố giải Nobel Văn học năm 1954.
Hemingway đã nói: “Hôm nay, tôi hạnh phúc - hạnh phúc hơn nữa - nếu giải thưởng ấy được trao cho nhà văn nữ xuất sắc Isak Dinesen...”.
Peter Englund, Thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển, từng nhận xét việc bà không được trao giải Nobel Văn học trong thập kỷ 1930 là "một sai lầm".
Mới đây, Châu Phi nghìn trùng - tác phẩm nổi tiếng của bà - đã được xuất bản tại Việt Nam.
Sách Châu Phi nghìn trùng. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam. |
Châu Phi nghìn trùng là cuốn hồi ức được nhà văn viết bằng tiếng Anh năm 1937. Ngay khi cuốn sách phát hành đã gây được tiếng vang lớn ở Mỹ rồi lan rộng ra châu Âu.
Sự nổi tiếng ấy nhanh chóng lan tới quê nhà nên bà đã dịch cuốn sách sang tiếng Đan Mạch. Đến nay, tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Châu Phi nghìn trùng cũng lọt vào các danh sách bình chọn những cuốn sách phi hư cấu hay nhất mọi thời đại.
Nhà văn Mỹ Carson McCullers từng nói: “Lúc ốm đau hay bất hòa với thế giới, tôi lại tìm về Châu Phi nghìn trùng và lần nào cuốn sách cũng an ủi, nâng đỡ cho tôi".
Châu Phi nhin trùng được viết từ những năm tháng Isak Dinesen sinh sống tại châu Phi (1914-1931) trên một đồn điền cà phê rộng 4.000 mẫu Anh gần Nairobi.
Xuyên suốt cuốn Châu Phi nghìn trùng là nét đa dạng trong đời sống của người bản địa, từ những phong tục, nết sống cho tới cách ứng xử rõ ràng với mỗi đối tượng khác nhau. Đồng thời, cuốn sách phản ánh đời sống của thực dân da trắng tại châu Phi.
Cuốn sách khép lại dòng hồi ức bằng câu chuyện buồn khi đồn điền lụn bại, vài thân hữu của Isak Dinesen như thủ lĩnh Kinanjui, vận động viên Denys Finch-Hatton ra đi vĩnh viễn.
Nhà văn Isak Dinesen. Ảnh: maramarietta. |
Toàn bộ cuốn sách là niềm hoài vọng châu Phi, mãnh liệt đến nỗi ký ức trở nên sống động trên từng trang sách. Với điểm nhìn là một người da trắng, tuy nhiên, giọng văn trong cuốn sách lại không chút khinh mạn, hay tự phụ. Ngược lại, nhà văn đã tiếp cận dân cư bản xứ đầy cởi mở, càng về sau càng gắn bó.
Bằng cách viết phi tuyến tính, trật tự thời gian đã bị xóa nhòa. Thế nhưng, trên phương diện không gian, giữa nữ nhà văn và châu Phi đã tồn tại khoảng cách “nghìn trùng” để rồi nỗi nhớ thêm day dứt.
Qua phần cuối sách, độc giả sẽ biết ông Remi Martin - chủ nhân mới của đồn điền - từng ngỏ ý để bà ở lại căn nhà thân thương tại châu Phi, song bà đã từ chối. Sự khước từ này hoàn toàn có lý, bởi bấy giờ vùng thuộc địa đã chất chứa những nỗi buồn.
Tuy cuốn sách ra đời từ những trải nghiệm cá nhân của một con người, nhưng lại mở cho chúng ta cánh cửa tới châu Phi rộng lớn: Có thiên nhiên hoang dã, khoáng đạt, trao tặng nhiều song lấy đi cũng cực kỳ tàn nhẫn; có con người “nguyên sơ” lắm lúc đến mức khôi hài và cũng thật đáng yêu.
Qua cuốn hồi ức, châu Phi hiện lên lạ lùng trong mối tương giao giữa bản địa và thực dân da trắng, từ góc nhìn khác biệt, không khinh khi, xa cách mà ẩn chứa tình yêu.
Isak Dinesen là bút danh của nhà văn Karen Christenze Blixen (1885-1962). Bà sinh trưởng tại Rungsted, một thị trấn nhỏ ở bờ đông đảo Zealand, gần thủ đô Copenhagen của Đan Mạch. Thừa hưởng năng khiếu nghệ thuật từ cả hai bên nội ngoại, bà bắt đầu sáng tác thơ, kịch và truyện ngắn từ khá sớm.