Ở các bệnh viện tại Dải Gaza, người chết và bị thương trong các cuộc tấn công của Israel đang gây ra tình trạng quá tải. Nhiều loại thuốc thiết yếu bị thiếu hụt. Dầu để chạy máy phát điện cũng đang dần cạn kiệt.
Hai trong số các bác sĩ hàng đầu ở Gaza, bao gồm lãnh đạo thứ hai của đội phản ứng chống dịch Covid-19, đã thiệt mạng khi nhà của họ bị trúng bom.
Trong khi Gaza đang phải đối mặt với làn sóng thứ hai của dịch Covid-19, cơ sở xét nghiệm duy nhất của vùng lãnh thổ này đã bị tàn phá một phần và phải đóng cửa. Giới chức y tế Gaza lo ngại rằng số ca nhiễm sẽ gia tăng chóng mặt khi người dân chen chúc trong hầm tránh bom và khu sơ tán.
Nguy cơ chồng chất
Trong khu sơ tán tại một trường học do Liên Hợp Quốc điều hành, Nawal al-Danaf và 5 đứa con của cô được phân vào một lớp học cùng 5 gia đình khác. Căn phòng được chăng phủ bằng những tấm chăn để tạo không gian riêng cho từng gia đình.
“Ngôi trường này an toàn trong chiến tranh. Tuy vậy, với việc 5 gia đình ở chung một phòng, mọi người có thể lây nhiễm virus cho nhau”, al-Danaf lo ngại.
Cô và gia đình đã phải rời bỏ nhà cửa khi xe tăng Israel nã pháo vào thị trấn Beit Lahiya, phía bắc dải Gaza.
Khu sơ tán tại một trường học do Liên Hợp Quốc điều hành ở dải Gaza. Ảnh: AP. |
Chăn và quần áo được phơi đầy ban công ngôi trường. Phụ nữ từ trên đó nhìn xuống dưới sân, nơi trẻ em chơi đùa và đàn ông ngồi trò chuyện. Không ai đeo khẩu trang. Không ai nghĩ đến các biện pháp giãn cách xã hội trong hoàn cảnh này.
Cơ sở hạ tầng y tế ở dải Gaza đã sụp đổ từ trước khi cuộc chiến bùng nổ, theo ông Adnan Abu Hasna, phát ngôn viên của Cơ quan Cứu trợ và Hành động cho người tị nạn Palestine của Liên Hợp Quốc (UNRWA). Hệ thống này đã bị tàn phá trong 3 cuộc chiến tranh trước đó giữa Israel và Hamas.
Các cuộc chiến đã khiến bệnh viện bị phá hủy và nhiều nhân viên y tế thiệt mạng. Giới chức Palestine lên kế hoạch tái thiết hệ thống y tế sau mỗi cuộc chiến tranh, nhưng quá trình này diễn ra chậm chạp do lệnh phong tỏa của Israel và Ai Cập.
Hệ thống y tế Gaza còn đối mặt với một thách thức khác. Thứ sáu hàng tuần, người Palestine đều tổ chức biểu tình phản đối Israel phong tỏa vùng lãnh thổ này. Các cuộc đụng độ giữa lực lượng Israel và người biểu tình đã khiến hơn 35.000 người bị thương, trong số đó khoảng 100 người vẫn đang chờ phẫu thuật.
Do đó, các cơ sở y tế Gaza vừa phải cứu chữa cho những người bị thương do bom đạn, vừa phải đáp ứng các nhu cầu khác của 2 triệu người dân Gaza, bao gồm ứng phó với đại dịch Covid-19.
“Đây là thảm họa nhiều tầng lớp. Chúng ta không bao giờ có đủ thời gian để tái thiết giữa các cuộc khủng hoảng”, giám đốc của UNRWA tại Gaza Matthias Schmale nói. “Hệ thống y tế dần bị suy yếu một cách đáng kể. Nó chưa đến mức sụp đổ hoàn toàn, nhưng đã tiến đến rất gần”.
Tác động nặng nề
Cho đến nay, cuộc xung đột đang diễn ra ở Gaza ít ảnh hưởng đến hệ thống y tế hơn so với cuộc chiến tổng lực năm 2014. Khi đó, nhiều bệnh viện và phòng khám tư nhân bị bom đạn Israel dội xuống trực tiếp. Thậm chí nơi trú ẩn của Liên Hợp Quốc cũng bị trúng bom.
Tuy vậy, các cuộc tấn công của Israel lần này cũng đã khiến 18 cơ sở y tế hứng chịu thiệt hại, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Kho thuốc men thiết yếu đã vơi đi gần một nửa. Ông Schmale cho biết ít nhất 3 trung tâm y tế đã bị san phẳng, bao gồm một trung tâm điều trị chấn thương và bỏng của tổ chức Bác sĩ Không biên giới.
Vết tích của một cơ sở y tế bị bom đạn Israel san thành bình địa. Ảnh: AP. |
Cơ sở duy nhất ở Gaza có khả năng xét nghiệm Covid-19 cũng đã bị hư hại, theo bác sĩ Majdi Dhair, lãnh đạo cơ quan y tế dự phòng Gaza. Toàn bộ quá trình xét nghiệm Covid-19 ở Gaza đã phải tạm ngừng.
“Đây như một quả bom nổ chậm. Nếu người dân không được xét nghiệm, những ca bệnh sẽ không biết mình dương tính”, bác sĩ Dhair nói.
Tính đến ngày 17/5, khi cơ sở xét nghiệm phải đóng cửa, dải Gaza đã ghi nhận hơn 105 nghìn ca mắc Covid-19 và 986 người thiệt mạng trong tổng số hơn 2 triệu dân. Hiện vẫn có khoảng 80 người trong tình trạng nguy kịch.
Chiến dịch tiêm chủng vaccine của dải Gaza cũng đã tạm dừng, theo ông Sacha Bootsma, lãnh đạo cơ quan đại diện WHO tại Gaza.
Hiện mới chỉ có gần 39.000 người Gaza, tương đương với chưa đầy 2% dân số, được tiêm vaccine Covid-19. Họ chỉ còn đủ vaccine để tiêm cho 15 người. Những liều vaccine này sẽ hết hạn vào tháng 6, dấy lên quan ngại về việc chúng sẽ không kịp được sử dụng trước khi hết hạn.
Hệ thống dễ tổn thương
Ông Schmale cho biết một kỹ thuật viên xét nghiệm hàng đầu, làm việc cho trung tâm y tế được UNRWA điều hành, đã bị thương nặng khi về nhà giúp vợ sơ tán. Người này đang được điều trị đặc biệt do nhiều chấn thương ở não.
“Các bên cần có trách nhiệm bảo vệ cơ sở và nhân viên y tế trong chiến tranh", ông Schmale nói.
“Cái giá mà dân thường phải trả là quá sức chịu đựng và không thể chấp nhận. Nhân viên y tế cũng nằm trong số đó”, ông khẳng định. “Giống như những người dân khác, nhân viên của chúng tôi đang lo sợ. Họ sợ phải đi làm sau một đêm bắn phá”.
Chỉ khoảng một nửa số trung tâm chăm sóc y tế ban đầu của chính quyền Palestine còn hoạt động. 16 trên 22 trung tâm y tế của UNRWA đang mở cửa. Đây là chỗ dựa của nhiều người dân Palestine.
Những người Palestine bị thương được chữa trị tại một bệnh viện ở Gaza. Ảnh: AP. |
Trong khi đó, cả 13 bệnh viện công ở Palestine đều vẫn mở cửa, dù một số cơ sở bị hư hại do bom đạn. Bên cạnh đó, 16 bệnh viện do các tổ chức phi chính phủ vận hành đang hoạt động tại Gaza.
Các cơ sở này đều đang rất cần được cung cấp thuốc và vật tư y tế khẩn cấp. WHO đã liệt kê 40 loại thuốc và trang thiết bị y tế cơ bản mà dải Gaza đang cần, bao gồm thuốc gây mê, thuốc kháng sinh, chỉ khâu và túi đựng máu.
Ngoài ra, hệ thống y tế Gaza cũng cần xăng dầu để vận hành. Chiến sự đã phá hủy nhiều phần của hệ thống điện Gaza, khiến sản lượng điện giảm 60%. Các bệnh viện cần dựa vào các máy phát điện bằng xăng dầu để có điện cho hoạt động y tế, theo bà Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF).
UNRWA đã đưa được 5 xe chở dầu vào Gaza. Lượng dầu này đủ cho các cơ sở của UNRWA hoạt động trong vài tuần. Tuy vậy, một số xe chở thuốc men và thực phẩm không thể đến nơi do các cuộc không kích và pháo kích của Israel.
Ông Schmale cho rằng nếu biên giới tiếp tục đóng cửa, các kho dự trữ tại Gaza sẽ cạn kiệt. “Khi đó, chúng ta sẽ cần mở các hành lang nhân đạo để đưa hàng vào Gaza”, ông khẳng định.