Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hệ thống kỳ diệu giúp con người vượt bao dịch bệnh

May mắn thay, mẹ tự nhiên đã trao cho loài người tấm khiên phòng vệ vững chắc mang tên "hệ miễn dịch". Sức đề kháng âm thầm bảo vệ loài người từ thuở ban sơ.

Hệ miễn dịch, từ rất lâu, được đề cập trong dân gian với khái niệm “sức đề kháng”, chung chung và cảm tính. Những hiểu biết khoa học về lĩnh vực này là cần thiết không chỉ với riêng giới hàn lâm mà còn cả với cộng đồng.

Hệ thống phức tạp nhưng kì diệu, giúp con người vượt qua nhiều dịch bệnh, được nhà miễn dịch học Daniel Davis đề cập và giải thích chi tiết trong cuốn sách Hệ miễn dịch.

Kha nang ky dieu cua he mien dich anh 1

Sách Hệ miễn dịch.

Cuốn sách vẽ lên thế giới của các tế bào, các yếu tố trong hệ miễn dịch và gợi mở ra những triển vọng về các liệu pháp tương lai trong cuộc chiến của con người với nhiễm khuẩn, bệnh dịch, bệnh tự miễn, ung thư.

Tại sao những đứa trẻ sinh ra bằng phương pháp sinh thường ít bị dị ứng hơn so với bằng phương pháp sinh mổ? Tại sao những đứa trẻ ở những làng quê - nơi có các trại gia súc, lớn lên ít bị ốm hơn những đứa trẻ thành thị? Tại sao rất ít người bị mắc hai loại dịch bệnh cùng một lúc? Tại sao khi căng thẳng mệt mỏi chúng ta dễ bị cúm? Tất cả câu hỏi trên đều dẫn tới hệ miễn dịch - hệ thống mà cơ thể con người sử dụng để bảo vệ mình trước sự tấn công của thế giới vi trùng.

Nói một cách ngắn gọn nhất, hệ miễn dịch được chia thành hai lớp phòng thủ chính bẩm sinh và thích nghi. Trong khi miễn dịch bẩm sinh cung cấp các giải pháp nhằm cô lập, tiêu diệt các yếu tố xâm nhiễm một cách nhanh chóng thì miễn dịch thích nghi, bên cạnh việc tiếp tục cuộc chiến nhằm tiêu diệt mầm bệnh, nó còn giúp cơ thể lưu trữ thông tin một cách dài hạn, cho những lần bị xâm nhiễm sau của loại vi khuẩn, vi trùng đó.

Các vaccine hiện nay cũng được phát triển dựa trên nguyên lý cơ bản này: Loài xâm nhiễm ở nhiều dạng hình khác nhau, đã được loại bỏ độc tính, được đưa vào cơ thể, giúp sản sinh ra kháng thể và các tế bào miễn dịch ghi nhớ - vũ khí chủ lực trong những lần bị tái xâm nhiễm.

Daniel Davis đã chia cuốn sách của mình thành hai phần. Phần một là hành trình đưa độc giả ngược thời gian, theo dấu chân của các nhà khoa học - những người đã đặt nền tảng cho những hiểu biết ngày nay về hệ miễn dịch.

Độc giả được gặp lại những câu chuyện về các bệnh dịch trong quá khứ, những câu hỏi, suy tư của các nhà khoa học về thành phần hệ miễn dịch, cách các tế bào miễn dịch “liên lạc” với nhau, cách hệ miễn dịch phản ứng với các yếu tố xâm nhiễm. Độc giả được làm quen với nhiều khái niệm mới như tế bào đuôi gai, tế bào T, B, interferon, các protein dẫn truyền tín hiệu.

Trong phần hai, các câu chuyện được đề cập đến gần độc giả hơn với các biểu hiện lâm sàng như sốt, dị ứng, sự mẫn cảm của cơ thể với dịch bệnh khi bị căng thẳng; vai trò của nhịp sinh học về không gian và thời gian với hoạt động của hệ miễn dịch.

Cuốn sách khép lại bằng những thành tựu mới nhất trong điều trị các bệnh tự miễn, tiểu đường, ung thư lấy hệ miễn dịch làm trung tâm. Bên cạnh các kiến thức khoa học, cuốn sách còn kể với độc giả những câu chuyện “bếp núc” thú vị giữa các nhà khoa học.

Kha nang ky dieu cua he mien dich anh 2

"Cây giáo" não bộ chưa đủ giúp con người chống lại hiểm nguy rình rập, may mắn tay, ta có "tấm khiên" hệ miễn dịch.

Con người xuất hiện muộn màng trong tiến trình lịch sử của trái đất nhưng nhanh chóng chiếm lĩnh nhờ vào khả năng tri giác. Nhưng càng đi xa hơn trong cuộc truy tầm vào thế giới tự nhiên kì bí, chúng ta càng hiểu rằng "cây giáo" não bộ là chưa đủ trước những hiểm nguy đang rình rập. May mắn thay, mẹ tự nhiên đã trao cho loài người tấm khiên phòng vệ vững chắc mang tên: hệ miễn dịch.

Âm thầm bảo vệ loài người từ thuở ban sơ, ngày nay hệ miễn dịch đang được hiểu nhiều hơn và hứa hẹn sẽ trở thành liệu pháp của tương lai cho nhiều vấn đề về sức khoẻ con người.

Những người bình tĩnh giữa tâm dịch lay động tác giả 'Nhật kí Vũ Hán'

Vào ngày 22/2, Phương Phương, tác giả "Nhật ký Vũ Hán" và cũng là một nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc, đã trả lời phỏng vấn với China News tại Vũ Hán.

Trần Tuấn Hiệp

Bạn có thể quan tâm