Một trong những chủ đề nổi bật nhất xung quanh Facebook là quyền riêng tư. Vấn đề này đã trở thành tâm điểm của nhiều vụ bê bối lớn nhất liên quan đến Facebook, từ vụ việc Cambridge Analytica nắm được thông tin của hàng chục triệu người dùng Facebook đến việc gã khổng lồ công nghệ này tìm cách thu thập hoạt động của người dùng, bất chấp các quy tắc của App Store. Những vi phạm về quyền riêng tư của mạng xã hội này đã phải chịu án phạt tới 5 tỷ USD từ Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ.
Cuốn sách được ra mắt ngày 25/2 vừa qua. Ảnh: Amazon. |
Trong cuốn sách mới về sự trỗi dậy của gã khổng lồ Internet, có tên Facebook: The Inside Story, biên tập viên kiêm nhà văn của tờ Wired Steven Levy đã khắc họa rất chi tiết về cách tiếp cận của CEO kiêm đồng sáng lập Mark Zuckerberg về quyền riêng tư, đặc biệt là trong những ngày đầu Facebook đi vào hoạt động.
Năm 2003, khi Zuckerberg vẫn còn theo học tại Harvard và tiến hành thử nghiệm các mạng xã hội trực tuyến, anh đã mở một trang web chơi khăm có tên Facemash. Trang web này đã tiến hành đăng tải hình ảnh của các bạn học cùng lớp và yêu cầu sinh viên bỏ phiếu về người hấp dẫn nhất.
Zuckerberg đã xâm nhập vào hệ thống máy tính của trường để tải ảnh xuống mà không có sự đồng ý của bất kỳ sinh viên nào.
Tờ báo của trường, Harvard Crimson, viết vào thời điểm đó rằng các quản trị viên nhanh chóng cắt quyền truy cập internet của Zuckerberg và đe dọa sẽ trục xuất anh ta. Ngay sau đó, Crimson cũng đã đăng một bài xã luận chỉ trích Zuckerberg vì sự thiếu quan tâm đến quyền riêng tư của học sinh.
Mark Zuckerberg và Facebook liên tục vấp nhiều chỉ trích về vi phạm quyền riêng tư. Ảnh: Getty. |
Tác giả Levy chia sẻ trong cuốn sách: “Zuckerberg đã ghi nhận lời của bài viết đó và tuyên bố sẽ biến quyền riêng tư thành một yếu tố cốt lõi trong mạng truyền thông xã hội mà anh ta đang âm thầm tạo dựng”.
Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, Zuckerberg đã tấn công mạng nhằm vào email các nhà báo sinh viên của tờ Crimson bằng cách truy cập thông tin đăng nhập Facebook của họ. Tờ Business Insider là đơn vị truyền thông đầu tiên đăng tải thông tin này.
Cũng theo tin từ tờ Business Insider vào năm 2010, ngay sau khi ra mắt mạng xã hội Facebook từ phòng ký túc xá của mình, Zuckerberg đã gửi những tin nhắn sau cho một người bạn: “Vâng, nếu bạn cần thông tin về bất cứ ai tại Harvard thì cứ hỏi đi. Tôi có hơn 4.000 email, hình ảnh, địa chỉ, SNS”. Khi được hỏi tại sao anh nắm được những thông tin này, Zuckerberg trả lời: “Mọi người cung cấp nó. Tôi không hiểu tại sao. Họ tin tôi”.
Trong khi đoạn hội thoại này cho thấy thái độ của Zuckerberg đối với quyền riêng tư có phần không ổn định thì tác giả Levy chia sẻ với tờ Business Insider qua điện thoại rằng việc tấn công email Crimson là điều minh họa rõ nét hơn về cách tiếp cận quyền riêng tư thực sự của Zuckerberg.
Về phần mình, Zuckerberg chia sẻ với Levy rằng anh ta hối hận về những tin nhắn đó và việc nói ra chúng thể hiện sự non nớt. Tuy nhiên, trong một văn bản gửi cho Levy, ông chủ Facebook bày tỏ sự thất vọng về việc để “những tin nhắn và email cũ từ khi tôi còn là một đứa trẻ lộ ra và lại bị đưa ra ngoài ngữ cảnh".
Zuckerberg và Facebook chưa trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về cuốn sách và những thông tin trên.