Sau 106 ngày chiến dịch quân sự mà Nga phát động ở Ukraine, tác động tiêu cực không chỉ giới hạn trong lãnh thổ hai nước trực tiếp tham chiến, hàng tỷ người trên thế giới lúc này đã cảm nhận được sức nóng của cuộc chiến khi túi tiền và bữa cơm của họ bắt đầu bị ảnh hưởng.
"Chiến tranh luôn là thảm kịch của loài người, tình hình ở Ukraine không phải ngoại lệ, tác động lan tỏa của xung đột lên nhân loại đang vượt qua mọi biên giới", Liên Hợp Quốc nhấn mạnh trong một báo cáo đầu tháng 6.
Giá nhiên liệu tăng kỷ lục
Do chính sách hạn chế khai thác và sử dụng nguyên liệu hóa thạch mà Tổng thống Joe Biden theo đuổi, cũng như đà phục hồi của nền kinh tế thế giới hậu Covid-19, giá nhiên liệu hóa thạch đã bắt đầu tăng từ nửa cuối năm 2021.
Chiến dịch quân sự Nga phát động tại Ukraine tiếp thêm động lực cho đà tăng giá của nhiên liệu hóa thạch. Trên thị trường giao dịch quốc tế, giá dầu thô đã tăng từ mức 88 USD/thùng lên 121 USD/thùng vào hôm 8/6, khiến giá xăng thành phẩm tăng cao kỷ lục trên toàn cầu.
Tại Mỹ, giá xăng đầu tháng 6 ở mức trung bình 5 USD/gallon, cao hơn khoảng 30% so với cuối năm ngoái. Tại châu Âu, giá xăng đã tăng 40% kể từ đầu chiến sự. Tại Đông Nam Á, giá xăng đã tăng 50% so với năm 2021.
Các diễn biến mới nhất cho thấy rất ít khả năng giá nhiên liệu toàn cầu có thể hạ nhiệt. Hôm 3/6, EU thông qua gói trừng phạt thứ 6 nhằm gây sức ép lên Moscow, trong đó đáng chú ý là quyết định cấm vận 90% lượng dầu thô nhập khẩu từ Nga vào cuối năm 2022.
Giá nhiên liệu trên toàn cầu đã tăng kỷ lục do chiến dịch quân sự Nga phát động ở Ukraine. Ảnh: Getty. |
Bởi không thể lập tức tìm kiếm nguồn cung thay thế, EU sẽ phải dựa vào lượng dầu nhập khẩu từ Mỹ, Trung Đông và Bắc Phi, vốn cũng không có nhiều dư địa để tăng cường khai thác.
Giá nhiên liệu tăng cao góp phần khiến lạm phát tại Mỹ tăng lên 8,5% trong tháng 3, mức cao kỷ lục trong vòng 41 năm. Chỉ số lạm phát giảm nhẹ xuống chỉ còn 8,3% trong tháng 4. Tuy nhiên, Cục dự trữ liên bang (FED) cảnh báo lạm phát sẽ khó quay trở lại mức trước đại dịch trong thời gian trước mắt.
Phát biểu hôm 1/6, Tổng thống Biden thừa nhận không có cách nào để sớm hạ giá nhiên liệu và thực phẩm. Washington hiện chỉ có thể dựa vào chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn có công cụ để đối phó với tình trạng khan hiếm xăng dầu trên toàn cầu. Washington đang đàm phán với Venezuela, tiến tới dỡ bỏ một số biện pháp cấm vận, cho phép quốc gia Nam Mỹ mở rộng xuất khẩu dầu thô.
Giới chức Mỹ tiết lộ Tổng thống Biden có kế hoạch gặp Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman trong tháng 7. Đây là bước đi nhằm cải thiện đáng kể quan hệ với Riyadh, từ đó thuyết phục Saudi tăng cường khai thác và xuất khẩu dầu thô.
Mỹ cũng đang đàm phán với Iran nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân JCPOA. Nếu quá trình hoàn tất, Iran có thể cung cấp khoảng 1 triệu thùng dầu thô ra thị trường mỗi ngày.
Hàng tỷ người chịu ảnh hưởng
"Chiến sự tại Ukraine đã làm tồi tệ thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu trong ít nhất một thế hệ, tác động tiêu cực có thể kéo dài tới năm 2030", Liên Hợp Quốc cảnh báo.
Daniel Aminetzah và Nicolas Denis, chuyên gia về hóa chất và thực phẩm tập đoàn tư vấn McKinsey, cho biết sau những gián đoạn trong nguồn cung do đại dịch, chiến sự ở Ukraine làm đứt gãy nghiêm trọng hơn nữa nguồn cung thực phẩm toàn cầu.
Ukraine và Nga là một trong các vựa thực phẩm lớn nhất của thế giới, đóng vai trò quan trọng không chỉ trong cung cấp lúa mỳ, mà còn là các nhà cung cấp phân bón chính cho thế giới.
"Có 6 trung tâm lương thực lớn, cung cấp 60-70% tổng sản lượng hàng hóa nông nghiệp toàn cầu. Khu vực Nga - Ukraine cung cấp khoảng 30% lúa mỳ và 65% dầu hướng dương toàn cầu. Vì thế, chỉ một chút gián đoạn trong nguồn cung cũng gây ra tác động lớn về giá", ông Denis cho biết.
Người dân thủ đô Beirut, Lebanon xếp hàng chờ mua thực phẩm. Ảnh: AFP. |
Theo BBC, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới Ngozi Okonjo-Iweala cho biết khoảng 25 triệu tấn lúa mỳ đang bị tắc nghẽn tại các nhà kho và bến cảng của Ukraine, không thể xuất khẩu ra bên ngoài do Nga phong tỏa Biển Đen.
Lương thực do Ukraine sản xuất nuôi sống 400 triệu người trên toàn cầu. Trong đó, 60% lúa mỳ của Lebanon đến từ Ukraine, con số này của Libya và Eritrea là 40%.
Bà Ngozi cho hay các nước đang phát triển, đặc biêt là châu Phi, bị tác động đặc biệt nghiêm trọng do gián đoạn nguồn cung lúa mỳ và phân bón. So với 2021, giá lúa mỳ đã tăng 59%, dầu hướng dương tăng 30%, giá ngô tăng 23%.
Luca Russo, quan chức cấp cao của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), cho biết giá nhiên liệu tăng cao đã ảnh hưởng tới các nỗ lực cứu trợ, phân phối lương thực tới người nghèo ở các quốc gia đang phát triển tại châu Phi, châu Á và Nam Mỹ, theo Al Jazeera.
"Bởi cuộc chiến ở Ukraine, 19 nước đã áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu thực phẩm. Điều này góp phần làm giá thực phẩm tăng cao", ông Russo cho hay.
Quan chức của FAO cho biết những năm qua, Liên Hợp Quốc đã chứng kiến nhiều tiến bộ trong giảm số người đối mặt nạn đói. Tuy nhiên, kể từ khi Covid-19 bùng phát, tình hình đã thay đổi.
"Cuộc chiến ở Ukraine khiến tình hình phức tạp hơn rất nhiều. Những thành quả xóa đói giảm nghèo ở 30 quốc gia đã bị đảo ngược", ông Russo cho biết.
Theo Wall Street Journal, Mỹ và EU đang tìm cách đưa lương thực tắc tại Ukraine quay trở lại thị trường thế giới. Một trong các phương án là vận chuyển bằng tàu hỏa tới Belarus, trước khi đến cảng Klaipeda của Lithuania.
Liên Hợp Quốc cũng đang vận động Nga chấm dứt phong tỏa Biển Đen để lương thực từ Ukraine có thể xuất khẩu ra bên ngoài. Hôm 6/6, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã thảo luận về giải pháp khởi động các chuyến tàu chở nông sản của Ukraine đi qua Biển Đen ra bên ngoài.
Tuy nhiên, chính phủ Ukraine tỏ ra hoài nghi về ý định của Nga. Một trong các yêu cầu của Moscow là Kyiv dỡ bỏ thủy lôi, vốn được triển khai để bảo vệ cảng Odessa khỏi nguy cơ bị Nga tấn công.
"Chúng tôi cảm ơn Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng dỡ phong tỏa các cảng của Ukraine. Tuy nhiên, bất cứ thỏa thuận nào cũng phải tính tới lợi ích an ninh của đất nước chúng tôi", Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết.