Hiện nay thực trạng các cá nhân, tổ chức cắt ghép hình ảnh của nghệ sĩ, người nổi tiếng để quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội diễn ra rất phổ biến. Phần lớn là quảng cáo thực phẩm chức năng, hỗ trợ về dạ dày, tiêu hóa, bệnh gút, huyết áp, tiểu đường… hay lớp học làm giàu như trường hợp của Ninh Dương Lan Ngọc gần đây. Cách quảng cáo này nhằm đánh vào lòng tin của người tiêu dùng để đánh lừa họ mua sản phẩm nhằm trục lợi.
Cái giá phải trả cho việc mạo danh nghệ sĩ
Cách đây ít ngày, công ty quản lý của Ninh Dương Lan Ngọc lên tiếng cảnh báo công chúng khi hình ảnh của cô trong một buổi phỏng vấn cho nhãn hàng ngành chứng khoán trực thuộc ngân hàng quốc tế bị kẻ xấu lợi dụng. Chúng bị cắt ghép vào các bài quảng cáo kêu gọi tham gia khóa học, lớp học đầu tư sinh lời. Quản lý Ninh Dương Lan Ngọc khẳng định nữ diễn viên chỉ nhận lời hợp tác cho những tập đoàn uy tín, hoàn toàn nói không với những lớp học tài chính cá nhân, đầu tư sinh lời trong thời gian ngắn, tiết kiệm.
Cuối năm 2022, thông tin Ninh Dương Lan Ngọc ký hợp đồng livestream với một công ty chuyên đưa người sang các nước như Malaysia và Philippines xuất khẩu lao động cũng gây xôn xao dư luận. Quản lý của Ninh Dương Lan Ngọc nhanh chóng lên tiếng và khẳng định nữ diễn viên đã bị cá nhân hoặc tổ chức nào đó mạo danh.
Tình trạng nghệ sĩ bị mạo danh vào những quảng cáo họ không hề ký kết hợp đồng diễn ra tràn lan tại showbiz Việt, đặc biệt trên không gian mạng xã hội. Việc này xảy ra với rất nhiều người nổi tiếng như Trấn Thành, Thúy Diễm, Quyền Linh, Mai Phương Thúy, Midu… Trong khi đó, các ca sĩ như Trúc Nhân, Hòa Minzy, Erik, Tuấn Hưng… gần đây bị sử dụng tên tuổi để bán vé cho các chương trình âm nhạc họ không tham gia.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó trưởng phòng Tranh tụng, Công ty Luật TNHH TGS, (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định với Tri thức trực tuyến, việc cắt ghép hình ảnh, mạo danh người nổi tiếng để quảng cáo khi chưa được sự cho phép của những người này là hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo.
Căn cứ khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, việc cá nhân, tổ chức sử dụng hình ảnh của người khác nói chung và nghệ sĩ nói riêng để quảng cáo khi chưa có sự đồng ý của họ là vi phạm pháp luật và phải đối diện mức xử phạt hành chính, hình sự.
Ninh Dương Lan Ngọc nhiều lần bị mạo danh. |
Trong trường hợp nghệ sĩ có đầy đủ chứng cứ chứng minh việc không minh bạch ảnh hưởng tới danh dự và uy tín của bản thân, họ có quyền yêu cầu nhãn hàng phải bồi thường theo Điều 584 (căn cứ phát sinh và bồi thường thiệt hại), Điều 592 (thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm) theo Bộ luật Dân sự 2015.
Ngoài ra theo quy định tại Khoản 8 Điều 8 Luật quảng cáo: “Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép”, các cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số: 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa và quảng cáo và Nghị định số 128/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021.
Theo đó, mức phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng khi quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý. Đối với cùng một hành vi vi phạm, mức phạt tiền của tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Biện pháp khắc phục hậu quả lúc này là buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định và buộc xin lỗi tổ chức cá nhân bằng văn bản.
Mặt trái của việc quảng cáo tràn lan
Ngày 17/2, Quyền Linh chia sẻ với Tri thức trực tuyến việc hình ảnh của anh bị sử dụng tràn lan để quảng cáo các loại thuốc, thực phẩm chức năng… Theo MC, các cá nhân, tổ chức có thể ghép hình ảnh, tiếng nói của anh từ các chương trình sức khỏe của đài truyền hình hoặc khi quảng cáo một sản phẩm có xác nhận uy tín đàng hoàng và thay thế bằng loại thuốc của họ. Quyền Linh cho biết tình trạng này xảy ra từ nhiều năm trước và đã nhờ tới bộ phận IT, luật sư để hỗ trợ gỡ các hình ảnh nhưng cứ xóa được bài này, bài khác lại xuất hiện.
Có lẽ một trong những lý do Quyền Linh nói riêng và nghệ sĩ nói chung bị mạo danh là chính họ cũng quảng cáo những sản phẩm được cho là không rõ nguồn gốc, chất lượng không đúng những gì thông báo. Quyền Linh hay Diệu Nhi, NSND Hồng Vân, Phương Mỹ Chi từng lên tiếng xin lỗi khán giả khi quảng cáo sản phẩm kém chất lượng.
Nhiều nghệ sĩ khác cũng thông qua trang cá nhân để giới thiệu những mặt hàng mỹ phẩm khác nhau, chẳng hạn Thúy Diễm (cao viêm da cơ địa), Phương Oanh (Ahohaw), Hồng Diễm (Dr.Belter)… Đức Phúc, Kỳ Duyên, Hồ Quang Hiếu, Quân A.P, Noo Phước Thịnh… từng giới thiệu mỹ phẩm Laser.
Tương tự Thanh Hương cũng từng lên tiếng việc bị hàng trăm trang sử dụng hình ảnh để bán hàng, kinh doanh. Nữ diễn viên tâm sự cô đã tìm cách báo cáo nhưng các trang giả mạo vẫn “mọc lên như nấm”.
Tuy nhiên, Thanh Hương từng có thời gian bị khán giả phản ứng vì quảng cáo hàng loạt mỹ phẩm khác nhau như mặt nạ, serum, sản phẩm peel da... Từ đó tạo nên hệ lụy là kẻ xấu dễ dàng có được những hình ảnh, đoạn clip cô đang giới thiệu sản phẩm để mạo danh. Ngay cả khi gần đây, Thanh Hương đã tiết chế, chọn lọc hơn trong việc quảng cáo nhưng những bài đăng cũ của cô vẫn tràn lan trên mạng xã hội và có thể bị lợi dụng bất cứ lúc nào.
Theo luật sư Nguyễn Đức Hùng, nguyên nhân của thực trạng mạo danh người nổi tiếng, cắt ghép hình ảnh để quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng diễn ra gần đây chủ yếu do sự suy thoái đạo đức, bất chấp tất cả để trục lợi từ một bộ phận người dùng mạng xã hội. Trong bối cảnh đó, nghệ sĩ, người nổi tiếng đóng quảng cáo nhiều, thậm chí chạy theo cát xê thổi phồng sản phẩm, thương hiệu, từ thực phẩm chức năng cho đến mỹ phẩm không rõ nguồn gốc... dễ bị lợi dụng.
Để hạn chế tình trạng trên, các nghệ sĩ phải có các hành vi quyết liệt hơn về việc chống mạo danh cắt ghép hình ảnh của mình. Nghệ sĩ, người nổi tiếng là người của công chúng, chính vì vậy hình ảnh của họ là rất quan trọng. Cần báo cho các cơ quan chức năng nếu bị lạm dụng hình ảnh của mình.
"Đồng thời chính bản thân nghệ sĩ cần cân nhắc lựa chọn những quảng cáo phù hợp, bảo vệ thương hiệu của chính mình. Nếu cứ quảng cáo cho các sản phẩm kém chất lượng, thương hiệu và hình ảnh của họ cũng giảm sút. Đó là cái giá rất đắt cho những người có tên tuổi", luật sư nhận định.
Dưới góc độ pháp lý, hành lang pháp luật quy định về vấn đề này cũng còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, việc bổ sung các quy định về quảng cáo đối với người nổi tiếng cũng như chế tài xử lý khi có vi phạm là cần thiết. Điều này không chỉ góp phần minh bạch hoạt động quảng cáo, mà còn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Chuyên mục Giải trí giới thiệu Cuốn sách về mặt trái của mạng xã hội
Công nghệ là tiền đề và động lực chính thúc đẩy sự phát triển của xã hội loài người. Tuy nhiên, bản thân công nghệ cũng có những mặt trái không thể phủ nhận. Đó cũng là mảnh đất màu mỡ mà các tác giả có thể khai thác.
Qua cuốn The Twittering Machine, Richard Seymour đã phân tích kỹ lưỡng về những tác động tàn phá của “ngành công nghiệp mạng xã hội” đến đời sống cá nhân của con người. Tác giả chỉ ra cách các thông báo (notification) trên mạng xã hội đều hướng đến việc duy trì các chu kỳ tương tác dễ gây nghiện và trầm cảm.