Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Hệ lụy khi phông bạt con số 78.000 khán giả ở concert Anh trai say hi

Chuyên gia nhận định việc nhà sản xuất công bố thông tin 78.000 khán giả xem concert Anh trai 'say hi' trong hai đêm nhưng không có bằng chứng sẽ gây ra nhiều hệ lụy.

"78.000" trở thành một từ khóa gây bùng nổ và chiếm sóng mạng xã hội trong vài ngày qua. Thậm chí, con số này được biến thể thành nhiều meme nhằm mục đích gây cười và cả chế giễu trên các nền tảng như Facebook, TikTok, Threads.

Nguồn cơn xuất phát từ sự việc nhà sản xuất công bố thông tin có 78.000 khán giả trực tiếp theo dõi hai đêm concert Anh trai "say hi" tại TP.HCM. Song ngay sau đó, một luồng phản ứng dữ dội từ cộng đồng mạng nổ ra.

Chỉ vài phép tính nhẩm đơn giản, công chúng nhận ra con số 78.000 khán giả do nhà sản xuất cung cấp là điều bất khả thi, khó tin. Không chỉ vậy, trong quá trình diễn ra concert thứ hai, MC Trấn Thành lẫn các anh trai tham gia đều đưa ra những con số khác nhau về số liệu người xem trực tiếp, tạo ra sự hỗn loạn về thông tin.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhà sản xuất Anh trai "say hi" vẫn nhất quyết giữ động thái im lặng.

Sự minh bạch là cần thiết

Trao đổi với Tri Thức - Znews, ông Hoàng Quang Lê, CEO Techbeat Records nhận định việc nhà sản xuất công bố con số 78.000 khán giả tham dự trực tiếp hai đêm concert Anh trai "say hi" ở 2 địa điểm Công viên bờ sông Sài Gòn và đô thị Vạn Phúc City (TP.HCM) xuất phát từ chiêu truyền thông, mục đích thu hút sự chú ý của công chúng và nâng cao tầm ảnh hưởng cho chương trình.

Con số nói trên là quá lớn đối với một sự kiện có bán vé tại Việt Nam, đặc biệt với quy mô và bối cảnh hiện tại của thị trường âm nhạc nội địa.

"Việc công bố số lượng 78.000 khán giả như vậy có thể mang lại nhiều lợi ích: tạo sức ép cạnh tranh với các sự kiện khác, gây ấn tượng với khán giả, và đặc biệt là thu hút nhà tài trợ khi họ luôn quan tâm đến quy mô và sức ảnh hưởng của sự kiện", ông Hoàng Quang Lê nói.

Song trên thực tế, con số này không đi kèm với minh chứng cụ thể, thậm chí có phần mập mờ, nhiễu loạn thông tin, tạo ra một "hiệu ứng ngược", dẫn đến sự quay lưng, phản ứng từ phía khán giả đối với nhà sản xuất những ngày qua.

"Trong ngành công nghiệp giải trí hiện nay, sự minh bạch và niềm tin của khán giả là yếu tố then chốt. Nếu thông tin được chứng minh là không chính xác hoặc bị xem là ‘phông bạt’, nhà sản xuất có thể đối mặt với những hệ lụy nghiêm trọng về uy tín, không chỉ ảnh hưởng đến sự kiện mà còn đến cả các nghệ sĩ tham gia", chuyên gia nói.

Theo ông Hoàng Quang Lê việc thổi phồng số liệu để tạo hiệu ứng truyền thông không quá xa lạ trong giới giải trí. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi mà khán giả ngày càng thông minh và dễ dàng tiếp cận với thông tin, đây là một con dao hai lưỡi. Nếu con số này được đưa ra mà không có cơ sở xác thực, nhà sản xuất sẽ phải đối mặt với sự phản ứng dữ dội từ công chúng, và thậm chí là có nguy cơ mất hết uy tín.

Cùng quan điểm, ông Tất Hữu Đăng Khoa, cựu Giám đốc âm nhạc của TikTok Vietnam, nhận định thời điểm diễn ra concert thứ hai của Anh trai "say hi" cũng là lúc đối thủ cạnh tranh là concert Anh trai vượt ngàn chông gai mở màn. Do đó, áp lực về truyền thông, hiệu ứng social đối với đơn vị tổ chức không hề nhỏ.

Chuyên gia nhận định trong bối cảnh kể trên, nhiều yếu tố tác động vào việc công bố số lượng khán giả cụ thể từ phía nhà sản xuất, ví dụ từ số tổng người xem có thể ước tính lượng vé và tổng doanh thu qua đó sẽ ảnh hưởng đến một số vấn đề về thu nhập, thuế. Ngoài ra diện tích địa điểm cũng là một thông số có thể tính được lượng khán giả nếu vượt hơn, lại ảnh hưởng đến an toàn đêm diễn.

Trong vài trường hợp có thể xảy ra sự nhầm lẫn trong quá trình truyền thông nội bộ, dẫn tới sai sót khi đưa ra con số cuối cùng. Song thay vì im lặng, nhà sản xuất phải lên tiếng giải thích, phân tích hợp lý cho công chúng.

"Nếu đây là chiêu trò truyền thông của nhà sản xuất là sai lầm tệ hại và phải chịu trách nhiệm. Bởi trên thực tế, với uy tín và quy mô của nhà sản xuất này, họ không cần thiết phải làm thế. Tôi vẫn hy vọng nhà sản xuất có phản hồi sớm về số liệu trên kèm theo dòng chia sẻ 'Cảm ơn sự quan tâm và đón nhận của khán giả", ông Tất Hữu Đăng Khoa trao đổi.

Hệ lụy của 'phông bạt' số liệu người xem

Nếu phát ngôn "Mẹ thấy chưa, mẹ thấy đúng khi cho con nghỉ học chưa", của Negav làm lu mờ concert đầu tiên của Anh trai "say hi" hôm 28/9, sự việc nhà sản xuất "phông bạt" số liệu 78.000 khán giả xem trực tiếp hai đêm cũng hệ lụy tương tự. Ồn ào này gần như đạp đổ những công sức, hình ảnh của dàn nam nghệ sĩ trẻ sau concert thứ hai.

Theo CEO Techbeat Records, việc nhà sản xuất mất uy tín, niềm tin đối với khán giả lẫn nhà tài trợ có thể liên lụy tới những dự án sau này. Đối với các nghệ sĩ tham gia show, họ cũng có thể bị ảnh hưởng gián tiếp. Bởi hình ảnh của dàn anh trai gắn liền với chương trình. Sự mập mờ về số liệu không chỉ làm giảm giá trị của chương trình mà còn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến các nghệ sĩ, đặc biệt là khi họ có thể bị cuốn vào các tranh cãi không đáng có.

anh trai say hi,  dat viet,  tran thanh,  78.000,  concert say hi anh 5
Nhà sản xuất Anh trai "say hi" công bố con số 78.000 khán giả trực tiếp theo dõi hai đêm concert, dẫn đến bị phản ứng.

"Để đối phó với sự chỉ trích và thắc mắc từ khán giả, nhà sản xuất nên nhanh chóng có một thông báo chính thức, giải thích rõ ràng về số lượng khán giả tham dự. Nếu con số 78.000 bao gồm cả lượng người theo dõi qua livestream hay các kênh khác, điều này cần được minh bạch. Bất kỳ sự trì hoãn nào trong việc đưa ra thông báo sẽ chỉ khiến tình hình thêm căng thẳng và mất kiểm soát. Sự minh bạch là chìa khóa để giữ lòng tin của công chúng và duy trì uy tín", ông Hoàng Quang Lê nhận định.

Theo chuyên gia, vụ việc vừa qua là bài học lớn cho các nhà sản xuất, đơn vị tổ chức concert. Trong đó, sự chính xác ở khâu tính toán và công bố số liệu là tối quan trọng để tránh những tranh cãi không đáng có.

"Thông thường, số lượng khán giả tham gia các concert được tính dựa trên số lượng vé bán ra hoặc lượng người vào cửa, và trong một số trường hợp có thể bao gồm cả người xem qua livestream. Tuy nhiên, các con số này phải được kiểm chứng rõ ràng và minh bạch. Ở Việt Nam, chúng ta vẫn đang trong quá trình phát triển các hệ thống quản lý sự kiện theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc nhà sản xuất cố gắng tạo hiệu ứng bằng cách thổi phồng thông tin, số liệu chưa bao giờ là hướng đi bền vững và đáng tin cậy trong dài hạn", ông kết luận.

Cuốn sách đáng đọc về âm nhạc

Sách khảo cứu Lịch sử opera Ý do GS Gianni Kriscak cùng Hiền Nguyễn Soprano (nghiên cứu sinh tại Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương), Trịnh Thị Oanh (giảng viên thanh nhạc tại Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương) thực hiện. Sách ra mắt vào tháng 2 và nhanh chóng được bạn đọc đón nhận.

Sách khảo cứu Lịch sử opera Ý là tác phẩm hiếm hoi về opera được thực hiện bằng tiếng Việt. Qua cuốn sách này, các tác giả đưa ra câu chuyện về một thành tựu văn hóa kinh điển của thế giới nhưng bằng góc nhìn nhẹ nhàng, dễ tiếp cận thay vì quá nặng nề, phức tạp. Các tác giả không đề cập quá nhiều tên, chi tiết và chỉ đưa vào cuốn sách những khoảnh khắc quan trọng, thú vị nhất trong giai đoạn đầu tiên của các vở opera.

78.000 khán giả xem concert Anh trai 'say hi' có vô lý?

Nhà sản xuất vẫn im lặng khiến những thắc mắc quanh chuyện 78.000 khán giả xem concert Anh trai "say hi" chưa có lời giải đáp.

Chuyện chưa từng kể về đội tuyển nữ Việt Nam

Hành trình gần 30 năm thăng trầm của bóng đá nữ Việt Nam được tái dựng đầy cảm xúc dưới ống kính đạo diễn Nguyễn Thị Thắm.

Tâm An

Bạn có thể quan tâm