Người dân Ấn Độ tụ tập gần cây cầu bị sập, sáng 31/10. Ảnh: Reuters. |
Reuters dẫn tuyên bố từ giới chức địa phương cho biết tập đoàn Oreva - doanh nghiệp từng tự nhận là “công ty sản xuất đồng hồ lớn nhất thế giới” - đã nhận được hợp đồng bảo dưỡng và quản lý cây cầu trong vòng 15 năm. Cây cầu ở thị trấn Morbi, bang Gujarat này chỉ mới được mở lại vào tuần trước khi tai nạn xảy ra.
Ngoài đồng hồ, Oreva cũng sản xuất thiết bị chiếu sáng, xe đạp điện, đồ gia dụng và tivi, BBC cho biết. Do đó, sau thảm họa, công ty này đã phải đối mặt với câu hỏi tại sao họ có thể đảm nhận trách nhiệm bảo dưỡng cầu.
Sau khi bảo dưỡng cầu, Oreva có quyền thu phí người đi qua là 17 rupee (khoảng 0,21 USD) với người lớn và 12 rupee (khoảng 0,14 USD) với trẻ em.
Ông Deepak Parekh, một nhân sự cấp cao của Oreva, hồi đầu tháng 10 cho biết quá trình sửa chữa cầu “chỉ” tốn của công ty 20 triệu rupee (khoảng 240.000 USD).
“Nếu mọi người hành xử có trách nhiệm và không phá hỏng tài sản này, cây cầu được tân trang có thể duy trì 15 năm”, ông Parekh nói.
Giới chức địa phương cho biết dù cây cầu đã được mở cửa trở lại, họ vẫn chưa cấp giấy chứng nhận cho công trình.
Ông Sandeepsinh Zala, người đứng đầu chính quyền Morbi, tuyên bố Oreva chưa thông báo với giới chức địa phương về việc mở lại cầu. Overa không trả lời bình luận của Reuters về vấn đề này.
Trong khi đó, một người phát ngôn của công ty nói với Indian Express rằng cây cầu có thể bị sập vì người dân cố gắng lắc lư.
“Trong khi chúng tôi đang chờ thêm thông tin, có vẻ như cây cầu sụp đổ khi có quá nhiều người ở khúc giữa cố gắng lắc lư cầu từ bên này sang bên kia”, người này nói.
Mục Thế giới giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách “Hợp tác khu vực châu Á: Nhân tố ASEAN và Ấn Độ” của nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành. Cuốn sách đi sâu tìm hiểu, phân tích một cách tổng thể và liên tục bản chất của quá trình hình thành, vận hành các cơ chế hợp tác khu vực châu Á, trong đó nổi lên vai trò của ASEAN và Ấn Độ.