Sáng 8/10, kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM khoá IX (kỳ họp bất thường) diễn ra tại Hội trường Thành ủy (quận 3, TP.HCM) chính thức khai mạc.
Tại đây, Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm đã đọc tờ trình về dự án xây dựng nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch. Đây là nhà hát đạt tiêu chuẩn quốc tế, đặt tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỷ đồng từ nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1).
Nhà hát mới dự kiến xây dựng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Lê Quân. |
Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2018-2022. Chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình, thuộc Sở Văn hóa và Thể thao.
Theo tờ trình, việc xây dựng nhà hát nhằm mục đích đáp ứng, nâng cao trình độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật cho hơn 10 triệu người dân thành phố và hàng triệu du khách mỗi năm.
Ngoài ra, dự án còn góp phần nâng cao trình độ hưởng thụ văn hóa của người dân trong bối cảnh hội nhập với quốc tế.
"TP.HCM văn minh, hiện đại, đầu mối giao lưu không chỉ về kinh tế, khoa học, mà còn có những giá trị văn hóa xã hội khác nên rất cần những công trình xứng tầm. Việc xây dựng một Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế là thật sự cần thiết và cấp bách. Đây sẽ là một công trình văn hóa mang tính biểu tượng, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của thành phố", Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm nói.
Chia sẻ về việc ủng hộ xây dựng công trình này, đại biểu, nhạc trưởng Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch cho biết cần phải xây dựng nhà hát càng sớm càng tốt.
Ông cho rằng xét trên bình diện văn hóa, đây là một việc hoàn toàn đúng đắn, quá bức thiết. "TP.HCM hiện nay không có một nhà hát đàng hoàng nào cả. Người dân không có nơi nào để thưởng thức những chương trình nghệ thuật chất lượng cao", nhạc trưởng cho biết.
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm. Ảnh: Trương Khởi. |
Cũng bày tỏ sự đồng tình việc xây dựng nhà hát, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm nói: "Phải nhìn các nghệ sĩ biểu diễn trên những sân khấu chật hẹp, không đủ để đặt một chiếc piano, hay chỗ đứng cho một dàn nhạc, mới thấy cần phải đầu tư, quan tâm hơn tới những người đang lao động nghệ thuật".
Đại biểu, nghệ sĩ cải lương Nguyễn Ngọc Quế Trân bày tỏ sự thấu hiểu với vất vả của các nghệ sĩ.
"Cũng là một người làm nghệ thuật, tôi mong dự án sau khi hoàn tất sẽ là nơi biểu diễn, gìn giữ, đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa dân tộc và các giá trị tinh thần mang nét đặc trưng của thành phố", nghệ sĩ Quế Trân trình bày.
Đại biểu, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Nguyễn Văn Dũng thẩm tra tờ trình và khẳng định cần thiết phải xây nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch.
Tuy nhiên, ông lưu ý công trình cần có thiết kế độc đáo, có khu cây xanh liền kề, thiết kế đạt chuẩn quốc tế, xứng tầm là nơi hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của người dân, là địa điểm độc đáo để thu hút khách du lịch quốc tế.
Quan trọng hơn, đại biểu này cho rằng UBND TP cần chọn nhà thầu có năng lực, tránh lãng phí trong quá trình xây dựng.
Cuối buổi thảo luận, các đại biểu HĐND TP.HCM thông qua dự án đầu tư xây dựng nhà hát 1.500 tỷ đồng.
TP.HCM có 3 nhà hát là Nhà hát Opera (nay là Nhà hát thành phố), Nhà hát Phiharmonie (nay là Kho bạc thành phố) và Nhạc viện thành phố. Tuy nhiên, đến nay chỉ còn Nhà hát Thành phố còn giá trị của một nhà hát đúng nghĩa, các nhà hát xây dựng sau như Nhà hát Hòa Bình, Nhà hát Bến Thành đã xuống cấp, không đạt tiêu chuẩn tổ chức các buổi diễn theo yêu cầu của các đoàn, nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế.