10h trưa 21/9, trong lúc cuộc họp báo của TP.HCM liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ về khiếu nại người dân ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT) đang diễn ra, người viết nhận được điện thoại của ông Nguyễn Văn Lung.
"Con đang ở họp báo bên UBND TP phải không? Xong thì ghé qua thông tin cho bà con biết với nghe", ông nhắn nhủ ngắn gọn.
Theo ông Lung, khi đó người dân Thủ Thiêm đang ngồi quây quần ở quán cà phê quen thuộc, cập nhật thông tin qua báo đài về cuộc họp báo của UBND TP.HCM sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ.
"TP.HCM không có lỗi"
Tại buổi họp báo sáng 21/9, UBND TP.HCM xin nhận trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng vì đã thực hiện không đúng quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt.
UBND TP cũng chân thành xin lỗi nhân dân thành phố, nhất là các hộ dân bị ảnh hưởng tại khu vực 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch thuộc Khu phố 1, phường Bình An, quận 2 vì đã chịu nhiều thiệt thòi, tổn thất, vất vả nhiều năm qua.
Phản hồi về điều này, ông Nguyễn Biểu (hộ dân ở phường Bình An) cho biết TP.HCM không hề có lỗi trong chuyện này mà trách nhiệm phải ở các cá nhân làm sai.
"Trong mắt của bà con chúng tôi, TP.HCM không hề có lỗi. Lỗi là ở những cá nhân cụ thể đã gây nên sai phạm dẫn tới hậu quả đến hôm nay vẫn chưa khắc phục được", ông Biểu nói.
Ông cũng cho rằng nội dung buổi họp báo còn quá chung chung, chưa cụ thể những vấn đề mà người dân chờ đợi. Đó là ai đã làm sai và người nào phải chịu trách nhiệm và bồi thường cho những sai phạm đó như thế nào.
Ông Nguyễn Văn Lung là hộ nằm trong 4,3 ha khu phố 1, phường Bình An. Ảnh: Viết Dũng. |
Cùng suy nghĩ, ông Bùi Quốc Toản (hộ dân trong khu 4,3 ha hiện ngụ tại phường An Phú, quận 2) cũng cho rằng người dân không quan tâm nhiều đến lời xin lỗi, mà vấn đề quan trọng ở đây là UBND TP.HCM sẽ khắc phục hậu quả đó như thế nào.
"Nội dung cuộc họp chỉ xoay quanh khu 4,3 ha trong khi người dân chúng tôi có hàng trăm hồ sơ pháp lý khẳng định không chỉ có 9 hộ ở khu phố 1, phường Bình An, nằm ngoài ranh mà 5 phường khác cũng không thuộc quy hoạch. Khắc phục hậu quả thì phải thực hiện với tất cả trường hợp chứ không chỉ 9 hộ dân", ông Toản nhấn mạnh.
Bà Lê Thị The (70 tuổi) có đất không thuộc khu phố 1, phường Bình An, buồn rầu từ ngày có kết luận của Thanh tra Chính phủ. Nhưng bà cho biết vẫn hi vọng cuộc họp báo lần này của UBND TP.HCM sẽ đề cập đến những hộ ngoài khu 4,3 ha như bà và hơn 100 hộ khác.
"Tôi đọc thông tin không sót cái nào, cuối cùng thì vẫn thấy chung chung. Tôi không đồng ý khi cứ nhắc đi nhắc lại 4,3 ha khu phố 1, còn 3 khu phố khác và bà con ở phường An Khánh, Bình Khánh nữa thì sao không đề cập?", bà trầm ngâm.
Cần xem xét tái thẩm các bản án đã bác yêu cầu khởi kiện
Tại họp báo, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết việc đền bù giá nhà đất tại Thủ Thiêm đã giải quyết dứt điểm gần 15.000 hồ sơ, chỉ còn lại khoảng 100 hồ sơ còn khiếu nại, chủ yếu liên quan đến phần đất 4,3 ha.
TP.HCM tập trung giải quyết những trường hợp bị ảnh hưởng do có sai sót trong ranh quy hoạch. Riêng các hộ dân đã di dời đến nơi ở mới, đã nhận tiền tái định cư, hỗ trợ an cư và TP.HCM đã làm đúng chính sách, thì không hồi tố nữa.
Luật sư Nguyễn Văn Dũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng TP.HCM không nên chỉ xem xét đối với người đang khiếu nại mà nên xem xét cả những hộ dân đã chấp hành. Theo luật sư, chính sách của một dự án mang tính chung, những hộ dân có đất bị thu hồi đương nhiên được hưởng những chế độ chung như nhau.
"Người dân chấp hành có thể vì họ hài lòng, không hiểu pháp luật nên nghĩ UBND TP làm đúng; hoặc có thể do nhu cầu muốn ổn định cuộc sống hoặc không dám khiếu kiện. Tuy nhiên, dù họ không khiếu kiện nhưng nếu đợt này xét lại chế độ chung và cụ thể từng hộ cũng nên xem xét cho các hộ dân này. Bởi việc áp dụng chính sách trước đây có sai, thì khi xét lại nên xem xét toàn bộ để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân", luật sư Dũ nêu quan điểm.
Ngoài ra, luật sư Dũ cũng cho rằng cần xem lại việc tố tụng của một số hộ dân đã bị tòa án tuyên bác yêu cầu. Vì hiện nay, UBND TP (người bị kiện) thừa nhận sai, có nghĩa là trước đây dân kiện có phần đúng.
"Như vậy, cần xem xét tái thẩm các bản án đã bác yêu cầu khởi kiện của dân theo hướng hủy án. Làm như vậy để người dân phục hồi lại con đường tố tụng hành chính. Lúc này, UBND chủ động thực hiện chính sách mới, tòa án vẫn thụ lý sơ thẩm. Nếu không hài lòng với chính sách mới áp dụng, người dân yêu cầu tòa giải quyết. Nếu hài lòng thì rút yêu cầu để tòa đình chỉ vụ án", luật sư Dũ nói thêm.