Proparco nâng mức tài trợ cho HDBank lên 100 triệu USD. Ảnh: Nam Khánh. |
Khoản vay được Proparco cấp cho HDBank nhằm mục đích tài trợ/tái tài trợ cho các dự án tài chính khí hậu và hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đáp ứng theo tiêu chuẩn Chương trình 2X Challenge - sáng kiến toàn cầu nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững.
Trước đó, vào tháng 8/2021, Proparco lần đầu cấp cho HDBank khoản tín dụng 50 triệu USD thời hạn 5 năm để nhà băng này có nguồn lực tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Như vậy, tổng giá trị nguồn vốn vay mà Proparco cung cấp cho HDBank đến nay đã đạt 100 triệu USD.
Từ đầu năm đến nay, các định chế tài chính trong nước (gồm ngân hàng và công ty chứng khoán) đã nhận được nhiều khoản tín dụng ngoại tệ từ các tổ chức tài chính nước ngoài. Trong đó, Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) hồi tháng 7 cũng đã hoàn tất giải ngân hợp đồng vay hợp vốn nước ngoài trị giá 175 triệu USD.
Đây là khoản vay hợp vốn ngoại tệ lớn nhất cho một công ty chứng khoán tại Việt Nam. Khoản vay hoàn toàn bằng USD được cung cấp bởi 5 định chế tài chính gồm Ngân hàng Standard Chartered, Ngân hàng CTBC, Ngân hàng Taipei Fubon, Ngân hàng Taishin International và Ngân hàng KGI.
Hồi tháng 4, Techcombank cũng đã huy động thành công khoản vay hợp vốn trị giá 200 triệu USD từ 15 ngân hàng quốc tế từ nhiều khu vực như Trung Đông, Philippines, Trung Quốc và Đài Loan.
SeABank năm nay cũng đã huy động được 75 triệu USD từ Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) thông qua các sản phẩm trái phiếu xanh và 30 triệu USD từ Norfund (quỹ đầu tư cho các nước đang phát triển của chính phủ Na Uy) dưới dạng khoản vay chuyển đổi cổ phần
Trong bối cảnh áp lực tỷ giá luôn hiện hữu, bên cạnh dòng ngoại tệ thu được từ thặng dư thương mại xuất nhập khẩu, kiều hối... nguồn ngoại tệ huy động trực tiếp từ các định chế tài chính cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của các doanh nghiệp trong nước.
Về tình hình kinh doanh, kết thúc quý II, HDBank ghi nhận tăng trưởng tín dụng đạt 13% so với đầu năm. Lũy kế 6 tháng đầu năm, nhà băng ghi nhận tổng thu nhập 16.045 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 8.165 tỷ đồng (+49%) chủ yếu nhờ tăng trưởng từ mảng kinh doanh chính là tín dụng với thu nhập lãi thuần bán niên.
Kết thúc quý II, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) của HDBank đạt 26,1%, tỷ suất lợi nhuận/tài sản (ROA) đạt 2,1%, đều cao hơn năm trước.
Năm nay, cổ đông của HDBank được nhận cổ tức tỷ lệ 30% gồm 10% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu. Hiện nhà băng này đã hoàn thành trả chi trả cổ tức 10% bằng tiền mặt tới cổ đông và đang tiếp tục lộ trình triển khai chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Tại cuối quý II, tổng tài sản của HDBank vượt 624.000 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Quy mô huy động vốn đạt trên 552.000 tỷ đồng, trong đó tiền gửi từ kênh ngân hàng số đạt gần 40.000 tỷ đồng, cao gấp 5 lần cùng kỳ.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.