Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

'Hãy trân trọng và chấp nhận những vết thương của quá khứ'

Tác giả Hoàng Nhật cho rằng trong mỗi con người đều tồn tại một đứa trẻ. Đối diện với phần thơ ấu của nội tâm là cách đối thoại với bản thân để hiểu mình muốn gì và cần gì.

Hoàng Nhật là một cây bút thuộc thế hệ 8X. Anh được bạn đọc biết tới qua một số tập truyện ngắn như: Người bắt chim lợn, Cái nồi gì thế?. Gần đây, anh cho ra mắt tác phẩm mới với nhan đề Trên Sao Hỏa chỉ có trẻ con. Tiếp tục theo đuổi thể loại truyện ngắn, Hoàng Nhật luôn tìm cách làm mới mình với đề tài đa dạng, cách kể chuyện sinh động, giàu tính sáng tạo.

Viết để an ủi những đứa trẻ bị tổn thương

- Nhân vật chính của các truyện ngắn trong "Trên Sao Hỏa chỉ có trẻ con" là những đứa trẻ, nhưng dường như đối tượng mà Hoàng Nhật hướng đến lại là người lớn?

- Ngay từ đầu tôi đã xác định sẽ viết một tác phẩm về trẻ em, với góc nhìn từ những đứa trẻ, nhưng hoàn toàn cho độc giả người lớn. Thực ra cuốn sách này được tôi lấy cảm hứng sau khi đọc Cây cam ngọt của tôi, một cuốn tiểu thuyết bán tự truyện cũng nói về câu chuyện của trẻ con nhưng dành cho người trưởng thành. Khi xác định đối tượng độc giả là người trưởng thành, tôi có thể thoải mái phát triển những tình huống, câu chuyện đen tối mà không phải lo gây tổn thương cho những tâm hồn còn non nớt, cũng không cần để ý viết sao cho dễ hiểu.

Theo kinh nghiệm cá nhân khi đọc nhiều cuốn sách cho trẻ em và nhiều cuốn về trẻ em nhưng dành cho người lớn khác nhau, tôi nhận ra để viết sách dành cho trẻ em bạn cần phải là một người lớn thông thái và bao dung, vốn là 2 tố chất mà tôi còn thiếu sót rất nhiều. Trong khi đó, khi viết sách về trẻ em nhưng dành cho người lớn, bạn chỉ cần đóng vai một đứa trẻ “không hiểu vì sao người lớn lại cư xử như vậy” là đủ, phần còn lại độc giả sẽ tự hiểu.

Để viết sách dành cho trẻ em bạn cần phải là một người lớn thông thái và bao dung.

Hoàng Nhật

Ngoài ra, mục đích của tôi khi viết cuốn sách này là để an ủi những đứa trẻ bị tổn thương vẫn đang quanh quẩn đâu đó trong tâm trí của độc giả người lớn. Đây chẳng phải cuốn sách để chữa lành theo trend bây giờ, cũng không phải sổ thù vặt dành cho người lớn. Nó chỉ đơn thuần là một tác phẩm giải trí đúng nghĩa, và nếu có thứ gì đó khiến bạn đọc đồng cảm, thấy chính mình trong thằng nhóc Tèo, thằng Bu, cái Tũn, cái Hồng, thằng Bờm… thì càng tốt.

- Trong cuốn "Hoàng tử bé" nhà văn người Pháp Antoine de Saint-Exupéry có viết: “Người lớn nào thoạt đầu cũng đều là trẻ con, nhưng ít người trong bọn họ nhớ điều đó”. Theo anh, nhớ về tuổi thơ phải chăng là cách để người lớn thấu hiểu trẻ con và trân trọng cuộc đời?

- Khi tôi học lái ôtô trên đường trường, tôi nhận ra một điều thú vị. Những chiếc xe khác khi lưu thông trên đường có thể bấm còi ầm ĩ, không bao giờ chịu nhường nhịn. Nhưng khi bạn lái một chiếc xe có gắn biển tập lái, mọi tài xế đều trở nên “dịu dàng” với bạn. Hẳn nhiên bởi chính họ cũng từng ngồi trong những chiếc xe tập lái đó, họ hiểu cảm giác lo lắng và sợ hãi của một tay lái mới.

Khi một người lớn ý thức được rằng họ từng là trẻ con, cũng từng ngốc nghếch, vô kỷ luật, đầy ắp tò mò và sự sáng tạo, ích kỷ và ngang ngược… tự khắc họ sẽ kiên nhẫn và tử tế hơn với người khác, không chỉ trẻ con mà cả người lớn.

Mấy năm gần đây, truyền thông của chúng ta có xu hướng khuyến khích mọi người nhìn sâu hơn vào nội tâm, đối thoại với chính mình nhiều hơn, đặc biệt là sau dịch Covid-19. Với tôi, nhìn vào nội tâm kỳ thực là nhìn vào đứa trẻ bên trong mỗi người, học cách đối thoại và lắng nghe nó.

Bạn có để ý rằng khi còn nhỏ bạn luôn biết rất rõ mình muốn gì và cảm thấy thế nào không? Đau thì khóc, đói thì đòi ăn, mệt thì ngủ, muốn đi chơi thì trèo tường rào đi bêu nắng… Khi lớn lên chúng ta bị hàng đống giới hạn do chính mình đặt ra để ngăn cản bản thân không được làm cái này, cái kia. Đối thoại với đứa trẻ trong bạn là cách để biết mình nên làm gì và mình đang cảm thấy thế nào.

Tuy nhiên, tôi không hề có ý rằng những người không tìm về đứa trẻ trong mình là người không thấu hiểu trẻ em. Mọi lý thuyết về tâm lý, tâm thần đều mang tính tương đối, phù hợp với người này nhưng lại không dành cho người kia. Nhiều người quên hẳn đi tuổi thơ của mình để tập trung cho việc trưởng thành, điều đó chẳng có gì sai cả. Ngay cả chuyện làm người tử tế cũng không liên quan gì đến quá khứ của bạn.

- Trong tập truyện ngắn này, Hoàng Nhật không “tô hồng” tuổi thơ của các nhân vật. Bạo hành, bắt nạn học đường… và nhiều vấn nạn khác đều được đưa lên trang sách, khi viết về những mặt tối này, anh có thấy e ngại không?

- Thực lòng tôi còn thấy những câu chuyện của mình khá “lành” là đằng khác. Nhiều tác phẩm của Việt Nam và nước ngoài (đặc biệt là văn học Nhật Bản) từng đề cập tới chủ đề chấn thương tuổi thơ một cách dữ dội hơn nhiều.

Không phải tôi ngại viết về những thứ bạo liệt hơn, mà có lẽ do bản thân tôi luôn thích những câu chuyện nhức nhối vừa đủ, kịch tính vừa đủ. Tôi thích đầu tư nhiều vào việc xây dựng nhân vật để họ trở nên đa chiều hết sức có thể. Với tôi, việc độc giả có thể khóc cười cùng nhân vật, tiếc thương cho nhân vật, cảm thông cho nhân vật quan trọng hơn là kể một câu chuyện lắt léo, nhiều twist nhưng nhân vật trống rỗng, nông cạn.

Tôi không muốn chính bản thân mình và độc giả phải trải qua những câu chuyện nặng nề, u ám, mang lại cảm giác tiêu cực. Cuộc sống này vốn đã có đủ những thứ tiêu cực rồi. Tôi muốn sau một ngày đi làm, đi học mệt mỏi, mọi người có thể mang sách của tôi trèo lên giường để đọc thư giãn, lấy lại chút năng lượng tích cực trước khi chìm vào giấc ngủ.

Những câu chuyện của tôi có thể buồn, nhưng là nỗi buồn vừa đủ. Khi nỗi buồn vừa đủ thì nó sẽ đẹp, khi nỗi buồn quá lớn nó biến thành cục nghẹn trong tâm hồn. Chẳng ai muốn giữ cục nghẹn trong lòng cả, người ta sẽ tống khứ nó và lãng quên nó.

Điều tôi e ngại nhất khi viết cuốn sách này là liệu độc giả có hiểu sai thông điệp của mình hay không khi nhiều thứ trong truyện được ẩn dụ, được ấn chìm xuống. Rồi liệu người đọc có nghĩ mình đang mang nỗi đau của trẻ con ra để đùa cợt, hay ngược lại, đang đổ lỗi một cách phiến diện cho người lớn?

Thực ra, bản thảo ban đầu của cuốn sách có 8 truyện ngắn. Nhưng một truyện đã bị loại ra vào phút cuối vì không vượt qua được kiểm duyệt. Đó là câu chuyện về một nữ sinh lớp 7 đấu tranh với cô giáo chủ nhiệm để được quyền nói lên chính kiến của mình.

Với tôi đó là một truyện ngắn hài hước và đáng yêu. Thế nhưng nhiều người lại cho rằng nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới người đọc. Điều tôi sợ là bị hiểu nhầm câu chuyện mà mình muốn kể.

tap truyen ngan anh 1

Tập truyện ngắn Trên Sao Hỏa chỉ có trẻ con của Hoàng Nhật. Ảnh:

H.N.

Chúng ta không thể trưởng thành nếu cứ sống vô tư như một đứa trẻ

-Theo anh, để chữa lành những tổn thương trong tâm hồn một đứa trẻ, điều gì là quan trọng nhất?

- Trẻ con hay dỗi hờn nhưng không thù dai. Chỉ có người lớn mới bám riết mãi vào những tổn thương của quá khứ. Thế nên chỉ khi đã trưởng thành chúng ta mới bắt đầu bị những sang chấn tuổi thơ làm phiền. Theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, khi đánh thức đứa trẻ trong mình, bạn sẽ học được cách tha thứ và tiến lên.

Và hãy chấp nhận một điều rằng những tổn thương sẽ không bao giờ được chữa lành hoàn toàn, giống bệnh trầm cảm vậy. Hãy chấp nhận chung sống hòa bình với chúng cả đời, và thay vì cố gắng đẩy chúng đi, hãy học cách không để chúng ảnh hưởng quá nhiều tới cuộc sống của bạn.

Tổn thương sẽ không bao giờ được chữa lành hoàn toàn. Hãy chấp nhận chung sống hòa bình với chúng cả đời, và thay vì cố gắng đẩy chúng đi, hãy học cách không để chúng ảnh hưởng quá nhiều tới cuộc sống của bạn.

Hoàng Nhật

Trong cuốn sách này, tôi thường chọn một cái kết mở cho nhân vật là để độc giả tự tưởng tượng đứa trẻ đó sau này sẽ như thế nào. Liệu con Tũn và con Mướp có trở thành những cô gái mạnh mẽ và hạnh phúc? Thằng Bờm khi đến Trái đất có quên được Hỏa tinh và sống trọn vẹn “cuộc đời vô nghĩa” của nó? Hay là chúng sẽ mang những tổn thương của tuổi thơ đi hành hạ những người xung quanh mình? Chẳng điều gì là chắc chắn cả.

- Vậy Hoàng Nhật có thể kể về tuổi thơ của mình không? Ấu thơ của một đứa trẻ thành thị có gì vui?

- Tôi nghĩ tuổi thơ của mình không có gì khác biệt so với những bạn bè cùng trang lứa ở Hà Nội thập niên 90s và 2000s. Chỉ có điều tôi sống ở nhà mặt đất nên không có những mùa hè sôi động như trong các bộ phim truyền hình lấy bối cảnh khu tập thể vốn rất phổ biến thời đó.

Tôi thích la cà cùng mấy thằng bạn sau giờ tan học, trèo cây hái trộm quả, coi cọp truyện tranh ở hàng sách, hoặc sang nhà nhau để đọc truyện tranh. Mùa hè thì đa số thời gian tôi bị nhốt trong nhà cả ngày. Bố tôi mất năm tôi 7 tuổi, một mình mẹ tôi phải làm việc để nuôi tôi và anh trai tôi, nên mọi việc học hành, vui chơi, vệ sinh cá nhân tôi đều tự túc từ nhỏ.

Đa số mùa hè tôi ở nhà với truyện tranh và chiếc TV làm bạn. Hồi đó tuy nhà nghèo nhưng tôi nhớ mình được mua cho rất nhiều truyện tranh, lớn hơn chút nữa thì suốt ngày lê la hàng quán trò chơi điện tử.

Nói chung tôi đã đắm chìm trong thế giới tưởng tượng của mình suốt cả tuổi thơ, tự sáng tác ra những cuộc đời, những thế giới viễn tưởng trong đó mình là nhân vật chính. Tôi có thể tự hào nhận mình là con mọt sách chính hiệu. Sách vở, truyện tranh, trò chơi điện tử, phim ảnh, âm nhạc… những gì thuộc về văn hoá giải trí đại chúng của Nhật Bản và phương Tây tôi đều nắm trong lòng bàn tay. Tóm lại, tôi thấy tuổi thơ của mình rất phong phú theo tiêu chuẩn của con nhà nghèo.

-Trong tập truyện ngắn này, nhân vật nào có nhiều nét tương đồng với tuổi thơ của anh?

- Mỗi nhân vật trong cuốn sách này đều có chút gì đó của tuổi thơ tôi và những bạn bè, hàng xóm xung quanh. Tôi từng khổ sở vì không được mua đồ chơi như thằng nhóc Bu, từng ước có thể gần gũi và trò chuyện với mẹ nhiều hơn như thằng Tèo, từng mong có một đứa bạn giỏi giang như con Tuyết.

Có một sự thật là liên hoan “Người con hiếu thảo” trong truyện Tũn ở xứ Hiếu thảo là một sự kiện có thật, và bản thân tôi vinh dự khi là đứa trẻ duy nhất của quận Đống Đa được tham gia chương trình đó. Nhưng hồi đó tôi vui vẻ và thích thú lắm, chẳng có gì mặc cảm như con Tũn đâu.

Mãi sau này khi lớn lên, tôi mới bắt đầu nhận ra những tổn thương của thời thơ ấu. Nhưng nếu cứ sống vô tư như một đứa trẻ thì tôi sẽ không trưởng thành được. Bởi vậy tôi trân trọng và chấp nhận những vết thương của quá khứ.

Những nhà văn nữ giàu nhất thế giới

J.K. Rowling, Danielle Steel, Stephenie Meyer góp mặt trong danh sách những nhà văn nữ có khối tài sản ròng lên đến hàng trăm triệu USD.

Nhà văn Dazai Osamu trở thành đề tài thu hút giới trẻ

Là tiểu thuyết gia Nhật Bản từ thế kỷ trước, Dazai Osamu bỗng trở thành một chủ đề được thảo luận sôi nổi trên TikTok với hàng nghìn video trích dẫn từ tác phẩm của ông.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm