Mỗi cá nhân, luôn có ưu điểm riêng của bản thân. Ảnh: Pexels. |
Có lần, tôi làm việc với một khách hàng sinh trưởng ở miền quê và anh chia sẻ với tôi câu chuyện này: Bố tôi chăm bón một vườn rau rất đẹp và chúng tôi thường bán nông phẩm ở một quầy hàng nhỏ tự dựng ven đường. Bố mẹ tôi thường hay mua gà của anh hàng xóm Willy Scott.
Đừng giới hạn tiềm năng
Một ngày nọ, khi cả nhà tôi đều ra quầy rau làm việc, Willy giao đến một lồng gà và để ở sân trước. Cuối ngày hôm đó, khi chúng tôi về nhà, chúng tôi phát hiện lũ gà đã sổ lồng và chạy tán loạn khắp sân. Mọi người trong gia đình phải chạy sấp ngửa để đuổi bắt lũ gà nhốt vào lồng.
Bố tôi rất bực nên đã quyết định gọi cho Willy để bày tỏ sự bực bội về chuyện này. Ông nói với anh ta rằng ông nghĩ việc bỏ mặc lũ gà trong lồng không phải là chuyện nên làm, và ông thuật lại chuyện cả nhà đã phải đuổi bắt lũ gà khắp xóm như thế nào; cuối cùng, ông nói rằng ông chỉ bắt lại được mười một con gà mà thôi.
Và rồi Willy tỏ ra kinh ngạc: “Mười một con gà không tệ chút nào”, anh ta kêu lên, “Tôi chỉ giao có sáu con thôi”. Nếu không biết đâu là giới hạn, mỗi người chúng ta có thể thành công đến mức nào? Tiềm năng trong mỗi chúng ta thường bị những giới hạn mà chúng ta tự áp đặt cho mình hạn chế. Việc nhận ra những giới hạn này chính là bước đầu tiên để khắc phục chúng.
Bạn đang buồn chán ở nơi làm việc chăng? Có lẽ đã đến lúc yêu cầu được giao thêm trách nhiệm. Bạn thích làm thơ khi rảnh rỗi chăng? Có lẽ đã đến lúc tham dự một cuộc thi hoặc tham gia một hội sáng tác. Bạn từng tham dự vài cuộc thi chạy 5 km cho vui chưa? Có lẽ đã đến lúc thử một chặng đua dài hơn. Hãy thoát khỏi vùng an toàn và lần tới bạn có thể bắt được mười một con gà mà trước đó tưởng rằng chỉ có sáu con thôi!
Nhận ra ưu điểm của bản thân
Hãy suy ngẫm câu chuyện sau: Một người gánh nước ở Trung Quốc gánh hai cái chum lớn ở hai đầu quang gánh. Một trong hai cái chum bị nứt, cái còn lại lành lặn. Sau mỗi chuyến đi bộ xa từ suối về nhà, cái chum lành lặn lúc nào cũng đầy nước, còn cái chum nứt chỉ có nửa lượng nước.
Trải qua hai năm, ngày nào cũng vậy, người gánh nước chỉ gánh về nhà được một chum rưỡi nước. Lẽ đương nhiên là chum lành lấy làm tự hào về thành quả của mình. Còn chum nứt thì xấu hổ về sự khiếm khuyết của nó, nó đau khổ vì chỉ có thể hoàn thành được một nửa nhiệm vụ.
Sau hai năm nhìn thấy sự thất bại cay đắng của mình, một ngày nọ bên dòng suối, chum nứt nói với người gánh nước: “Tôi thấy xấu hổ về bản thân, vì vết nứt ở hông đã làm nước rỉ ra suốt quãng đường về nhà”. Người gánh nước nói với chum nứt:
“Ngươi có nhìn thấy những bông hoa mọc ở phía đường của ngươi chứ không phải ở phía chum kia không? Đó là vì ta luôn biết chỗ nứt của ngươi, nên ta đã gieo hạt giống hoa ở phía đường của ngươi; và mỗi ngày khi chúng ta trở về nhà, ngươi đã tưới nước cho chúng. Sau hai năm, giờ ta đã có thể hái những bông hoa xinh tươi này để trang trí bàn ăn. Nếu không có ngươi thì sẽ không có những bông hoa đẹp đẽ này tô điểm ngôi nhà”.
Mỗi chúng ta đều có khiếm khuyết riêng và hợp lại chính những khiếm khuyết này làm cho cuộc sống chúng ta trở nên thú vị và đáng sống. Bạn chỉ cần chấp nhận bản thân như bạn vốn dĩ và chấp nhận người khác như họ vốn dĩ, và tìm kiếm điểm tốt ở mọi người. Để tìm ra các ưu điểm của mình, hãy tự hỏi bản thân một loạt câu hỏi sau:
Điều gì khiến bạn tỉnh ngộ? Lúc bạn thấy hạnh phúc nhất là lúc nào? Lúc bạn cảm nhận được bản thân nhất là lúc nào? Những kỹ năng mới nào bạn học nhanh nhất? Bạn mong đợi điều gì? Bạn thích hồi tưởng điều gì
Hãy thử bài tập sau. Lấy ra một cuốn nhật ký, lịch công tác hoặc bất cứ phương thức nào mà bạn dùng để tổ chức cuộc sống. Hãy xem tất cả các công việc, hoạt động và các cuộc hẹn mà bạn đã lên kế hoạch trong 2 - 4 tuần tới:
Trong những điều này, điều nào bạn thật sự trông đợi hoặc thật sự thích thú? Có điểm chung nào giữa các hoạt động hoặc công việc đó không? Nếu có, liệu bạn có thể lên kế hoạch để có thêm nhiều điều như thế trong cuộc sống không?
Hãy điểm lại tất cả các công việc, hoạt động và các cuộc hẹn mà bạn đã hoàn thành hoặc tham gia trong 2 - 4 tuần vừa qua: Việc nào trong những việc này khiến bạn thấy thích thú, khỏe khoắn, có động lực hoặc được truyền cảm hứng không? Có điểm chung nào giữa các hoạt động hay nhiệm vụ đó không? Nếu có, liệu bạn có thể lên kế hoạch để có thêm nhiều điều như thế trong cuộc sống không?
Hãy dẹp tính khiêm tốn sang một bên, ít nhất trong vài phút, để ghi lại tất cả những điều mà bạn đánh giá cao nhất về bản thân, các mối quan hệ và công việc. Danh mục sau có thể gợi ý cho bạn: trân trọng vẻ đẹp và sự thuần khiết, rộng lượng, biết ơn, có niềm tin, cởi mở, lạc quan, sáng tạo, đam mê...
Muốn trải nghiệm hạnh phúc nhiều hơn nữa thì thách thức đối với tất cả chúng ta là nhận ra mình có năng lực gì, để rồi tham gia vào bất kỳ lĩnh vực nào tình cờ xảy ra trong cuộc sống. Hãy tham gia các hoạt động bộc lộ những ưu điểm hiện có ở bạn, và đừng trách móc bản thân vì những nhược điểm của mình - cái gì cũng có mặt trái của nó mà!