Quá trình “thai nghén”: căng thẳng, áp lực và nhiều rủi ro
Cách đây hơn 6 năm, Steve Jobs đã làm nên lịch sử khi giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên trên thế giới tại triển lãm Macworld ở San Francisco. Người hâm mộ Apple đã mong chờ từ rất lâu một sản phẩm có thể tích hợp điện thoại di động và máy nghe nhạc iPod lại làm một. Như vậy, sẽ rất tiện lợi khi người dùng sử dụng được cả hai chức năng chỉ trong một thiết bị duy nhất. Và trong ngày ra mắt hôm ấy, điều mà Jobs cũng như Apple thực hiện đã vượt hơn của sự mong đợi của tất cả người dùng Apple trên toàn cầu.
Buổi ra mắt chiếc iPhone đầu tiên của Apple năm 2007. |
Grignon là người quản lý cấp cao phụ trách mọi thứ liên quan đến sóng điện thoại cho iPhone. Đây là một công việc rất căng thẳng và hết sức khó khăn, nhất là với một sản phẩm hoàn toàn mới như iPhone. Nếu iPhone không thực hiện được cuộc gọi, không kết nối được với tai nghe Bluetooth hay không thiết lập được kết nối Wi-Fi, thì người bị đưa ra “trảm” đầu tiên chính là Grignon. Là một trong những kỹ sư được chọn tham gia vào kế hoạch phát triển iPhone thế hệ đầu tiên, Grignon đã dành 2 năm rưỡi cho sản phẩm này với lịch làm việc dày đặc 7 ngày/tuần. Anh còn bị trầm cảm một thời gian dài và tăng đến 50kg.
Áp lực công việc để hoàn thành đúng kỳ hạn mà Jobs đề ra luôn đè nặng trên vai các kỹ sư của Apple. Họ làm việc đến kiệt sức và phải xin nghỉ một thời gian chỉ để… ngủ thêm.
Công tác chuẩn bị cho iPhone luôn được giữ bí mật. Apple hoàn toàn hầu như chiếm giữ trung tâm triển lãm Moscone. Bên trong được xây dựng một phòng thí nghiệm iPhone, một phòng riêng có ghế sofa dành cho Jobs. Hàng chục nhân viên bảo vệ sẽ túc trực tại những nơi này suốt 24 giờ trong ngày. Tất cả nhân viên làm việc bên trong đều phải được lên danh sách rõ ràng và được cấp một ID để xác nhận danh tính.
Không chỉ gặp áp lực về quá trình thiết kế kỹ thuật, kiệt sức khi phải làm việc hơn 80 giờ/tuần, các kỹ sư, nhà thiết kế của Apple còn gặp một nỗi ám ảnh kinh khủng hơn chính là bảo mật thông tin. Nếu Apple phát hiện ra bạn đã tiết lộ sự tồn tại của iPhone với một người bạn tại một quán bar, hoặc thậm chí vợ, chồng của bạn, bạn có thể bị sa thải. Trong trường hợp bạn chỉ là nhân viên tạm thời, người quản lý sẽ yêu cầu bạn kí vào một bản cam kết trước khi tham gia vào dự án. Nội dung của bản thỏa thuận không được tiết lộ nhưng chắc chắn sẽ có nội dung “không được nói với bất kì ai về dự án này”.
Ngay cả những người thực hiện từng dự án riêng biệt cũng không thể nói chuyện với nhau. Kỹ sư thiết kế các thiết bị điện tử không được phép tiếp xúc với thông tin của phần mềm. Khi cần phần mềm để kiểm tra tính tương thích với thiết bị, họ sẽ được cấp một địa chỉ proxy ảo để tránh rò rỉ thông tin. Nếu đang làm việc trên phần mềm, họ sẽ phải sử dụng một bản mô phỏng để kiểm tra hiệu suất phần cứng.
Nín thở và hồi hộp khi chiếc iPhone đầu tiên lên sân khấu
Trong lúc lái xe để đi đến buổi triển lãm, Grignon luôn cảm thấy sợ hãi vì lo ngại những vấn đề chưa được giải quyết của iPhone có thể phá hỏng bài thuyết trình của Steve Jobs và tạo ấn tượng không tốt với người dùng. Thật may là buổi triển lãm đã diễn ra suôn sẻ, nhưng ít ai biết được đằng sau nó là sự căng thẳng, áp lực đến từ chính những người đã nhào nặn “thiết bị mang tính đột phá” này.
Hình ảnh Steve Jobs thông báo, smartphone của họ không cần một chiếc bút như vô số di động cảm ứng lúc bấy giờ. |
Sẽ không quá phóng đại nếu như cho rằng việc ra mắt iPhone vào năm 2007 của là một canh bạc lớn từ trước đến nay của Apple. Jobs đã giới thiệu một bản mẫu của chiếc điện thoại chứ không phải là một sản phẩm hoàn chỉnh. Đó là lý do vì sao sau ngày ra mắt, phải đến 6 tháng sau đó, những chiếc iPhone đầu tiên mới được tung ra thị trường. Cái hay của Jobs chính là đã tạo được sự hưng phấn, tò mò của đám đông khi sản phẩm vẫn còn trong giai đoạn “trứng nước”. Dù dây chuyền sản xuất vẫn chưa thiết lập, thiết kế màn hình và vỏ nhựa vẫn chưa hoàn chỉnh, phần mềm chạy đầy lỗi, nhưng Steve Jobs vẫn muốn thế giới phải háo hức chờ đón sản phẩm này trước khi nó được bán ra
Apple đã có một buổi diễn tập cho lễ ra mắt tại Trung tâm Moscone ở San Francisco. Grignon cũng có mặt. Việc chạy thử chương trình đã được thực hiện trong 5 ngày, và theo như lời kể của chàng kỹ sư này thì hầu như lần nào Jobs trình bày thử cũng đều gặp trục trặc. iPhone vẫn bị rớt sóng, mất kết nối Internet, bị treo thậm chí là tự động tắt máy.
Một nỗi lo khác mà Grignon và các cộng sự phải giải quyết chính là làm thế nào để Jobs có thể thực hiện cuộc gọi thoại một cách trơn tru trên iPhone khi sóng điện thoại vẫn chưa hoàn thiện và lúc nào cũng chập chờn. Grignon đã cho lập trình một đoạn mã hóa giúp cho iPhone của Jobs luôn hiển thị 5 vạch sóng trên sân khấu. Nguy cơ bị rớt sóng là rất thấp nhưng cũng không thể tính đến những rủi ro. Hậu quả sẽ khó lường nếu như để cho hàng ngàn con người đang hướng mắt về sân khấu thấy sự tệ hại của iPhone trong chính chức năng cơ bản mà điện thoại nào cũng có thể làm được. Trong khi Jobs đang thực hiện cuộc gọi thoại, Grignon và nhóm của ông đã ngồi dưới và… cầu nguyện.
Ngày 9/1/2007, khi Jobs bước ra sân khấu và cầm trên tay chiếc iPhone đầu tiên, ông đã từng nói: “Tôi đã chờ ngày này suốt hai năm rưỡi”. Sau đó, ông khuấy động hội trường với vô số những câu chuyện về lý do tại sao người tiêu dùng ghét điện thoại di động của họ. Sau đó, Jobs đã giải quyết tất cả các vấn đề đó một cách dứt khoát.
Khi Jobs bắt đầu chơi một vài đoạn nhạc và video clip trên màn hình iPhone, Grignon cùng những người cộng sự khi đó đang ngồi trên hàng ghế khán giả bắt đầu lo lắng. Jobs đã thực hiện một cuộc gọi điện thoại, gửi một tin nhắn và e-mail để minh họa cho bàn phím cảm ứng trên màn hình rất dễ sử dụng. Tiếp đến, ông lướt qua một loạt các bức ảnh đồng thời phóng to thu nhỏ chỉ với thao tác vuốt và di chuyển hai ngón tay. Vị thuyền trưởng của Apple bắt đầu truy cập vào The New York Times và các trang web của Amazon để chứng minh trình duyệt Internet của iPhone sử dụng tốt như trên máy tính.
Jobs muốn khi ông giới thiệu điện thoại thì sẽ có một màn hình lớn phản chiếu những tính năng mà mình sẽ sử dụng trên sân khấu. Vì vậy, ông đã yêu cầu kỹ sư của Apple dành nhiều tuần lắp thêm bảng mạch và cáp video lên lưng của iPhone mà ông sẽ sử dụng trên sân khấu. Các cáp video sau đó sẽ được kết nối với máy chiếu. Khi Jobs thao tác trên ứng dụng của iPhone, các hiệu ứng sẽ tự chuyển động mà không thấy ngón tay của Jobs. Hầu hết những người ngồi trong khán phòng đều rất thích thú vì họ có cảm giác như đang cầm một chiếc iPhone trên tay.
iPhone sẽ “sống” được bao lâu?
Cuộc cách mạng của Apple đã tác động nhiều mặt đến kinh tế, văn hóa và khoa học công nghệ. Những đổi mới mà Apple mang lại đã định nghĩa lại toàn bộ suy nghĩ cũng như cách thức mà con người tương tác với các thiết bị di động. Sự thay đổi đó không chỉ thể hiện ở việc chúng ta sử dụng nóng tay thay vì con chuột máy tính, mà còn ở cách mỗi người tiếp nhận và xử lý thông tin.
iPhone đã tạo nên cơn sốt trên thị trường smartphone. |
Smartphone đã trở thành một vùng lưu trữ mở rộng hổ trợ cho bộ não của con người. Sách, báo, điện thoại, radio, máy ghi âm, máy ảnh, máy quay video, la bàn, truyền hình, VCR và DVD, máy tính cá nhân, điện thoại di động, các trò chơi video và iPod. Smartphone có tất cả những điều đó, và nó có thể nằm gọn trong túi của bạn.
Công nghệ đang thay đổi cách giáo dục trường, cách thức điều trị y tế, cách mỗi chúng ta đi du lịch và khám phá. Thêm vào đó, các loại hình giải trí và truyền thông đa phương tiện cũng được truy cập nhanh chóng, đem đến cho người dùng những trải nghiệm theo cách hoàn toàn mới.
Bản thân nhóm kĩ sư thiết kế đều biết iPhone không phải là một sản phẩm bình thường, nhưng những gì mà chiếc smartphone đã làm được thật sự nằm ngoài dự đoán của họ. Trong vòng 7 năm, iPhone và iPad cũng như “thế hệ con cháu” của nó đã trở thành một trong những sáng kiến quan trọng nhất trong lịch sử của Silicon Valley.
Không chỉ thổi một luồng gió vào ngành công nghiệp điện thoại di động đang tẻ nhạt, Apple còn cung cấp một nền tảng mới là thư viện ứng dụng, đem lại lợi nhuận vô cùng to lớn cho ngành phần mềm - ứng dụng di động. Nếu gộp cả doanh số bán iPad với máy tính để bàn và Macbook lại với nhau thì Apple hiện là nhà sản xuất máy tính lớn nhất thế giới. Năm 2012, khoảng 200 triệu iPhone và iPad đã đến tay người dùng, gấp đôi số lượng xe bán ra trên toàn thế giới.
Điều đáng buồn là Apple hiện đã mất vị trí dẫn đầu, nhiều nguy cơ sẽ bị vây hãm bởi 2 đối thủ sừng sỏ là Android và Windows Phone. Android bắt đầu chiếm ngôi vương từ năm 2010 khi nắm đến 80% thị phần điện thoại thông minh toàn cầu, trong khi đó Apple đã giảm xuống còn dưới 20%. Điều tương tự cũng đã diễn ra tương tự với iPad. Từ cuối năm 2007, thời điểm mà Google công bố Android đến nay, “gã khổng lồ” đã thật sự thống trị thị phần smartphone cũng như các thiết bị di động khác. Kế hoạch của Google không chỉ hướng đến cạnh tranh với iPhone mà còn đối với các nền tảng sừng sỏ.
Lễ ra mắt dòng sản phẩm mới thường là cơ hội để cổ phiếu của Apple tăng giá trị và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư. Thế nhưng khi Tim Cook giới thiệu iPhone thế hệ mới nhất vào tháng 9 vừa qua, iPhone 5C và iPhone 5s đã khiến cho cổ phiếu của Apple giảm 10%.
Vấn đề mà người hâm mộ Apple lo lắng nhất đó là liệu “thương hiệu đắt giá nhất hành tinh này” có giữ vững được vị trí và sức hút của mình? Tháng 10/2011, khi Steve Jobs qua đời, một loạt câu hỏi được đặt ra, trong đó phổ biến nhất là: “Tim Cook có đủ bản lĩnh để thay thế Jobs?”. Khi Jobs còn điều hành Apple, “quả táo cắn dở” luôn là một thương hiệu đầy tính sáng tạo và đổi mới không ngừng, thường tung ra sản phẩm mới mang tính cách mạng theo chu kì 3-5 năm một lần.
Trong một lần trò chuyện với Walter Isaacson, người chắp bút cho cuốn tiểu sử về mình, Jobs đã từng chia sẻ ông còn muốn thực hiện một “bước đột phá” khác mang tính cách mạng trong lĩnh vực truyền hình. Nhưng dưới “triều đại” của Tim Cook, dường như mọi chuyện đang diễn tiến theo chiều ngược lại khi giới đầu tư đang dần mất lòng tin vào thương hiệu danh giá nhất toàn cầu này.
Khởi đầu huy hoàng liệu có đảm bảo một sự sinh tồn vững chắc cho iPhone khi sự sáng tạo đang dần mất đi?
Xem toàn cảnh buổi ra mắt iPhone thế hệ đầu tiên.
Buổi ra mắt iPhone đầu tiên |