Ngày 10/1, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, trong một lần hiếm hoi, đích thân có mặt tại sân bay để đón lô hàng 700.000 liều vaccine đầu tiên của Pfizer.
“Đây là một ngày tuyệt vời đối với nhà nước Israel”, ông Netanyahu nói với Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla.
Vào thời điểm đó, người đứng đầu Pfizer đã mang lại lối thoát cho ông Netanyahu trong bối cảnh số ca lây nhiễm ở Israel gia tăng còn cuộc bầu cử tháng 3 đang đến gần.
Trước đó, với lô hàng sớm vào tháng 12/2020, khoảng 72% người dân Israel trên 60 tuổi đã được tiêm vaccine. Thỏa thuận của Israel với Pfizer cho phép quốc gia này trở thành địa điểm thử nghiệm vaccine do Pfizer sản xuất.
Sau khi tiếp tục chuyển hàng triệu liều vaccine đến Israel, Pfizer tuyên bố với các quốc gia khác (ngoài Mỹ) rằng công ty sẽ cắt nguồn cung vaccine trong ngắn hạn, với lý do đóng cửa để nâng cấp cơ sở sản xuất tại Bỉ.
Trong khi Israel đã có cơ hội mở rộng chương tình tiêm chủng cho người từ 16 đến 18 tuổi, nhiều quốc gia khác bày tỏ phẫn nộ với cách làm của Pfizer.
Tại Italy, với số ca nhiễm tăng cao, chính phủ nước này gặp khó. Trước đó, Italy đã xây dựng xong chiến lược tiêm chủng và chuẩn bị cung cấp vaccine cho người trên 80 tuổi.
Riêng tại Veneto, Pfizer đã cắt giảm 53% vaccine dành cho khu vực. Đây là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19 tại Italy, với hơn 425.000 ca dương tính và 11.600 ca tử vong đến thời điểm cuối tháng 6.
Việc phân phối vaccine của Pfizer trên thế giới dường như là “trò chơi kẻ được, người mất". Quá trình này phản ánh cách một công ty dược phẩm cân nhắc điều chỉnh nguồn hàng trong thời điểm cầu đã vượt quá cung.
Có khả năng Pfizer đã áp dụng một quy trình mập mờ, liên quan đến cách công ty này đánh giá các yếu tố về quy mô đơn hàng, thứ tự danh sách hàng chờ, dự báo sản xuất, tác động từ phía các lãnh đạo, khả năng đạt được tiến bộ công nghệ và mong muốn thu lợi nhuận, Bloomberg nhận định.
Dù vậy, ông Bourla vẫn khẳng định Pfizer luôn cố gắng tạo ra sự bình đẳng cho các bên đặt mua, và cho biết thỏa thuận của công ty với Israel không hề ảnh hưởng đến nguồn vaccine dành cho các quốc gia khác.
Thủ tướng Netanyahu có mặt tại sân bay ở Tel Aviv để đón lô vaccine từ Pfizer. Ảnh: Reuters. |
Thỏa thuận đặc biệt với Israel
Trong thỏa thuận giữa Israel và Pfizer, ông Netanyahu đã đề nghị trả 30 USD/liều cho công ty vaccine, cao hơn 50% so với giá đề xuất của Mỹ. Bên cạnh đó, Israel cũng sẽ chia sẻ dữ liệu tiêm chủng toàn quốc về loại vaccine hai liều dựa trên công nghệ ARN thông tin (hay công nghệ mRNA) của Pfizer.
Kế hoạch này hầu như chỉ được tiến hành ở Irael. Pfizer từng xem xét đề xuất thỏa thuận với Iceland, nhưng số ca Covid-19 ở đây chưa đạt đủ số lượng cần thiết phục vụ đánh giá.
Do đó, ngay từ ngày 22/2, Israel đã có thể trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tiêm chủng. Nước này đã cung cấp liều vaccine đầu tiên cho 47% (trong tổng số 9 triệu) dân số.
Trong khi đó, mới chỉ có khoảng 3,6% người dân Italy được tiêm vaccine Covid-19.
Vào thời điểm đó, ông Bourla tin rằng thỏa thuận với Israel sẽ giúp thay đổi tư duy về cách thức chấm dứt đại dịch. Đến hôm 24/2, đúng như lời người đứng đầu Pfizer nói, dữ liệu từ Israel cung cấp thực sự là một dấu mốc quan trọng: trong số 600.000 người được tiêm, vaccine của Pfizer đạt hiệu quả 94% trong việc ngăn ngừa Covid-19.
Là công ty phát triển vaccine Covid-19 đầu tiên được Mỹ cấp phép, năng lực sản xuất của Pfizer tiếp tục được nâng cao khi công ty công bố thỏa thuận hợp tác với hãng công nghệ sinh học BioNTech của Đức.
Ông Albert Bourla, người trở thành giám đốc điều hành của Pfizer chỉ một năm trước khi Coivd-19 bùng phát, đã phải cân nhắc những lựa chọn khó khăn.
Bloomberg nhận định rằng khi chính sách của chính phủ cũng quan trọng như hành vi của các cá nhân, ở chừng mực nào đó, các sản xuất vaccine buộc phải xác định khu vực nào mức độ lây nhiễm sẽ giảm, và nền kinh tế ở đâu sẽ mở cửa trước.
Không chỉ vậy, khách hàng của nhà sản xuất vaccine là lãnh đạo các quốc gia - những nhà hoạch định chính sách tiêm chủng. Trong bối cảnh đó, các lãnh đạo biết rằng họ đang phụ thuộc vào sản phẩm của Pfizer và các nhà sản xuất khác.
Trong những tháng đầu năm, ông Bourla đảm nhận vai trò gần như của một chính khách. Người điều hành Pfizer đã điện đàm với nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo nhiều nước, tổ chức, trong đó các cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Canada Justin Trudeau.
Không chỉ vậy, vị thế “người tiên phong” mở ra cơ hội kinh doanh chưa từng có cho Pfizer. Công ty có đơn hàng với các điều khoản không được tiết lộ từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngay từ tháng 3,95 triệu liều vaccine của hãng cũng đã được cung cấp trên toàn thế giới.
Pfizer đang hướng tới thực hiện một trong những kế hoạch đầy tham vọng trong lịch sử ngành dược phẩm, với mục tiêu sản xuất ra 3 tỷ liều vaccine trong năm 2021, tăng 2,5 tỷ liều so với kế hoạch trước đó, theo Reuters.
Trên cơ sở đó, công ty hy vọng có thể tạo ra khoản doanh thu trị giá 15 tỷ USD và biến doanh nghiệp này trở thành một trong những nhà phân phối dược phẩm lớn nhất trên thế giới.
Trên thực tế, Pfizer đã hoàn thành một nỗ lực đáng kinh ngạc và vượt quá kỳ vọng của nhiều người. Không bị ràng buộc trong các chương trình sức khỏe cộng đồng, Pfizer muốn bán vaccine với giá cả phù hợp với thị trường - công việc các nhà sản xuất dược phẩm vẫn hay thực hiện.
Thỏa thuận với Pfizer góp phần rất lớn trong chiến dịch tiêm chủng của Israel. Ảnh: Reuters. |
Xác lập vị thế "người tiên phong"
Vào tháng 5/2020, chính quyền Trump tuyên bố khởi động Chiến dịch Warp Speed (OWS) nhằm tìm kiếm loại vaccine phù hợp cho công tác chống dịch Covid-19. Trong bối cảnh chưa có loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA nào từng được phê duyệt, công ty Moderna là đơn vị được chú ý với nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực này.
Khi giới lãnh đạo OWS biết đến Pfizer, nhà sản xuất vaccine này muốn một đơn đặt hàng từ OWS để đảm bảo đầu ra nếu vaccine thành công. Khác với các nhà sản xuất còn lại, Pfizer không bận tâm nhiều đến khoản hỗ trợ nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
Từ tháng 5/2020, Pfizer đã sớm thể hiện sự tự tin khi chào bán vaccine trên toàn cầu, ngay sau khi bắt đầu quá trình thử nghiệm an toàn.
Ông Bourla nói: “Chúng tôi tiếp cận với mọi quốc gia và thảo luận ở tất cả các lục địa trên thế giới”.
Tháng 7/2020, Anh là quốc gia đầu tiên thực hiện thỏa thuận mua 30 triệu liều vaccine (sau tăng lên 40 triệu liều) của Pfizer để cung cấp cho người dân trong hai năm 2020 và 2021.
Ngay sau đó, Pfizer cũng công bố đơn hàng trị giá gần 2 tỷ USD của OWS cho 100 triệu liều vaccine tại Mỹ.
Đơn hàng được chính phủ Mỹ trả trước cho Pfizer khác biệt với các đối tác khác. Đối với số tiền 2,48 tỷ USD Moderna nhận được, có 955 triệu USD dành cho phát triển và sản xuất lâm sàng, 100 triệu USD để thanh toán vaccine. Riêng Pfizer đã dành toàn bộ gần 2 tỷ USD để phát triển sản phẩm.
Thậm chí, ban lãnh đạo Pfizer từ đầu còn ra giá mỗi liều vaccine cao hơn mức 19,5 USD được hai bên sau đó thống nhất.
Cùng thời điểm đó tại châu Âu, truyền thông Đức cho biết Pfizer đã yêu cầu mức giá khởi điểm cho mỗi liều vaccine lên đến 65 USD.
Giải thích cho con số này, ông Ugur Sahin, đồng sáng lập của BioNTech, cho biết giá thành ban đầu dựa trên tính toán sơ bộ về chi phí sản xuất. Theo lời ông Sahin, giá vaccine được đưa ra trước cả khi công ty này thống nhất quy trình sản xuất cụ thể.
Sau đó công ty đã đồng ý để mức giá trong phạm vi từ 17,8 USD đến 35,6 USD dành cho “các nước công nghiệp”, tùy theo quy mô đơn hàng.
Chưa đầy một tuần sau khi đảm bảo hợp đồng với Mỹ, Pfizer bắt đầu giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, nhằm vượt qua các kiểm định của FDA. Cùng ngày, Moderna cũng tiến hành giai đoạn thử nghiệm của loại vaccine do hãng này sản xuất.
Tuy nhiên, do khoảng cách giữa hai lần tiêm của Moderna dài hơn (trong cùng điều kiện, thời gian của Moderna là 28 ngày, trong khi Pfizer chỉ là 21 ngày), Pfizer có thể công bố kết quả trước.
Cuối tháng 8/2020, khi Pfizer cung cấp dữ liệu ban đầu cho thấy vaccine tạo ra phản ứng miễn dịch hiệu quả, nhiều quốc gia lần lượt “xếp hàng” để đặt mua vaccine của hãng.
Đến đầu tháng 9/2020, Nhật Bản, Canada và Qatar đã trở thành đối tác mua hàng tiếp theo của Pfizer. Pfizer cũng chấp thuận về “khả năng” cung cấp cho Liên minh châu Âu (EU) 300 triệu liều nhưng tổ chức này chần chừ trong phê duyệt.
Vào thời điểm ông Trump đang gặp bất lợi trong các cuộc thăm dò trước bầu cử, nhiều ý kiến lo ngại cho rằng ông Trump có thể gây sức ép với Pfizer, và công ty đang gấp rút thử nghiệm vaccine mà bỏ qua các kiểm tra an toàn cần thiết.
Đáp lại, ông Bourla khi đó đã khẳng định: “Tôi muốn nói điều này, với hàng tỷ người, hàng triệu doanh nghiệp và trăm chính phủ đang nuôi hy vọng vào một loại vaccine Covid-19 an toàn và hiệu quả: Vaccine (Pfizer/BioNTech) buộc phải chứng minh được độ an toàn”.
Không chỉ vậy, Pfizer sau còn thúc đẩy chính phủ Mỹ đặt hàng thêm 100 triệu liều vaccine mới. Lần này, những người đứng đầu OWS đã không vội vã, vì trước đó Pfizer đã không thể đạt doanh số trong tháng 11/2020 với những lý do không rõ ràng.
Pfizer từng bước xác lập vị thế người tiên phong trong cuộc đua vaccine Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Những đơn hàng chậm trễ
Sáu ngày sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Pfizer công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối: vaccine có hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn ngừa Covid-19.
Dù vậy, sự phấn khích của giới lãnh đạo không kéo dài lâu, Pfizer cho biết chỉ có thể sản xuất 50 triệu liều vaccine trên toàn thế giới, thay vì 100 triệu liều như dự kiến.
Công ty vaccine đối mặt với những vấn đề lớn trong khâu sản xuất tại bản doanh ở Kalamazoo, bang Michigan. Tại đây, Pfizer đã xây dựng một “trang trại đông lạnh” có kích cỡ như một sân bóng đá, nhằm duy trì mức nhiệt -75 độ C để bảo quản vaccine.
Pfizer đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của chính phủ Mỹ với Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA), vì việc mở rộng quy mô sản xuất với yêu cầu công nghệ mới đòi hỏi dòng nguyên liệu thô ổn định.
Đạo luật cho phép chính phủ kiểm soát sản lượng sản phẩm công nghiệp trong tình trạng khẩn cấp quốc gia, giúp Pfizer nắm quyền ưu tiên tiếp cận các vật liệu thô và thiết bị cần thiết.
Trong khi đó, quá trình sản xuất đình trệ của Pfizer ảnh hưởng lớn đến tốc độ triển khai vaccine của Mỹ. Trước khi kết quả thử nghiệm cuối cùng được công bố, OWS dự kiến có 40 triệu liều trong hai tháng 11 và 12/2020. Thay vào đó, OWS chỉ nhận được một nửa số vaccine trên. Thậm chí, nhà máy vaccine của Pfizer tại Puurs (Bỉ) cũng phải bổ sung một phần vaccine cho cơ sở ở Kalamazoo.
Tại Anh, quốc gia đầu tiên cấp phép sử dụng vaccine của Pfizer vào tháng 12/2020 cũng chỉ thu được một nửa số vaccine dự kiến ban đầu.
Bất chấp thách thức về nguồn cung, Pfizer đã thông báo dịp trước Giáng sinh 2020 rằng công ty sẽ cung cấp cho Mỹ 100 triệu liều vaccine khác. Cũng vào thời gian này, chính phủ Mỹ đã đồng ý phê duyệt quyền ưu tiên DPA cho Pfizer.
Dù chậm trễ ở Mỹ và châu Âu, cuối tháng 12, theo nhiều nguồn tin, Pfizer đã ký hợp đồng bán hàng triệu liều vaccine cho các quốc gia Trung Đông. Các giao dịch chưa từng được công bố trước đó.
Dubai tuyên bố sẽ tiêm vaccine của Pfizer cho 70% dân số (trong khoảng 3,3 triệu người) khi nhận được những liều vaccine đầu tiên từ Bỉ. Arab Saudi cũng trông đợi 3 triệu liều vaccine của Pfizer vào cuối tháng 2.
Ngoài ra, để có được 370.000 liều vaccine Pfizer, Oman đã trả 30 USD/liều cho lô vaccine đến sớm vào tháng 12/2020, và 24 USD/liều cho những chuyến hàng sau đó. Đây là một trong những mức giá cao nhất dành cho vaccine Pfizer bên ngoài Israel.
Để khắc phục tình trạng thiếu nguồn hàng, lãnh đạo Pfizer còn tìm cách bổ sung thêm 6 liều vaccine trong mỗi hộp, thay vì 5 như ban đầu. Đối với các công ty dược phẩm, thông lệ tiêu chuẩn là đổ một lượng thuốc vào mỗi lọ vaccine đầy hơn một chút, nhằm tránh nguy cơ thiếu hụt và vi phạm quy định dán nhãn sản phẩm của FDA.
Tuy nhiên, Pfizer đã cho vào mỗi lọ vaccine thứ 6 một lượng chỉ vừa đủ dùng trong ống tiêm có “khoảng chết thấp”. Loại ống tiêm này được thiết kế để đảm bảo tồn dư máu và thuốc còn lại trong ống tiêm rất ít sau khi sử dụng.
Dù vậy, không phải tất cả các điểm tiêm chủng đều có sẵn loại ống tiêm này. Hơn nữa, quan chức OWS cũng phản đối vì quyết định mới có thể tạo ra khó khăn cho công tác hậu cần.
Tuy nhiên, bằng các nỗ lực của Pfizer, ngày 6/1, FDA đã cho phép sử dụng liều vaccine thứ 6, qua đó tăng hiệu quả sản xuất của công ty lên 20%.
Sau Mỹ, cơ quan quản lý châu Âu và Anh cũng quyết định tương tự. Ngược lại, ở những quốc gia như Thụy Điển, Áo và Nhật Bản, vấn đề về bơm tiêm lại phát sinh. Các nước này tuyên bố không có đủ số dụng cụ cần thiết để trích xuất vaccine từ liều thứ 6.
Trước nguy cơ hàng triệu liều vaccine có nguy cơ bỏ phí, ông Bourla đã biện minh rằng Pfizer đã nghiên cứu đến 36 cách kết hợp bơm tiêm và mũi tiêm để sử dụng liều thứ 6 của hãng.
Ông Bourla cũng nói rằng: “Sẽ là một tội ác nếu chúng ta có thể sử dụng 6 liều nhưng lại chọn cách vứt bỏ loại vaccine có thể cứu thêm nhiều sinh mạng”.
Tổng thống Biden và ông Bourla tại Anh trong dịp G7 nhóm họp vào tháng 6. Ảnh: Reuters. |
Sự khan hiếm tạo nên vị thế Pfizer
Trên thực tế, quyết định mới đã mở ra cơ hội lớn cho Pfizer. Công ty từng cam kết cung cấp cho Mỹ 100 triệu liều vào cuối quý I, giờ đã có thể nâng công suất lên 120 triệu liều. Do các quốc gia trả tiền theo liều lượng, động thái trên cũng khiến giá mỗi lọ vaccine tăng thêm 20% cho Pfizer.
Virus corona đã khiến Pfizer nhận ra trọng tâm mới trong cách hoạt động. Kết hợp với BioNTech, Pfizer đã trở thành “vị cứu tinh” giữa đại dịch. Dù có nhiều nghi ngại về khả năng hoạt động của vaccine mRNA, nhưng ông Bourla đã chấp nhận rủi ro và được đền đáp.
Vào tháng 1, trong khi Israel tìm thêm nguồn cung vaccine, nhiều quốc gia đang phải chật vật để nối lại các giao dịch với Pfizer. Ngày 8/1, khi EU đã quyết định mua thêm 300 triệu liều vaccine của hãng, Pfizer bất ngờ tuyên bố cắt giảm nguồn cung và ngừng hoạt động để bảo dưỡng cơ sở tại Bỉ.
Canada là một trong những quốc gia chịu thiệt hại từ quyết định này. Trước đó, Canada cũng đã tăng đơn hàng lên gấp đôi với mức 40 triệu liều vaccine. Sau đó, các nỗ lực đàm phán của Thủ tướng Trudeau đã thất bại và Canada trở thành quốc gia G7 duy nhất phải nhận vaccine từ cơ chế COVAX - sáng kiến của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cung cấp vaccine cho các quốc gia thu nhập vừa và thấp.
Không chỉ vậy, vaccine của Pfizer còn chậm chuyển giao cho Bahrain, Dubai và Arab Saudi. Cả Oman cũng bị cắt nguồn cung. Dù vậy, do tỷ lệ lây nhiễm thấp, tình trạng thiếu vaccine ở các quốc gia vùng Vịnh không để lại hậu quả lớn.
Ngược lại, vấn đề nghiêm trọng hơn tại Mexico. Vào thời điểm đó, quốc gia này có số ca bệnh và tử vong cao thứ ba trên thế giới. Mexico từng là quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latin thực hiện chiến dịch tiêm chủng, với việc mua được 34 triệu liều vaccine từ Pfizer vào cuối tháng 12.
Tuy nhiên, các chuyến hàng đã phải dừng lại trong vòng ba tuần sau đó. Giữa tháng 2, chỉ có thêm 500.000 liều dành cho nhân viên y tế được chuyển đến, trong khi Mexico còn chưa tiêm chủng xong cho người cao tuổi.
Pfizer đã nỗ lực trang bị cơ sở phục vụ sản xuất và thuê thêm nhân công trong nhà máy tại Bỉ. Dù vậy, động thái trên cũng không đủ để Pfizer theo kịp số đơn hàng đang chất đống. Không riêng gì Pfizer, công ty AstraZeneca sau đó cũng đã không thể giao hàng đúng hạn cho EU.
Trong bối cảnh đại dịch, việc sản xuất và đàm phán loại vaccine mới không phải là vấn đề đơn giản. Nhà phân tích Jonathan Miller cho biết: “Đây (Pfizer) là loại vaccine được sản xuất nhanh nhất; có quá trình phê duyệt và phân phối nhanh nhất; đồng thời cũng cung cấp cho người dân và phản ứng với đại dịch nhanh nhất từ trước đến nay”.
Trên thực tế, nhà chức trách từng cảnh báo thỏa thuận của các quốc gia có thu nhập cao với Pfizer có thể hạn chế quyền tiếp cận vaccine đối với các nước thu nhập thấp.
Ngay từ tháng 1, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã chỉ trích các thỏa thuận song phương và kêu gọi các nước có thu nhập cao chia sẻ vaccine. Ông cảnh báo rằng thế giới đang đối mặt với “sự thất bại thảm hại về mặt đạo đức”.
Mãi đến cuối tháng 1, Pfizer mới công bố thỏa thuận cung cấp vaccine cho COVAX. Với 40 triệu liều, cam kết của Pfizer chỉ chiếm chưa đầy 2% sản lượng công ty dự kiến trong năm 2021.
Trong khi đó, các nhà sản xuất vaccine khác đã đóng góp một khoản đáng kể vào sáng kiến này. AstraZeneca đã cam kết 170 triệu liều vaccine do công ty này sản xuất, trong khi Viện Huyết thanh SI Ấn Độ đồng ý cung cấp tới 1,1 tỷ liều vaccine loại AstraZeneca và Novavax (một nhà sản xuất ở Mỹ).
Khác với việc điều hành một cơ quan y tế cộng đồng, ông Bourla lãnh đạo một công ty với nhiều cổ đông. Ông có nhiệm vụ chốt nhanh các đơn hàng, đôi khi ở mức giá cao hơn với những khách hàng sẵn sàng chi trả.
Theo dự kiến, tỷ suất lợi nhuận của Pfizer vào khoảng 20% - mức tương đối cao trong ngành sản xuất vaccine. Trong khi Moderna đã tính phí các liều vaccine bán ra ngoài Mỹ nhiều hơn, năng lực sản xuất hạn chế hơn khiến công ty này chỉ có thể thực hiện một lượng giao dịch rất ít so với Pfizer.
Bên cạnh đó, dù AstraZeneca đã ký hàng chục thỏa thuận song phương với các chính phủ, công ty đã cam kết không thu lợi nhuận trong thời kỳ đại dịch. Khi bán cho các quốc gia, vaccine của AstraZeneca chỉ có giá vài USD một liều.
Trong bối cảnh đó, chỉ có một nhà sản xuất có khả năng thách thức vị thế dẫn đầu của Pfizer, đó là Johnson & Joshnson. Loại vaccine được công ty này phát triển có yêu cầu bảo quản đơn giản và chỉ cần tiêm một liều duy nhất.
Tuy nhiên, vaccine Johnson & Johnson đang đối mặt với một số vấn đề về chất lượng. Hồi tháng 6, FDA đã yêu cầu loại bỏ hàng triệu liều vaccine của Johnson & Johnson do một nhà máy sản xuất tại Baltimore (bang Maryland, Mỹ) gặp trục trặc, theo Reuters.
Ở thời điểm hiện tại, Pfizer vẫn có vị trí độc tôn trong cuộc chiến chống Covid-19. Vào cuối tháng 2, Tổng thống Joe Biden đã đích thân đến thăm nhà máy Pfizer ở Michigan, đồng thời trấn an công chúng rằng chính phủ chỉ đang nỗ lực để người dân Mỹ được tiêm chủng đầy đủ.
Tổng thống Biden đến thăm nhà máy sản xuất vaccine của Pfizer ở Mỹ. Ảnh: AP. |
Trong năm 2021, Pfizer dự kiến tăng công suất lên 4 tỷ liều, theo Wall Street Journal. Bên cạnh đó, ban lãnh đạo công ty cũng đang suy nghĩ về việc tăng giá vaccine trong thế giới hậu đại dịch. Giám đốc Tài chính Frank D’Amelio nói rằng thông thường, giá vaccine vào khoảng 150 đến 175 USD.
Với các biến chủng mới của virus corona, nhiều khả năng chính phủ sẽ cân nhắc đến việc tiêm các mũi nhắc lại. Trong khi đó, Pfizer cho biết cũng đang nghiên cứu một loại vaccine mới để đối phó với biến thể virus ở Nam Phi. Biến thể này có thể lây lan ở những người đã được tiêm chủng.
Ngoài ra, Pfizer cũng hy vọng cải tiến khâu bảo quản và vận chuyển vaccine, với phiên bản "đông khô" đang được nghiên cứu. Theo lời ông Bourla, công ty đang chuẩn bị cho một “thị trường mở”, nơi mọi người có thể lựa chọn vaccine với nguồn cung dồi dào.
“Một khi Covid-19 chuyển từ dạng đại dịch sang một loại hình kinh doanh vaccine, Pfizer rõ ràng sẽ có lợi thế lớn, không chỉ vì sức mạnh dữ liệu Pfizer có được, mà còn vì giá trị thương hiệu và kết hợp cùng niềm tin của mọi người”, ông Bourla tin tưởng.
Trên toàn thế giới, tình trạng thiếu hụt vaccine dần dần sẽ giảm bớt. Cho đến lúc đó, ông Bourla và Pfizer vẫn có một vị trí đặc biệt.
Cùng với Pfizer, ông Bourla thực sự là một "vị cứu tinh", một nhà lãnh đạo táo bạo thúc đẩy công ty phát triển đến mức chưa từng thấy. Dù vậy, ông Bourla cũng đã hứa hẹn nhiều lô vaccine với các chính phủ "trong vô vọng" và không thể giao hàng đúng hạn, Bloomberg nhận định.
Khi nguồn cung vaccine tăng lên, những trải nghiệm về thời kì khó khăn này có thể phai nhạt, nhưng quyết định của Bourla trong thời kỳ cao điểm của đại dịch có lẽ sẽ là một chủ đề cần được nghiên cứu.
Trên thực tế, có một khoảng trống ở vị trí người lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến chống đại dịch. Ông Bourla và Pfizer đã vươn lên vị trí đó. Dù vậy, có lẽ thế giới vẫn cần những giải pháp tốt hơn trước khi một cuộc khủng hoảng y tế khác xảy ra.