Từ năm 2020, Anh sử dụng các bộ xét nghiệm kháng nguyên tại nhà để giúp ngăn chặn kịp thời sự lây lan của nCoV. Những bộ xét nghiệm này hiện được cấp phát rộng rãi và miễn phí cho bất cứ ai có nhu cầu, dù từng xảy ra tình trạng thiếu bộ test trong làn sóng Omicron.
Người dân Anh được khuyến khích tự xét nghiệm thường xuyên và trước khi dự các sự kiện thể thao hoặc hòa nhạc.
Tại những nước như Mỹ, nơi các bộ test nhanh tại nhà còn có giá cao và khó kiếm, cơ sở hạ tầng xét nghiệm nhanh của Anh thường được nêu lên như một mô hình kiểu mẫu.
Vừa qua, chính quyền ông Biden cũng đã thông báo kế hoạch phát miễn phí 500 triệu kit xét nghiệm tới tận nhà cho người có yêu cầu. Đây là điều nên làm, theo nhận định của ông Alan McNally, giáo sư về gene vi sinh vật thuộc Đại học Birmingham (Anh), trong bài viết ngày 23/12 trên New York Times.
Nhưng nếu mọi người dân đều có thể tiếp cận các bộ test nhanh với số lượng không hạn chế, tại sao virus corona vẫn đang lây nhiễm tràn lan ở Anh? Nguyên nhân nằm ở cách sử dụng, theo giáo sư McNally.
Anh dựa vào các bộ test nhanh kháng nguyên tại nhà để chống lây nhiễm. Ảnh: Canadian Press. |
Độ chính xác của test nhanh tùy giai đoạn bệnh
Vị giáo sư nhấn mạnh test nhanh rất quan trọng trong kiểm soát đại dịch, nhưng chúng ta cần phải hiểu được ưu điểm của xét nghiệm nhanh và cách sử dụng sao cho hiệu quả nhất.
Về độ chính xác, dữ liệu tới nay cho thấy test nhanh rất hiệu quả trong việc phát hiện F0 đang ở giai đoạn có thể lây virus cho người khác, theo ông McNally.
Ngược lại, test nhanh không phải lúc nào cũng có thể phát hiện nCoV vào giai đoạn rất sớm (trước khi khởi phát triệu chứng) hoặc rất muộn (sau khi hết triệu chứng) của bệnh.
Dù vậy, điều quan trọng ở đây là trong giai đoạn rất sớm hoặc rất muộn như trên, khả năng người bệnh lây virus cho người khác là rất thấp.
Việc dễ mua các bộ test nhanh cũng khiến loại xét nghiệm này trở thành công cụ hữu hiệu. Tại Anh, test nhanh có giá thành thấp, cho kết quả trong 30 phút và bất cứ ai cũng có thể thực hiện xét nghiệm.
Một học sinh cấp 3 tự test nhanh Covid-19 tại Cheshire, Anh vào tháng 3. Ảnh: Reuters. |
Đặc điểm trên có thể giúp tách người có khả năng phát tán virus ra khỏi cộng đồng, đặc biệt là khi được dùng thường xuyên. Nếu các nước khác muốn sử dụng test nhanh làm công cụ chống đại dịch, test nhanh cũng phải có giá thành thấp và dễ tiếp cận như ở Anh.
Tuy nhiên, việc test nhanh không hợp lý sẽ không giúp làm chậm đà lây lan của dịch bệnh, theo ông McNally.
Vị chuyên gia chỉ ra rằng test nhanh rất tốt khi xác định người đang ở giai đoạn có khả năng lây virus cho người khác, nhưng lại không chính xác vào giai đoạn rất sớm của bệnh.
Người dân Anh được khuyến cáo test nhanh tối đa 24 tiếng trước khi tham gia hoạt động. Nhưng kết quả test nhanh âm tính không có nghĩa là không nhiễm virus corona.
Kết quả âm tính chỉ có nghĩa là tại thời điểm xét nghiệm, người bệnh không có đủ tải lượng virus để lây cho người khác. Điều này có thể thay đổi chỉ sau vài giờ nếu người xét nghiệm ở vào giai đoạn đầu của bệnh.
Đây là lý do ta không nên dựa vào một lần xét nghiệm nhanh âm tính để quyết định lịch sự kiện cả tuần, theo ông McNally.
Từ đó, ông McNally cho rằng người dân không nên coi test nhanh như “lệnh bài” cho phép cư xử như thể họ chắc chắn không có Covid-19.
Tuy nhiên, thông tin này đã bị lãng quên trong công tác truyền thông của chính phủ Anh, theo ông McNally.
Người dân Anh có thể đăng ký và nhận được các kit test nhanh tại nhà. Ảnh: Sky News. |
Cần test nhanh ngay trước sự kiện
Giáo sư McNally khẳng định kết quả xét nghiệm nhanh âm tính không đồng nghĩa với việc người dân có thể bỏ khẩu trang và dừng các biện pháp đề phòng ở nơi đông người.
Test nhanh có thể giúp các hoạt động trở nên an toàn hơn nhưng chưa chắc đã “miễn nhiễm” trước rủi ro lây bệnh.
Dù vậy, ông McNally vẫn cho rằng việc sử dụng test nhanh trên quy mô lớn thực sự là điều có lợi nhưng nhà chức trách cần đảm bảo nguồn cung.
Khi test nhanh có giá rẻ, dễ tiếp cận và dễ dùng, nó có thể hỗ trợ đáng kể hoặc thậm chí thay thế các chương trình sàng lọc phải phụ thuộc vào loại xét nghiệm PCR đắt đỏ và thường tốn thời gian, đặc biệt là các chương trình ở những nơi như trường học.
Nếu được dùng ngay trước khi diễn ra sự kiện, như một buổi tụ tập ngày lễ, test nhanh có thể làm giảm rủi ro lây nhiễm và tăng cường độ an toàn.
Vì thế, việc sử dụng test nhanh thường xuyên nên trở thành thông lệ xã hội, theo ông McNally.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo cần đảm bảo người dân hiểu rõ ý nghĩa của kết quả xét nghiệm nhanh âm tính. Người test nhanh âm tính có thể không có khả năng lây bệnh tại thời điểm ấy, nhưng họ vẫn có nguy cơ là F0 và có thể phát tán virus sau một thời gian.
Điều này có nghĩa người dân vẫn cần có các biện pháp đề phòng để ngăn ngừa lây nhiễm virus corona. Nếu muốn tận dụng tối đa lợi ích của test nhanh, người dân cần test ngay trước khi đi sự kiện, thay vì xét nghiệm từ một ngày trước.