Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Hậu giãn cách, dịch vụ làm đẹp tại nhà ở TP.HCM nở rộ

Một số dịch vụ làm đẹp như spa, cắt tóc, làm nails hay massage... vẫn chưa được mở cửa trở lại. Nhiều người thuê thợ đến chăm sóc tại nhà.

cham soc sac dep tai nha sau gian cach anh 1

Mất bốn ngày đặt lịch và chờ đợi, chị Nhật Anh (28 tuổi, TP Thủ Đức) và người bạn cùng nhà cũng có thể thay đổi được kiểu tóc mới sau 4 tháng giãn cách xã hội. Chị Nhật Anh không đến trực tiếp các salon tóc mà đặt hẹn thợ qua tận nhà.

"Chỗ mình ở còn là vùng cam, nên tiệm salon mình hay tới làm chưa mở lại, đành phải đặt lịch anh thợ quen thân qua nhà cắt. Tụi mình gom luôn hai đứa làm một lần, vì cả cắt cả nhuộm nên có thợ chuyên nghiệp nhận mình ưng ý lắm", chị Nhật Anh vui vẻ nói.

Tới tận chung cư làm dịch vụ

Dịch vụ làm đẹp tại nhà trước nay không hiếm, nhưng từ ngày dịch bệnh bùng phát hoạt động này lại trở nên được ưa chuộng hơn bao giờ hết bởi tính tiện dụng và việc có thể hạn chế tiếp xúc.

Nhằm đảm bảo an toàn vào thời điểm này, điều kiện đầu tiên của người sử dụng lẫn người cung cấp dịch vụ đặt ra với nhau là phải có thẻ xanh Covid.

Để thợ cắt tóc có thể lên được căn hộ của mình, chị Nhật Anh phải gửi thông tin thẻ xanh Covid của anh này cho ban quản lý tòa nhà xác nhận và nhập vào hệ thống. Đây là biện pháp mà chung cư của chị thống nhất để kiểm soát người ngoài ra vào có an toàn hay không.

Trao đổi với Zing, chị Nhật Anh chia sẻ: "Chung cư tôi ở quy định khá chặt chẽ. Anh thợ đến làm cho chúng tôi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine mới được cho phép vào trong. Thủ tục có phần rườm rà nhưng như vậy thì mình mới an tâm".

Còn chị Helen Phạm (25 tuổi, quận Bình Thạnh) cho biết đã đợi ngày thành phố mở cửa để đi làm một bộ nails mới mừng hết giãn cách. Tuy nhiên, tiệm nails vẫn nằm trong danh sách chưa hoạt động lại nên chị phải đặt lịch hẹn qua tận nhà làm cho mình.

cham soc sac dep tai nha sau gian cach anh 2

Chị Helen Phạm đã chờ thật lâu để có được bộ móng mới. Ảnh: NVCC.

Cô gái này chia sẻ trong quãng thời gian phong tỏa, chị đã tự mua đồ về làm móng tay nhưng không ưng ý. Helen Phạm phải thuyết phục chủ tiệm thân thiết đồng ý đến nhà làm cho mình.

"Tôi cũng có mua một số bộ làm sẵn, về tự dán nhưng thật ra không thấy đẹp lắm. Chị chủ tiệm quen lâu năm có nhận làm tại nhà chị ấy, nhưng vì phần cũng sợ ra đường nên tôi thuyết phục chị đến chỗ mình. Vì chị ấy tiêm đủ 2 mũi vaccine rồi nên tôi không lo lắng gì", chị Helen Phạm chia sẻ.

Vì vẫn làm việc tại nhà và dễ dàng chủ động sắp xếp thời gian, Helen Phạm cũng tranh thủ tìm kiếm thợ make-up đến tận nơi dạy trang điểm. Đây là cách chị lựa chọn để tối ưu thời gian, chuẩn bị cho ngày đi làm lại thời gian tới.

Trường hợp của chị Hải Yến (26 tuổi, TP Thủ Đức) lại khác hơn đôi chút. Thời điểm giãn cách xã hội cũng là lúc chị Yến đang dở dang liệu trình trị mụn và chăm sóc da tại một spa chuyên về thảo dược. Vì thành phố phong tỏa, chị Yến chỉ có thể uống thuốc và điều trị tại nhà.

Khi việc đi lại dễ dàng hơn, việc đầu tiên chị Hải Yến làm chính là đặt lịch chăm sóc da.

"Vì spa vẫn chưa hoạt động lại, việc nhân viên đến chăm sóc da mặt tại nhà cũng còn hạn chế lắm. Nhưng không thể dừng lại liệu trình hồi phục da quá lâu nên tôi vẫn chấp nhận thực hiện", chị Yến bày tỏ.

Bên cạnh việc chăm sóc da, chị Yến cho biết vì muốn hạn chế tiếp xúc nhiều nhất có thể, chị cũng có đặt lịch hẹn với bác sĩ đông y đến châm cứu và bấm huyệt tại nhà.

Công việc bận rộn "hậu giãn cách"

Cửa tiệm cắt tóc nơi anh Hoàng Anh (29 tuổi, TP Thủ Đức) làm việc vẫn chưa hoạt động lại vì thuộc vùng cam, người đàn ông này đăng bài nhận cắt tóc tại nhà cho cư dân ở các chung cư.

Anh Hoàng Anh cho biết thời điểm này, dù các hiệu tóc đã hoạt động lại, có nhiều người vẫn ngại ra đường cắt tóc. Mỗi ngày anh nhận hàng chục cuộc gọi, tin nhắn của khách hàng đặt lịch.

Việc đến tận nơi cắt tóc cho khách không phải chuyện mới, nhưng trước đó anh Hoàng Anh chỉ nhận lời với khách thân thiết. Hiện, tiệm vẫn chưa mở lại, còn bản thân đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine nên anh cũng mạnh dạn đi cắt nhiều hơn trước.

"Có những chung cư thì mình đến nơi đưa thẻ xanh, khai báo y tế là được vào, còn một số vẫn cấm. Nhiều lúc khách đặt lịch nhưng mình biết chung cư khó không cho vào thì cũng phải dời", anh Hoàng Anh nói thêm.

cham soc sac dep tai nha sau gian cach anh 3

Anh Nhựt Nguyễn thường nhận dạy khách học make-up trong thời điểm hiện tại. Ảnh: NVCC.

Với make-up artist Nhựt Nguyễn, anh cho biết nhu cầu trang điểm mùa này của khách cũng có nhưng không nhiều, vì các sự kiện chưa được hoạt động lại.

Phần lớn khách của anh hiện là một số nghệ sĩ cần quay game show hoặc các khách hàng muốn học make-up cá nhân.

"Vì sự kiện như đám cưới, tiệc tùng, hội họp vẫn chưa được phép tổ chức đông người nên nhu cầu của khách là học make-up tại nhà. Khách học chỗ tôi là bạn bè hoặc do người quen giới thiệu nên biết rõ nhau, kiểm tra việc tiêm vaccine cũng dễ dàng", anh Nhựt Nguyễn chia sẻ.

Các cơ sở spa, massage bấm huyệt cũng chưa thể mở cửa, tuy nhiên nhu cầu của khách hàng khá lớn. Nhiều người làm trong lĩnh vực này cũng bắt đầu thực hiện các liệu trình điều trị tại nhà.

Chị Đông Nhi, chủ một cơ sở spa tại Phú Nhuận, chia sẻ thời điểm này có không ít khách hàng vì nhiều tháng liền không được trị liệu về da nên đã liên hệ với chị để được chăm sóc tại nhà.

"Bên tôi trước có 6 nhân viên, đều đã tiêm đủ vaccine nên khách có nhu cầu thì nhân viên bên tôi vẫn có thể đến tận nơi hỗ trợ. Dù một số quy trình có thể giảm bớt nhưng khách hàng vẫn thích sự chăm sóc chuyên nghiệp. Tôi vẫn sẽ duy trì đến khi nào cho phép mở cửa lại thì thôi", chị Nhi cho biết thêm.

Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.

Dân văn phòng ở TP.HCM: 'Tôi vẫn muốn làm việc tại nhà'

Hậu giãn cách, nhiều người trẻ đã quen với cuộc sống tại nhà gặp khó khăn khi trở lại văn phòng. Một số khác vẫn lo sợ vì tiếp xúc gần làm tăng nguy cơ mắc Covid-19.

Tâm tư của F0 ở TP.HCM chưa được ra đường

Phải chờ "bình thường mới" muộn hơn, các F0 người thì lạc quan đếm ngày kết thúc cách ly, người lo lắng về đồng lương bằng 0 dai dẳng từ ngày siết chặt giãn cách.

Chàng ngoại quốc ở TP.HCM muốn thay đổi quan niệm về massage

Sau 13 năm ở Việt Nam, anh Poppet Celdrán đã phát triển ứng dụng giúp đỡ nhân viên massage thất nghiệp mùa dịch và quyết tâm thay đổi quan niệm tiêu cực về loại hình trị liệu này.

Thịnh Vũ

Bạn có thể quan tâm