“Một ngày làm F0 cách ly tại nhà, 8 ngày ở khu cách ly tập trung, 14 ngày tự theo dõi ở nhà. Tôi vẫn đếm ngược ngày tái hòa nhập với xã hội, được lên công ty, được đi siêu thị mua cả trăm món thèm bấy lâu”, chị Đ.T. (26 tuổi, quận 7) trăn trở.
Khi TP.HCM chuyển mình sau những tháng giãn cách, người dân dần trở lại nhịp sống bình thường. Nhưng trong bệnh viện, trong khu cách ly hay tại căn nhà nào đó, vẫn còn những F0 đang chờ ngày được ra đường.
3 F0 dưới đây là người trong độ tuổi lao động, dù có thể làm từ xa, công việc của họ vẫn bị gián đoạn trong thời gian điều trị. Họ mong sớm được phục hồi sức khỏe lẫn thu nhập.
Đếm ngày được “bình thường mới” muộn
Chị Đ.T. ở một chung cư trên đường Phạm Hữu Lầu (quận 7). Nguyên một tầng, nhà chị nằm trong số 2-3 căn chưa có người nhiễm Covid-19. Mỗi ngày nhìn ban quản lý đăng thông tin số ca tăng, chị hơi chột dạ chẳng biết khi nào nhà mình bị nêu tên.
Đến ngày 12/9, gia đình chị dương tính với SARS-CoV-2. “Tôi không thấy lạ khi mình bị nhiễm. Dù ở trong nhà suốt, nhưng quá nhiều nguy cơ xung quanh, xác suất nhà tôi dính virus còn cao hơn đếm mặt sấp ngửa của đồng xu”, Đ.T nói.
Sau đó, cả nhà chị được y tế phường chuyển vào khu cách ly, vài ngày trước khi quận 7 công bố “vùng xanh”. Niềm háo hức của một cư dân ở nơi được mở cửa sớm nhất thành phố nay bị dập tắt.
Ngày 22/9, gia đình chị đủ điều kiện được về nhà. Đ.T kể lúc đó chị mừng đến nỗi trong đầu nảy nhanh mấy lời hát “hết dịch đi về nhà, âm tính đi về nhà, cách ly xong đi về nhà” chế từ đoạn rap của Đen Vâu.
Dù chị T. đã âm tính nhưng người nhà còn dương tính, căn hộ chị vẫn phải dán tờ giấy đỏ trước cửa. Chị đếm ngược từng ngày hoàn thành cách ly.
Chừng nào tấm giấy đỏ trước nhà được gỡ bỏ, khi đó Đ.T. mới có thể bước vào nhịp sống trước đây. Ảnh: NVCC. |
Đ.T. là nhân viên văn phòng, có thể làm việc từ xa. Chị cho mình là người may mắn khi nhận được khá nhiều ưu ái lúc “lên chức” F0 duy nhất ở công ty, được tăng số ngày nghỉ phép, được đồng nghiệp hỏi han mỗi ngày, sếp còn sắp xếp nhân sự hỗ trợ làm thay những ngày chị cách ly tập trung.
“Mọi người hay nói đùa ngày 1/10 là ‘Tết bình thường mới’, tôi chỉ nghĩ mình đón năm mới muộn hơn thôi. Tôi vẫn mong được gặp bạn bè, đồng nghiệp, mong cảm giác chạy xe trên đường, tận tay bỏ mấy món đồ vào giỏ siêu thị. Chắc chẳng ai nghĩ có ngày mình lại muốn làm mấy việc cỏn con vậy ha”, Đ.T. bày tỏ.
Khi được hỏi liệu có lo ngại mọi người xa lánh khi biết mình là F0, Đ.T. lạc quan lắc đầu. Chị cho rằng sẽ không ai tránh một F0 đã khỏi bệnh, vì trong người họ đã có miễn dịch, thậm chí còn an toàn hơn chiếc “thẻ xanh” 2 mũi vaccine.
Sốt ruột đi làm sau nhiều tháng thất nghiệp
Anh P.Q. (25 tuổi, quận Bình Thạnh) làm thiết kế công trình nhà ở, cần đi thực địa và gặp gỡ nhiều khách hàng lẫn nhân viên. Công việc của anh tạm gián đoạn khi số ca nhiễm ở TP.HCM tăng mạnh.
“Nếu chịu khó ngồi đợi ngày thành phố mở cửa, tôi được đi làm, thì không có gì đáng nói. Nhưng không may, tôi bị nhiễm Covid-19 ngay một ngày trước lịch tiêm mũi 2, khi còn 15 ngày nữa nới lỏng giãn cách”, Q. cho biết.
Đèn của tòa bệnh viện dã chiến đối diện như những ánh sao đêm trong mắt P.Q., là khung cảnh yêu thích của anh suốt những ngày điều trị. Ảnh: NVCC. |
P.Q. là một F0 có triệu chứng Covid-19 rõ rệt với nồng độ virus trong người cao, nên được điều trị trong bệnh viện thu dung tại TP Thủ Đức. Bà nội anh bị nhiễm trước đó, anh một mình chăm bà cách ly tại nhà, sau đó bị lây nhiễm từ bà.
10 ngày trong bệnh viện, bị chuyển từ khu điều trị nhẹ sang nặng, P.Q. vừa lo lắng vừa mệt mỏi, bắt đầu suy tính về những chuyện tương lai.
Trở về nhà sau những tuần điều trị ở bệnh viện, Q. thoải mái khi không còn nghe tiếng còi cứu thương, tiếng xe băng ca luân chuyển bệnh nhân.
Nhưng anh mới chỉ được chứng kiến thành phố hồi phục qua cửa kính xe taxi trên đường từ bệnh viện về nhà.
Nhiều tháng thất nghiệp đã khiến thu nhập của anh bị ảnh hưởng không nhẹ. Anh luôn mong hết bệnh nhanh để về lao vào kiếm tiền.
Chia sẻ với Zing, anh Q. cho biết trong khu điều trị còn không ít người lao động thất nghiệp nhiều tháng nay, chẳng may phải kéo dài thời gian nằm viện. Họ tâm sự qua nhóm chat, bày tỏ khát khao được quay trở lại làm việc sau khi lành bệnh.
“Dẫu người ta lo lắng, nhưng trạng thái bình thường mới của thành phố sẽ là một yếu tố tác động tích cực trong việc điều trị cho các bệnh nhân, mang đến hy vọng và động lực khỏi bệnh cho họ”, P.Q. cho hay.
Nỗi lo về sức khỏe hậu F0
Anh A.K (29 tuổi, ngụ ở chung cư trên đường Đào Trí, quận 7) và bạn cùng nhà từng có triệu chứng và dương tính với SARS-CoV-2 qua test nhanh hồi tháng 8. Hai người đã tiêm mũi 1 vaccine ngừa Covid-19 trước đó.
“Chúng tôi rất hoang mang, bạn kia có bệnh nền, còn tôi bị mệt. Điều đáng nói là chúng tôi không hề tiếp xúc ai sau khi đi tiêm mũi 1, tôi lo bị lây nhiễm từ người xếp hàng đợi tiêm, sợ vaccine chưa kịp có hiệu lực”, anh K. băn khoăn.
Người đã tiêm vaccine vẫn có nguy cơ nhiễm Covid-19. Ảnh minh họa: Hoàng Giám. |
Do triệu chứng không quá nặng, K. được bác sĩ hướng dẫn chữa bệnh từ xa, túi thuốc F0 được chuyển đến nhà, tự cách ly trong căn hộ. Sau khi đã âm tính qua nhiều lần test nhanh, A.K. và bạn đợi ngày đi tiêm mũi 2.
Mỗi ngày ở nhà, K. tự tăng thể lực bằng cách sinh hoạt điều độ hơn, ăn nhiều chất bổ, tập thể dục thường xuyên. Biết F0 bản chất có kháng nguyên còn cao hơn những người tiêm 2 mũi vaccine, nên anh yên tâm phần nào về việc không trở nặng.
“Tuy nhiên, sức khỏe tôi hiện còn hạn chế, thỉnh thoảng mệt mỏi, thở khó. Muốn đi làm lại sau giãn cách, nhưng chưa thể. Đó là điều tôi lo lắng”, A.K. cho hay.
Nam nhân viên văn phòng dự định tiêm mũi 2 vào cuối tháng 10. Anh cho biết sẽ đi xét nghiệm PCR trước khi đi làm trở lại.
A.K. là F0 bệnh nhẹ, tự điều trị tại nhà và sớm khỏi trước khi được cơ quan y tế xác nhận. Trường hợp của anh được bên y tế khuyên tiêm bổ sung mũi 2 khi bình phục hoàn toàn, để có “thẻ xanh” được tham gia các hoạt động trong thành phố.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.