Bức ảnh duy nhất của Jim Reischl và bạn gái người Việt chụp trước ngày người lính Mỹ về nước. Ảnh: CBS |
Chuyện tình thời chiến
Từ năm 1969 đến 1970, cũng như phần lớn thanh niên Mỹ, Jim Reischl (bang Minnesota), tham gia cuộc chiến ở Việt Nam. Khi đó ông 21 tuổi. Những ngày mới đến, Reischl còn rụt rè và chưa bắt nhịp với cuộc sống ở đất nước xa lạ.
Ba tháng sau, anh quyết định đi theo một người bạn để vào thành phố giải trí. Khi đến một quán bar, Reischl gặp nữ phục vụ tên Linh Hoa. Cô để tóc dài chấm lưng và biết nói tiếng Anh. Sau một hồi trò chuyện, người lính Mỹ đã mê đắm cô gái.
Reischl và Linh Hoa bắt đầu mối quan hệ tình cảm. Họ thuê phòng trên tầng 3 của một căn hộ với giá 5 USD một tháng để sống cùng nhau. Nơi này không cách xa căn cứ không quân của Reischl.
Đầu tháng 7/1970, Reischl kết thúc thời hạn nghĩa vụ trong quân đội. Trước ngày rời Việt Nam, Linh Hoa đã tiết lộ một sự thật khiến ông kinh ngạc. "Cô ấy nói đang mang thai. Làm sao tôi có thể tin Hoa? Rồi Hoa nói cô muốn cùng về Mỹ với tôi", ông Reischl nhớ lại.
Khi đó, Reischl không tin người tình. Ông cho rằng Hoa muốn gài bẫy để được bảo lãnh sang Mỹ. Đây là điều mà các sĩ quan cấp trên liên tục nhắc nhở binh sĩ của họ phải cảnh giác.
Tuy nhiên, sau gần 45 năm, trải qua 2 cuộc hôn nhân thất bại và tình hình sức khỏe kém dần do ảnh hưởng chất độc màu da cam, ông Reischl bắt đầu nhớ về câu nói năm xưa của Linh Hoa. "Tôi cần cô ấy xác nhận sự thật. Liệu chúng tôi thực sự có con với nhau hay không. Đó là những gì tôi muốn biết", Reishl nói với tờ Washington Post.
Hành trình tìm kiếm
Theo CBS, cựu binh trở lại Việt Nam năm 2011 để bắt đầu hành trình tìm kiếm. Cùng đi với Reischl là đồng đội cũ Dennis Hall. Ông Hall cũng đang nỗ lực tìm kiếm tình nhân cũ và con của họ. "Chúng tôi đã ở độ tuổi gần đất xa trời nên rất muốn biết sự thật về những chuyện trong quá khứ", ông Hall nói.
Reischl trong lần đến Việt Nam vào tháng 3/2015. Ảnh: Washington Post |
Reischl không phải cựu binh Mỹ duy nhất muốn tìm lại người tình một thời ở Việt Nam, và có thể là cả những đứa con chưa từng biết mặt. Theo Washington Post, trong giai đoạn tham chiến ở Việt Nam, việc cựu binh Mỹ quan hệ tình cảm với phụ nữ bản địa là chuyện không thể tránh khỏi.
Nhóm của Reischl đã liên hệ với một phiên dịch viên người Việt để đăng thông báo tìm kiếm Linh Hoa trên các tờ báo địa phương. Ông thậm chí thử thuật thôi miên với hy vọng có thể nhớ địa chỉ mà cô viết trong một mảnh giấy cho mình. Reischl đã bỏ tờ giấy này. Đây là hành động khiến ông hối hận trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, những nỗ lực của Reischl đều không đạt kết quả.
Reischl cũng đã tìm về con phố ông và Linh Hoa từng chung sống. Với kinh nghiệm của một chuyên gia bản đồ, Reischl có thể xác định vị trí khu nhà năm xưa. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn so với giai đoạn chiến tranh, ngôi nhà không còn, tên đường và số nhà đều thay mới sau ngày giải phóng miền Nam.
Reischl vẫn giữ tấm hình chụp cuối cùng của ông với Linh Hoa. Họ chụp vội cùng nhau trước khi Reischl bước lên xe. Bức hình đã mờ dần theo năm tháng. Tuy nhiên, những ám ảnh về cuộc tình thời chiến của Reischl vẫn luôn hiện hữu.
"Cô ấy rất có thể đã chuyển nơi ở xung quanh đây thôi. Tôi ước gì mình có nhiều thông tin hơn. Tôi sẽ không ngừng tìm kiếm", cựu binh Mỹ khẳng định.