Thế giới
Tư liệu
Số phận những đứa trẻ lai 40 năm sau chiến tranh
- Chủ nhật, 19/4/2015 06:09 (GMT+7)
- 06:09 19/4/2015
Dù mẹ hắt hủi, Nguyen Thi Thuy vẫn hy vọng các dữ liệu về DNA sẽ giúp cô đoàn tụ với cha ruột, một lính Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam cách đây 4 thập kỷ.
|
Theo Washington Post, cậu bé Dang Van Son luôn phải chịu sự ngược đãi của cha dượng. Son thường tự hỏi tại sao ông ta lại đối xử với anh khác so với 7 anh, chị, em còn lại. Người đàn ông tự tìm ra câu trả lời sau khi một người cô của Son tiết lộ, anh là con của một lính Mỹ.
|
|
48 năm trước, mẹ của Son, bà Nguyen Thi Canh, nảy sinh tình cảm với Jackson, một binh sĩ Mỹ, khi anh này đóng quân tại căn cứ Long Bình, gần Sài Gòn. Son là kết quả của mối tình ấy. Sau khi bà Canh qua đời vì ung thư năm 2000, Son vào Sài Gòn lập nghiệp với 2 USD trong túi. Anh làm mọi công việc với đồng lương ít ỏi. Nhưng nhờ tính tiết kiệm, Son vẫn tích cóp đủ tiền để mở một cửa hàng sản xuất phấn may. Giờ đây, anh trở thành ông chủ của một doanh nghiệp và có một gia đình hạnh phúc.
|
|
Lần đầu tiên nhìn thấy Le Thi My Thuy cách đây 15 năm, Nguyen Thanh An biết rằng, cô gái ấy cũng là con lai như anh. An và Thuy bắt đầu hẹn hò. Họ sinh con và kết hôn vào năm 2007. Hiện tại họ sống tại tỉnh Bình Dương. “Vợ chồng tôi giống nhau về quá khứ và cảm xúc”, An, 45 tuổi, tâm sự. Sau tháng 4/1975, một gia đình nhận An (lúc ấy mới chỉ là một đứa trẻ) làm con nuôi. Tuy nhiên, bố mẹ nuôi của anh không phải là người tốt. Họ có ý định bán An cho những kẻ muốn lợi dụng nguồn gốc của anh để kiếm tấm vé nhập cư vào Mỹ. An trốn khỏi gia đình ấy. Tuổi thơ của anh gắn liền với cô nhi viện hay những năm lang thang trên các con phố.
|
|
Trong khi đó, số phận của Thuy cũng giống nhiều đứa trẻ lai khác. Khi cuộc chiến kết thúc, cô và mẹ ruột sống tại một trại lao động nông thôn và sau đó làm nghề chài lưới. An và Thuy đều không có thông tin về cha ruột của họ, dù cả hai đều biết họ là con của lính Mỹ trong cuộc chiến 40 năm trước. |
|
Tran Thi Huong là con của một trung sĩ quân đội Mỹ từng đóng quân tại căn cứ không quân Cam Ranh. Năm 1969, người cha của Huong rời căn cứ, để lại người yêu và con gái chung của họ. Huong có một tấm ảnh chụp chung giữa cô và cha.
|
|
Nhiều năm sau chiến tranh, nhờ sự giúp đỡ của An Tran, một người anh họ, và một nhóm tình nguyện viên, Huong biết cha ruột đang sống ở thành phố Cleveland, bang Ohio, Mỹ. Dù những chị, em cùng cha khác mẹ của Huong chào đón cô, người cha già cộc cằn lại không muốn liên lạc với con gái mà ông bỏ rơi. Theo một thống kê của chính phủ Mỹ, nhiều cựu binh từng tham chiến tại Việt Nam không muốn lộ diện hoặc chỉ muốn quên quá khứ. Trong khi đó, Huong vẫn mong gặp cha. “Tôi thực sự muốn thấy cha một lần. Liệu một ngày nào đó ông sẽ gặp tôi hay không?”.
|
|
Thuở ấu thơ, sự khác biệt về mái tóc, màu da khiến Nguyen Thi Thuy trở thành tâm điểm để các bạn cùng lớp và những trẻ hàng xóm trêu chọc, bắt nạt. Thậm chí đám bạn còn gọi Thuy là “người Mỹ da đen” và ném đá hay dùng gậy để chọc ghẹo cô. Thuy là con của một người phụ nữ Việt Nam và lính Mỹ. Sau khi chiến tranh kết thúc, mẹ ruột của cô phải trao con gái cho gia đình khác.
|
|
Năm 18 tuổi, Thuy tìm thấy mẹ ruột ở một thị trấn cách nơi ở của cô khoảng một giờ lái xe. Tuy nhiên, niềm vui của Thuy vỡ tan vì mẹ tỏ ra không vui khi gặp con gái. Sau khi bỏ rơi Thuy, bà kết hôn với một người đàn ông Việt và sinh 5 con. Bà sợ rằng sự xuất hiện của Thuy sẽ phá vỡ cuộc sống êm ả. Ở tuổi 42, khi đã là mẹ của hai cô con gái, 12 và 14 tuổi, Thuy lại tiếp tục tìm cha dựa trên thông tin về danh tính của ông mà mẹ ruột cung cấp. Thuy hy vọng dữ liệu về DNA sẽ giúp cô sớm gặp cha. Đối với Thuy, ý nghĩ về ngày đoàn tụ với cha đẻ là động lực duy nhất giúp cô vượt qua sóng gió trong nhiều năm.
|
|
Nguyen Thanh Trung, 47 tuổi, chỉ biết tên cha ruột của anh là Sandy. Ông là lính thuộc Sư đoàn bộ binh số 25 của Mỹ tại Củ Chi. Mẹ của Trung là một phụ nữ Việt. Khi bà mang thai tháng thứ 5, chàng lính Mỹ rời nơi đóng quân và hứa rằng ông sẽ quay trở lại để tìm bà và con. Mẹ của Trung chờ đợi người đàn ông đó trong 20 năm. Sau khi chiến tranh kết thúc, giống như nhiều phụ nữ có con với lính Mỹ, mẹ của Trung đốt hết thư và ảnh của “người yêu”. Mọi vết dấu về cha của Trung không còn từ thời khắc đó. Hiện tại Trung sống cùng vợ tại Củ Chi. Họ muốn nhập cư vào Mỹ nhưng không có giấy tờ pháp lý.
|
Hải Anh
Ảnh: Washington Post
Anh
chiến tranh
Việt Nam
con lai
Mỹ
binh sĩ
cha đẻ