Buổi biểu diễn môtô quanh miệng "giếng tử thần" là khoảnh khắc duy nhất khiến Paul Luning rùng mình khi ở Pakistan. Ảnh: BTH |
Tháng 3/2014, anh Paul Luning, bang California, Mỹ, quyết định khám phá cuộc sống hàng ngày tại những đất nước mà báo chí mô tả là "nơi đáng sợ nhất hành tinh".
Luning quyết định nghỉ việc. Anh lên danh sách những quốc gia "nguy hiểm" thường gắn liền với các cuộc nội chiến, khủng bố, tham nhũng, thiên tai và nạn đói. Sau hơn một năm, Luning đã đến các nước gồm Pakistan, Afghanistan, Somalia, Iran, Mali và Congo.
"Ông sẽ bị nổ tung" ở Pakistan
Giữa tháng 4/2014, Luning đến Pakistan. Một cậu bé trên đường hỏi anh đến từ đâu. "Nước Mỹ", Luning đáp nhanh. Cậu bé trả lời: "Vậy thì anh coi chừng sẽ bị nổ tung".
Khi nghe điều này, Luning bắt đầu lo sợ và nghĩ đến những lời cảnh báo về Taliban và khu nhà của Osama bin Laden. Tuy nhiên, cậu bé cười lớn: "Tôi chỉ nói đùa thôi, rồi anh sẽ thích nơi này. Người Mỹ luôn hiểu sai về Pakistan. Lahore chính là thủ đô 'tiệc tùng'".
Dù luật pháp Pakistan cấm việc buôn bán rượu và thức uống có cồn, Luning không khó khăn để tìm một chai bia. Anh cũng phát hiện giới trẻ ở nước này tiệc tùng đến tận 3h sáng.
Khoảnh khắc rùng mình nhất của Luning là khi anh chứng kiến những tay đua môtô chạy trên những bức vách của "giếng tử thần" trong một hội chợ.
Gặp cựu chiến binh thánh chiến ở Afghanistan
Một buổi biểu diễn âm nhạc ở Afghanistan. Ảnh: BTH |
Khác với những suy nghĩ từ trước, mỗi người mà Luning gặp tại Afghasnitan đều muốn quân đội Mỹ ở lại đây. Cuộc sống dưới sự cai trị của Taliban là thời kỳ kinh hoàng nhất của người dân Afghanistan.
Trong một lần leo ngọn đồi xung quanh thủ đô Kabul, Luning gặp Sayed. Sayed từng là một thủ lĩnh thánh chiến những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ 20, nhưng anh không muốn tiếp tục cầm súng nữa. Sayed mời Luning đến nhà riêng ở ngoại ô và chia sẻ về cuộc đời của anh.
Sayed kể, một trong những sự kiện không thể quên là việc anh cứu một thiếu niên khi đám đông cố giết cậu. Khi Taliban chiếm quyền kiểm soát quê hương của Sayed, phiến quân đẩy mọi người vào hoàn cảnh gần như chết đói.
Tình cờ, Sayed gặp lại thiếu niên năm xưa mà anh từng cứu sống. Cậu đã trở thành một chỉ huy. Người thiếu niên đã trả ơn Sayed bằng việc gửi cho anh 50 ổ bánh mỳ mỗi ngày, đủ để Sayed và cả làng sống sót. Từ đó, Sayed luôn tự nhủ cố gắng đối đãi tử tế với mọi người.
Mali, vùng đất "tập dượt" của khủng bố
Một câu lạc bộ náo nhiệt ở Mali. Ảnh: BTH |
Năm 2012, Mali xảy ra cuộc chiến giữa quân đội chính phủ và nhóm chiến binh du mục Tuareg. Sự việc dẫn đến một cuộc lật đổ, những phần tử Hồi giáo cực đoan thắng thế trước quân đội, tham vọng xây dựng một đất nước cai trị bằng Luật Sharia.
Tháng 1/2013, chính phủ Pháp điều quân can thiệp và hỗ trợ quân đội Mali. Vài tháng sau, họ chiếm lại toàn bộ những vùng đất mà phiến quân chiếm đóng. Giới truyền thông gọi Mali là "nơi tập dượt của khủng bố". Điều này như dấu chấm hết cho ngành du lịch của Mali vốn đóng góp 5% GDP.
Khi Luning đến Mali vào năm 2014, nhiều người nói anh chính là du khách đầu tiên mà họ gặp sau nhiều tháng. Hơn 90% người dân Mali theo đạo Hồi. Tuy nhiên, Luning cho biết tất cả những người mà anh đã gặp đều rất ôn hòa.
"Bia bán ở khắp nơi và rất rẻ. Các cô gái mặc váy ngắn nhiều hơn số người đeo khăn che đầu. Trai gái tỏ tình công khai ở nơi công cộng. Các câu lạc bộ luôn náo nhiệt về đêm với khiêu vũ và âm nhạc. Tôi chưa bao giờ nghĩ là một đất nước Hồi giáo lại 'thoáng' như vậy", Luning nói.
Somalia, "thủ phủ bắt cóc" của thế giới
Người dân ở Somaliland. Ảnh: BTH |
Chính phủ Mỹ từng khuyến cáo người dân không nên đến Somalia. "Mọi công dân khi có ý định đến Somalia đều nên mua bảo hiểm chăm sóc sức khỏe và chống bắt cóc trước chuyến đi", thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ viết.
Tuy nhiên, một số người bạn của Luning nói, Somaliland - khu vực tự trị của Somalia được quốc tế công nhận - an toàn hơn miền nam. Khi đến Somaliland, Luning cho biết anh đi lại giữa thành phố rất thoải mái, dùng bữa ở các quán ăn địa phương, lái xe đến vùng nông thôn.
Một lần, Luning hỏi chủ nhà trọ về Al-Shabaab, nhóm phiến quân cực đoan khét tiếng với những cuộc tấn công ở khắp Đông Phi. Người đàn ông cho biết: "Người dân Somaliland không dung thứ với những kẻ cực đoan. Nếu một ai đó tán thành tư tưởng của Al-Shabaab, chúng tôi sẽ báo cáo cảnh sát và họ sẽ bị bắt ngay".
Hơn 10 năm sau khi tuyên bố tự trị, Somaliland chỉ xảy ra duy nhất một vụ tấn công khủng bố. Nước này đã 4 lần tổ chức bầu cử lãnh đạo trong dân chủ.
Cộng hòa Dân chủ Congo, nước nghèo nhất thế giới
Hoàng hôn bình yên bên bờ sông Congo. Ảnh: BTH |
Cuối thế kỷ 19, Quốc vương Bỉ Leopold xem Congo như khu săn bắn cá nhân. Ông đã ra lệnh tàn sát gần một nửa dân số nước này. Một thế kỷ sau, CHDC Congo chứng kiến cuộc nội chiến thảm khốc khiến hơn 5 triệu người thiệt mạng. Hiện tại, đây là nước nghèo nhất thế giới và là một trong những vùng đất được coi là nguy hiểm nhất.
Khi Luning dừng chân ở Rwanda, những người biết ý định sang Congo của anh đều khuyên anh thuê một xe bọc thép khi đi lại tại thủ đô Kinshasa. Ngoài ra, họ cảnh báo anh sẽ gặp một thành phố ngổn ngang, những tay tài xế rất ẩu và cảnh nghèo đói khắp nơi.
Trên thực tế, khi Luning dạo chợ trung tâm ở Kinshasa, anh không bị nhiều người quấy rầy. Luning tận hưởng những cốc bia mát lạnh bên bờ sông Congo, ăn tối bằng thịt dê và gà nướng dọc đường. Dù thừa nhận thủ đô Kinshasa vẫn đối mặt với tình trạng nghèo đói và tội phạm, "việc định danh đất nước này là 'đáy địa ngục' không hoàn toàn đúng'", Luning kể về những trải nghiệm của mình.