Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hành trình hội họa của họa sĩ Lưu Công Nhân

Sách "Lưu Công Nhân và hội họa" là biên khảo giới thiệu cuộc đời, sự nghiệp, phong cách riêng của vị họa sĩ tên tuổi trong nền nghệ thuật hiện đại Việt Nam.

Sách "Lưu Công Nhân và hội họa".

Ấn phẩm là biên khảo đầu tiên về hành trình hội họa của họa sĩ Lưu Công Nhân (1929-2007), người có nhiều đóng góp quan trọng trong lịch sử hội họa hiện đại Việt Nam.

Công trình được xây dựng từ nguồn dữ liệu văn bản, hình ảnh do anh Lưu Anh Tuấn, con trai út của cố họa sĩ cung cấp cùng nguồn tài liệu do tác giả là nhà báo Đào Mai Trang thu thập từ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, các bộ sưu tập tư nhân trong nước và nước ngoài.

Ấn phẩm gồm ba chương. Trong đó, chương đầu ghi lại các mốc thời gian quan trọng trong hành trình nghệ thuật Lưu Công Nhân từ thuở ấu thơ đến khi ông tạ thế; Chương 2: “Chúng ta là họa sĩ” gồm 4 phần nội dung chính: Về việc vẽ, Về cái đẹp, Về đồng tiền, Họa sĩ-anh là ai? Chương này bao gồm các trích đoạn từ các “cái viết” của Lưu Công Nhân, gồm nhật ký, thư gửi bạn hữu, bài báo, ghi chép rời, sổ ghi chép và thư không gửi;

Chương 3: “Vẽ Lưu Công Nhân” gồm ba phần: Vẽ một người tài, Vẽ một người trọng tình, Vẽ một người mơ. Chương này bao gồm trích đoạn từ những gì người khác viết về ông, qua đó hé mở những góc nhìn khác về một Lưu Công Nhân mà nhiều thế hệ công chúng tưởng như đã quen, đã biết.

Anh Lưu Anh Tuấn, con trai họa sĩ Lưu Công Nhân cho hay cuốn sách được cô đọng từ hàng chục kilogram tranh vẽ, ghi chép, thư từ cá nhân, chứa đựng những tâm sự riêng tư của ông với chính ông, những điều mà ông không thể nói cùng ai đó.

Lưu Công Nhân là họa sĩ tên tuổi của mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Ông là một trong 22 sinh viên của khóa Mỹ thuật kháng chiến, khóa học chính thức đầu tiên của trường Mỹ thuật Việt Nam.

Theo nhà báo Đào Mai Trang, đóng góp cho hội họa Việt Nam của Lưu Công Nhân được ghi nhận ở việc ông đã xây dựng một thế giới thẩm mỹ riêng khởi nguồn từ hình ảnh người phụ nữ nông thôn miền Bắc Việt Nam, tảo tần, giản dị và thuần hậu; và tinh thần tiến bộ của ông trong hoạt động nghề nghiệp, trách nhiệm của ông với sự sáng tạo cá nhân và đóng góp xã hội của một nghệ sĩ.

Rất nhiều chi tiết trong ấn phẩm Lưu Công Nhân và hội họa sẽ minh chứng điều này. “Lưu Công Nhân viết nhiều, có lẽ không kém việc vẽ. Bên cạnh đó, việc đọc sách được ông rất coi trọng. Những trang viết của ông khiến chúng ta thấy thêm sự lấp lánh trong tư duy thẩm mỹ của một người sáng tạo”, nhà báo Đào Mai Trang chia sẻ.

Cái nhìn bao quát về một nền hội họa lâu đời trên thế giới

Tạ Duy đã cố gắng tận dụng tối đa vốn kiến thức và sự hiểu biết của mình để đem đến cho độc giả một cái nhìn bao quát nhất về nền hội họa Trung Quốc.

Giúp cảm thụ sâu hơn tác phẩm của danh họa

Không chỉ tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp của người nghệ sĩ, những sách ảnh, tranh về các bậc thầy danh họa phương Tây còn giúp người yêu hội họa cảm thụ sâu hơn tác phẩm của họ.

https://cand.com.vn/doi-song-van-hoa/ra-mat-cuon-sach-luu-cong-nhan-va-hoi-hoa-i671551/

VNCA/Công an Nhân dân

Bạn có thể quan tâm