Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cái nhìn bao quát về một nền hội họa lâu đời trên thế giới

Tạ Duy đã cố gắng tận dụng tối đa vốn kiến thức và sự hiểu biết của mình để đem đến cho độc giả một cái nhìn bao quát nhất về nền hội họa Trung Quốc.

Sách "Lược sử Trung Quốc họa". Ảnh: Thành Đông.

Trung Quốc có một nền hội họa lâu đời “và có thể nói là nền hội họa duy nhất trên thế giới có sự truyền thừa và tiếp nối liên tục không gián đoạn suốt hàng thiên niên kỷ”.

Khởi nguồn từ những trang trí và tạo hình thời đồ đá mới, mà chủ yếu được tạo tác trên gỗ, đá, xương, đặc biệt là gốm, cho đến những hoa văn được chế tác trên đồng thời Hạ Thương Chu, hay điêu khắc, nghệ thuật bích họa thời Tần Hán, kỹ thuật hội họa của Trung Quốc đã phát triển thành một loại hình nghệ thuật cổ điển, điển hình cho trí tuệ và văn hoá truyền thống của quốc gia này.

Cuốn Lược sử Trung Quốc họa của tác giả Tạ Duy là một trong những “cuốn thông sử” về nền hội họa này. Tác giả đã cố gắng tận dụng tối đa vốn kiến thức và sự hiểu biết của mình để đem đến cho độc giả một cái nhìn bao quát và súc tích nhất về toàn bộ nền hội họa Trung Quốc, tính từ khởi thủy cho đến hiện tại.

Đem kiến thức về hội họa Trung Quốc đến độc giả Việt Nam

Tạ Duy sinh năm 1989 tại Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành hội họa tại Việt Nam, anh tiếp tục sang tu nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Trung Quốc họa tại Học viện mỹ thuật Trung Quốc. Từ 2016 đến nay, anh là giảng viên khoa thiết kế đồ họa tại đại học FPT.

Chia sẻ lý do viết cuốn Lược sử Trung Quốc họa, Tạ Duy cho biết từ sau khi về Việt Nam và thực hiện các cuộc triển lãm cá nhân, anh liên tục nhận được những câu hỏi của khán giả, chẳng hạn như: Trung Quốc họa là gì? Thủy mặc họa là gì? Tả ý họa là gì? Thế nào là công bút họa? Danh họa Trung Quốc ngoài Tề Bạch Thạch còn ai nữa không?...

“Nhận thấy sự hiểu biết về loại hình nghệ thuật này của người Việt còn khá hạn chế nên tôi nghĩ rằng mình sẽ viết một cuốn sách để phù hợp với đại đa số độc giả, thích hợp cho cả đối tượng hoạt động trong và ngoài lĩnh vực mỹ thuật”, Tạ Duy nói.

Tuy nhiên, khi lên kế hoạch khởi thảo cuốn sách, Tạ Duy vẫn còn những vấn đề băn khoăn nhất định. Anh cho biết đối tượng của cuốn sách là người Việt, vậy thì nên viết cái gì và viết như thế nào. Bởi lẽ, Trung Quốc họa có lịch sử hàng nghìn năm, nếu viết tất cả khía cạnh thì mình sẽ không đủ sức, mà độc giả cũng chưa có nhu cầu sâu đến thế. Chính vì vậy anh quyết định viết một cuốn lược sử để đưa ra cái nhìn bao quát về nền hội họa lâu đời nhất thế giới này.

Kể về quá trình viết cuốn sách, Tạ Duy cho biết, nếu không tính thời gian sưu tầm tài liệu thì từ khi chính thức viết đến khi hoàn tất là gần 3 năm và gần như ngày nào anh cũng viết.

Anh cũng cho biết hầu hết tài liệu anh sưu tầm được là từ các trước tác có uy tín. Ngay cả những lời bình phẩm trong cuốn sách đều là lời của cổ nhân, chứ tác giả không đưa ra “thiển ý” cá nhân nào.

Luoc su Trung Quoc hoc anh 1

Bức Bồng lai tiên đảo đồ của Viên Giang (1671-1746). Nguồn: Sina.

Dòng chảy nghìn năm không gián đoạn của hội họa Trung Quốc

Về bố cục của cuốn sách, Lược sử Trung Quốc họa đã mô phỏng theo lối biên soạn sử thường thấy của tiền nhân. Tác giả nêu khái quát diện mạo hội họa từ thời tiền sử đến thời Tần Hán, từ thời Ngụy Tấn Nam - Bắc triều, thời Tùy Đường, thời Ngũ Đại, Tống, Liêu, Kim, thời Nguyên, thời Minh, thời Thanh, cho đến Trung Quốc họa thế kỷ 20.

Sau đó, tác giả mới lược thuật về 380 họa gia tiêu biểu nhằm minh họa rõ hơn cho phần khái quát trước đó. Trong số những họa gia ấy, có những đại diện chúng ta chưa từng nghe thấy, có những cái tên quen thuộc mà chúng ta đã từng biết như Mễ Phất, Tạ Hách, Tề Bạch Thạch.

Và xuyên suốt dòng chảy ấy, bức tranh về Trung Quốc họa hiện lên từ khái quát đến chi tiết, vừa giúp người đọc hình dung về một nền mỹ thuật. Bên cạnh đó, cuốn sách còn soi chiếu phong cách của từng giai đoạn sau hàng thế kỷ “thương hải tang điền” (bãi bể nương dâu), với những biến thiên không ngừng nghỉ theo thời đại.

Chẳng hạn, cuốn sách đã tái hiện nền văn hóa nghệ thuật thời Đường đã đạt đến thành tựu chói lọi trong nhiều lĩnh vực, từ thi ca, âm nhạc, vũ đạo cho đến thi pháp hội họa đều phát triển rực rỡ, trở thành mẫu mực cho muôn đời.

Tác giả đã kể tên các họa gia ở mọi thể loại như Diêm Lập Bản, Ngô Đạo Từ, Chu Phường… với thành tựu về nhân vật họa. Vương Duy, Vương Mặc, Lý Tư Huấn… với thành tựu sơn thủy họa. Điêu Quang Dận, Biên Loan, Tiết Tắc… với thành tựu điểu họa. Hàn Cán, Tào Bá… với thể loại tranh yên mã…

Hay như Nhà Tống sau khi kiến quốc đã cho lập Hàn lâm đồ họa viện là nơi quy tụ những người có tài vẽ trong thiên hạ.

Họa viện Bắc Tống ngay từ khi thành lập, nhờ những chính sách bao dung trọng dụng nhân tài của Tống Thái Tổ mà sở hữu được một lực lượng họa gia hùng hậu, trở thành họa viện có quy mô lớn nhất trong lịch sử.

Cuốn sách cũng tái hiện một thời đại phục hưng của văn hóa Hán trong thời Minh - sau gần một thế kỷ chịu sự thống trị của ngoại tộc.

Đến đầu thế kỷ 20, vào những ngày tháng cuối cùng của nhà Thanh, nhiều luồng tư tưởng nghệ thuật mới tràn vào Trung Quốc, nhiều tri thức cấp tiến đã mạnh dạn dấn thân vào cách thức thể hiện mới. Họ học phương Tây, học Nhật Bản, tạo nên nhiều xu hướng cải cách đa dạng, tạo tiền đề cho bối cảnh trăm hoa đua nở của hội họa Trung Quốc trong thế kỷ 20.

Qua những thông tin được trình bày một cách có hệ thống trong sách, Lược sử Trung Quốc họa đã đưa ra cái nhìn bao quát về nền hội họa lâu đời nhất thế giới. Qua cuốn sách này, tác giả Tạ Duy hy vọng góp một chút công sức nhỏ bé trong việc truyền tải những giá trị nhân văn của nghệ thuật Á Đông đến với độc giả Việt Nam.

Những cuốn sách được đề cử Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ năm

Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia đã tập hợp được những tác phẩm hay, có giá trị để xét trao giải năm nay.

Giải mã ẩn số trong tác phẩm văn học trung đại Việt Nam

Bằng tri thức tổng hợp, sự am tường về chữ Hán - Nôm và thư tịch cổ, Nguyễn Đăng Na đã đưa ra nhiều kiến giải mới mẻ đối với những ẩn số bên trong tác phẩm văn học trung đại.

Nhan cach 'oc muon hon' la gi? hinh anh

Nhân cách 'ốc mượn hồn' là gì?

0

Sự trao đổi giữa người với người không thể nào cứ thông thuận mãi được, sẽ có mâu thuẫn, xung đột, không vui, muốn giải quyết những vấn đề này vẫn nên quay về giải quyết từ bản thân chuyện trao đổi.

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm