Sáng 22/1, Đại hội thảo luận nội dung các văn kiện, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã có tham luận về Phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Trong bài tham luận, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh, một quốc gia hiện đại, phát triển ở trình độ cao trước hết phải có một hệ thống giao thông hiện đại - thuận lợi - hiệu quả và an toàn.
Ông Thăng trông đợi ở những Nghị quyết quan trọng của Đại hội và Ban Chấp hành Trung ương khóa XII sẽ tiếp tục tạo động lực lớn và mới cho vấn đề phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thặng tại Đại hội Đảng sáng 22/1. Ảnh: TTXVN. |
Bộ trưởng Giao thông vận tải cho biết, 5 năm qua, nhiều công trình quan trọng, thiết yếu được đưa vào sử dụng, tạo diện mạo mới cho đất nước, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh như đã được ghi nhận tại Dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, khẳng định tính đúng đắn và Nghị quyết Đại hội đảng lần thứ XI đã thực sự đi vào cuộc sống.
4 đột phá phát triển kết cấu hạ tầng giao thông
Bộ trưởng Thăng khái quát, 5 năm qua, kết cấu hạ tầng giao thông đã có sự phát triển vượt bậc, nhiều công trình quan trọng, thiết yếu được đưa vào sử dụng, tạo diện mạo mới cho đất nước, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Ông nêu 4 đột phá để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó có giải pháp sử dụng nguồn lực hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các công trình có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối các trung tâm kinh tế.
Giải pháp đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng trong đầu tư xây dựng; nâng cao năng lực các chủ thể tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính với mục tiêu vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Về các mục tiêu cơ bản về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2016 - 2020, Bộ trưởng Giao thông vận tai cho biết, đồng thời với việc khai thác hiệu quả các tuyến cao tốc đã có, tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc mới nhằm mục tiêu đến năm 2020 có trên 2.000 km đường bộ cao tốc.
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tuyến cao tốc
dài hơn 105 km với mặt đường được trải lớp tạo nhám dày 5 cm cho phép chạy tối đa 120 km/h. Ảnh: Mạnh Thắng. |
Về đường sắt tập trung nâng cấp đường sắt hiện có, trong đó ưu tiên tuyến Bắc - Nam để đạt tốc độ chạy tàu bình quân 80-90 km/h đối với tàu khách và 50-60 km/h đối với tàu hàng và các tuyến Yên Viên - Lào Cai, Gia Lâm - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lạng Sơn.
Nghiên cứu phương án và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn đường sắt đôi tốc độ cao trên trục bắc - nam, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, dùng chung cho tàu khách và tàu hàng, giai đoạn đầu khai thác với tốc độ 160-200 km/h, như đoạn Hà Nội - Vinh, TP HCM - Nha Trang và Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Hàng không sẽ tập trung nâng cấp đồng bộ các cảng hàng không quốc tế; xây dựng các công trình để khai thác an toàn, hiệu quả các cảng hàng không, đưa tổng năng lực các cảng hàng không đạt khoảng 100 triệu hành khách/năm (tăng khoảng 1,5 lần so với năm 2015).
Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được đầu tư, phấn đấu hoàn thành vào năm 2023, sớm hơn hai năm so với mục tiêu trong nghị quyết Quốc hội. Đầu tư cảng hàng không Vân Đồn, Lào Cai, Lai Châu và Nà Sản bằng hình thức xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác. Mở thêm các đường bay mới cả trong và ngoài nước.
Mới là bước khởi đầu
Cuối bài phát biểu, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh, với nhận thức một quốc gia hiện đại, phát triển ở trình độ cao trước hết phải có một hệ thống giao thông hiện đại - thuận lợi - hiệu quả và an toàn, ông trông đợi ở những nghị quyết quan trọng của Đại hội và Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 sẽ tiếp tục tạo động lực lớn và mới cho vấn đề phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam.
Ông khẳng định, Bộ Giao thông Vận tải luôn quán triệt trong toàn ngành những gì đã làm được trong thời gian qua mới chỉ là bước khởi đầu cho một hành trình còn rất gian nan, đòi hỏi Ngành phải nỗ lực không ngừng, phấn đấu liên tục, hy sinh không mệt mỏi mới mong có thể hoàn thành những nhiệm vụ nặng nề hơn trong những năm tới đây.
"Vì vậy, sự quan tâm chỉ đạo, định hướng của Trung ương; sự phối hợp, giúp đỡ của các Bộ, ngành, địa phương; sự tăng cường giám sát của các tổ chức Đảng, các Đảng viên cũng như của toàn thể nhân dân cả nước, sẽ mãi mãi là nguồn động viên to lớn, là điểm tựa tinh thần vững chắc để chúng tôi tiếp tục tự tin, phấn khởi tiến bước mạnh mẽ hơn lên phía trước. Xin được gửi ý nguyện chân thành đó đến Đại hội" - Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.
Sáng 22/1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng làm việc tại Hội trường để thảo luận các văn kiện Đại hội XII. Ông Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp.
Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã được thảo luận tại đoàn trong phiên họp chiều 21/1, trước khi đưa ra thảo luận tập trung tại hội trường trong phiên họp sáng nay.