Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nghiêng bên này, bên khác sẽ ảnh hưởng an ninh'

"Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất về thương mại của Việt Nam, tuy nhiên, điều này không có nghĩa là hai bên không có khác biệt", Phó thủ tướng Phạm Bình Minh trả lời Zing.vn.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: AFP

- Ông đánh giá như thế nào về thách thức ngoại giao trong tình hình mới?

- Chính sách đối ngoại là một cấu thành của chính sách phát triển đất nước. Chính sách đối ngoại giúp tạo dựng môi trường để phát triển trong nước, mở rộng quan hệ với các nước, tăng cường quan hệ chính trị để tạo nền tảng cho quan hệ kinh tế - thương mại, đầu tư.

5 năm tới, tình hình thế giới, khu vực có nhiều phức tạp, nhất là vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo, cạnh tranh nước lớn ở khu vực cũng sẽ tăng lên, đòi hỏi đối ngoại rất nặng nề. Nhiệm vụ vẫn là tiếp tục duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Hai là bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Muốn như vậy, công tác đối ngoại trong chủ đề dự thảo văn kiện là chủ động hội nhập quốc tế. Có nghĩa là Việt Nam phải đưa quan hệ với các nước thật sự ổn định, đảm bảo an ninh từ bên ngoài, từ xa. Có quan hệ với các nước thật tốt sẽ đảm bảo môi trường hòa bình, giúp bảo vệ an ninh từ xa.

Hơn nữa, việc hội nhập phải chủ động hơn. 5 năm qua ta mới bắt đầu tham gia hội nhập còn 5 năm tới, những định chế mà Việt Nam tham gia sẽ đến giai đoạn thực hiện cam kết. Chúng ta phải hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với các cam kết quốc tế đòi hỏi rất cao.

Đặc biệt là hội nhập kinh tế, ký FTAs. Điều này đòi hỏi chúng ta phải đẩy mạnh đổi mới cơ cấu kinh tế, chuyển đổi nền kinh tế để phù hợp luật chơi, tăng sự cạnh tranh của Việt Nam, đáp ứng các cam kết.

Độc lập, tự chủ để giữ môi trường an ninh

- Cạnh tranh về chiến lược của các nước lớn ở khu vực sẽ ảnh hưởng như thế nào với Việt Nam trong thời gian tới?

- Đương nhiên tình hình thế giới, khu vực biến động phức tạp có nhiều yếu tố trong đó có sự cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn, có cạnh tranh sẽ tạo nên cọ xát về lợi ích chiến lược, về an ninh và kinh tế.

Nếu không giữ được độc lập, tự chủ, mà nghiêng bên này, bên khác thì sẽ ảnh hưởng môi trường an ninh của Việt Nam. Vì thế, Đại hội Đảng nêu rõ nhiệm vụ phải hội nhập quốc tế, thực hiện độc lập, tự chủ.

Trong 5 năm qua, một trong những thành công lớn về đối ngoại của Việt Nam là tạo được khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với tất cả các nước quan trọng nhất trên thế giới. Không phải nước nào cũng làm được điều này. Điều đó thể hiện chúng ta có chính sách đúng đắn, đồng thời vị thế ngày càng tăng của Việt Nam.

- Hội nhập tạo động lực để Đổi mới ,phát triển kinh tế, tạo áp lực cho cạnh tranh. Nhưng áp lực không tự nó tạo nên cạnh tranh mà cần cải cách thể chế từ bên trong?

- Việc cải cách thể chế là đương nhiên. Tham gia hội nhập quốc tế, tức là ta phải tuân thủ các tiêu chuẩn chung, áp dụng luật chơi chúng của thế giới. Để làm được điều đó, chúng ta phải hoàn chỉnh hệ thống pháp luật trong nước, đáp ứng tiêu chuẩn đó. Điều này giúp tăng khả năng của Việt Nam về lĩnh vực kinh tế. Các FTAs thế hệ mới, đòi hỏi rất cao. Đó cũng là đòi hỏi của thị trường chung của thế giới, Việt Nam có cạnh tranh thì mới thực hiện được.

Chúng ta cần cơ cấu lại nền kinh tế, tái cấu trúc để tạo sự chuyển dịch, tăng hàm lượng công nghệ. Nếu không, ta sẽ không cạnh tranh được. Cơ hội mà các hiệp định thương mại mang lại sẽ không tận dụng được, ngược lại còn bị thách thức và có khả năng chịu thua thiệt.

Dựng khuôn khổ đối tác chiến lược để giữ chủ quyền

- Ông nhắc nhiều đến hiệp định đối tác chiến lược. Thực tế chúng ta ký nhiều nhưng lợi ích thực sự và mối liên hệ với các đối tác ấy thực chất như thế nào?

- Đến nay ta ký kết hiệp định đối tác chiến lược với 15 nước. Nếu chỉ nhìn riêng rẽ lợi ích cụ thể mà một đối tác mang lại thì khó thấy. Nhưng nếu nhìn tổng thể chính sách đối ngoại của đất nước, nếu ta càng có nhiều bạn, đặc biệt là bạn bè có tính tin cậy cao về chính trị, hợp tác tốt về quốc phòng an ninh, quan hệ kinh tế - thương mại được mở rộng thì sẽ tạo ra được môi trường tốt cho đất nước phát triển.

Các nước, dù lớn hay nhỏ ngoài thách thức bên trong thì có thách thức bên ngoài, như câu chuyện chủ quyền lãnh thổ, vị thế, và quan hệ. Nếu có được quan hệ trong khuôn khổ, giữ được quan hệ đó, thì tạo được nền tảng để xử lý cách thách thức bên ngoài.

Khuôn khổ quan hệ sẽ tạo nền tảng chính trị, từ đó với từng đối tác sẽ nhấn mạnh ở từng khía cạnh hợp tác. Không phải hợp tác với các nước là giống nhau. Mỗi nước có một thế mạnh riêng. Có nước thế mạnh là đối tác kinh tế, thương mại, là đối tác đầu tư lớn. Nước khác, chúng ta tranh thủ khoa học công nghệ, hoặc giáo dục.

- Tuy nhiên, trên thực tế có những nước ta ký kết quan hệ đối tác chiến lược từ lâu, như Trung Quốc nhưng giới quan sát cho rằng quan hệ vẫn chưa đi vào thực chất, không đạt tầm mức ấy?

Chúng ta xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc và vừa qua đưa quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Quan hệ chính trị - kinh tế - thương mại phát triển mạnh. Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất về thương mại của Việt Nam. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là hai bên không có khác biệt.

Đơn cử, trong quan hệ Việt - Trung, khác biệt nằm ở giải quyết vấn đề Biển Đông. Chúng ta khẳng định chủ quyền với Hoàng Sa, Trường Sa và vùng đặc quyền kinh tế. Trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược, chúng ta sẽ xử lý những khác biệt, như tranh chấp Biển Đông bằng phương pháp hòa bình.

Tại Đại hội XII, đường lối phát triển mới sẽ được thông qua, trong đó nêu rõ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội – văn hóa và cả đường lối đối ngoại. Trách nhiệm của các ủy viên trung ương, và lãnh đạo từng bộ, ngành, địa phương phải quán triệt đường lối ấy.

Một trong những thách thức quan trọng là sự phối hợp dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của đảng. Trong một xã hội hội nhập quốc tế, nếu mỗi ngành, bộ, địa phương làm theo hướng riêng, không có phối hợp sẽ làm mất sức mạnh.

'Lo giữ nước từ lúc chưa nguy'

Phát biểu tại Đại hội Đảng XII sáng nay, đại tướng Ngô Xuân Lịch nhận định tình hình Biển Đông đang có những khó khăn, thách thức mới.


Phương Loan (thực hiện)

Bạn có thể quan tâm