Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nhấn mạnh, dựng nước đi đôi với giữ nước, xây dựng gắn liền với bảo vệ tổ quốc là quy luật tồn tại và phát triển của đất nước. Xây dựng tiềm lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước ngay từ thời bình là kế sách “lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy".
Biển Đông có những khó khăn, thách thức mới
Ông phân tích, trong những năm tới, hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế chủ đạo. Tuy nhiên, tình hình tiếp tục có diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố gây bất ổn định, bất trắc, khó lường. Môi trường chiến lược có nhiều biến động do sự cạnh tranh chiến lược quyết liệt giữa các nước lớn. Chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố và thách thức an ninh phi truyền thống diễn biến phức tạp.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong đó có Đông Nam Á tiếp tục phát triển năng động trong đó có cộng đồng ASEAN vừa hình thành sẽ tạo bước chuyển tích cực cả về chính trị - an ninh, kinh tế - xã hội và văn hóa. Tuy nhiên, đây là nơi cạnh tranh quyết liệt về chiến lược giữa các nước lớn.
Trước xu thế hội nhập và mối quan hệ vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh lợi ích giữa các nước, chúng ta phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch bằng hoạt động diễn biến hòa bình, thúc đẩy tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Tình hình Biển Đông có những khó khăn, thách thức mới.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch. Ảnh: TTXVN. |
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình, trước yêu cầu mới về nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc hiện nay, việc tăng cường quốc phòng, xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ từng bước là yêu cầu đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng yếu trong việc xây dựng tiềm lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước.
Bảo vệ tổ quốc từ sớm, từ xa
Theo ông Lịch, quân đội sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ ngành, đoàn thể trung ương nhất là lực lượng công an và đối ngoại, thực hiện tốt dự báo chiến lược. Trên cơ sở đó, kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chủ trương, hoàn thiện cơ chế, chính sách về quốc phòng, bảo vệ tổ quốc. Có đối sách phù hợp xử lý các tình huống, các vấn đề nhạy cảm trong quan hệ quốc tế, nhất là các nước láng giềng, ASEAN, nước lớn, không để xảy ra bị động, bất ngờ về chiến lược.
Theo Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, số lực lượng được ưu tiên hiện đại hóa sẽ tiếp tục được mở rộng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Để dự báo đúng, tham mưu trúng, xử lý có hiệu quả các tình huống, các vấn đề phức tạp nảy sinh, quân đội phải thường xuyên chủ động nắm chắc tình hình trong nước, quốc tế, nhất là những diễn biến liên quan đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại, sự nghiệp bảo vệ tổ quốc của quân và dân ta.
Thường xuyên theo dõi, nắm chắc, giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo, vùng trời và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước.
Đây cũng là quan điểm phương châm chỉ đạo của Đảng về bảo vệ tổ quốc “từ sớm, từ xa” được nêu tại Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội.
Mở rộng lực lượng được ưu tiên hiện đại hóa
5 năm qua, được quan tâm đầu tư nguồn lực của Đảng, nhà nước, việc xây dựng quân đội theo hướng hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng đã có bước đột phá về trang bị, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội.
Qua đó đáp ứng yêu cầu đòi hỏi phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh trên địa bàn cả nước. Đó là nền quốc phòng với tiềm lực, sức mạnh tổng hợp, cấu thành thành từ nguồn lực quốc gia và trong nhân dân, từ nhân dân, mang đậm tính chất tự vệ, không nhằm đe dọa bất cứ quốc gia nào.
Đó là nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, ngày càng hiện đại, do toàn dân tiến hành xây dựng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự thống nhất quản lý điều hành của nhà nước từ trung ương đến địa phương, cơ sở.
Trọng tâm là xây dựng thế quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, đặc biệt là thế trận lòng dân vững chắc từ cơ sở. Chú trọng xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh, đảm bảo cho các địa phương xử lý tốt các tình huống quốc phòng – an ninh trong cả thời bình và thời chiến.
Tiếp tục phát huy vai trò, tính hiệu quả của các đơn vị kinh tế quốc phòng và các doanh nghiệp quốc phòng để đẩy mạnh kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, góp phần tăng cường thế trận quốc phòng – an ninh trên các địa bàn biên giới, biển đảo.
Theo ông Lịch, cần đẩy mạnh quân đội cách mạng chính quy tinh nhuệ, từng bước hiện đại có chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu cao, thực sự là lực lượng nòng cốt trong nhiệm vụ toàn dân bảo vệ tổ quốc.
“Số lực lượng được ưu tiên hiện đại hóa sẽ tiếp tục được mở rộng. Mở rộng đến đâu, hiện đại hóa những lực lượng nào và mức độ ra sao là tùy thuộc và tình hình thực tế và khả năng, nguồn lực của đất nước”, ông Lịch nêu.
Sáng 22/1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng làm việc tại Hội trường để thảo luận các văn kiện Đại hội XII. Ông Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp.
Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã được thảo luận tại đoàn trong phiên họp chiều 21/1, trước khi đưa ra thảo luận tập trung tại hội trường trong phiên họp sáng nay.
Đầu giờ sáng, Đại hội nghe tham luận của:
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam;
Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an;
Ông Mai Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương;
Ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương;
Ông Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.